Biển chứng nhận Halal tại một cửa hàng trong trung tâm thương mại ở Bangkok, Thái Lan. (Nguồn: Al Jazeera) |
Thái Lan kỳ vọng tiềm năng của ngành công nghiệp Halal sẽ tạo động lực tăng trưởng kinh tế và đẩy nhanh quá trình phục hồi hậu Covid-19. Hồi tháng Bảy, Bangkok công bố kế hoạch phát triển thị trường Halal nhằm quảng bá sản phẩm Thái Lan và nâng cao tiêu chuẩn của ngành này. Trọng tâm của kế hoạch là xây dựng một “thung lũng Halal” sản xuất sản phẩm Halal tại các tỉnh miền Nam Thái Lan, nơi có đông người Hồi giáo sinh sống.
Ông Aat Pisanwanich, chuyên gia kinh tế và cố vấn của Công ty nghiên cứu thông minh (IRC) cho biết, thế mạnh của Thái Lan là lĩnh vực thực phẩm, đồ uống và nông nghiệp, song quốc gia láng giềng Hồi giáo là Malaysia đã giành được uy tín và sự công nhận cao hơn từ thị trường Trung Đông. Do đó, xứ sở chùa vàng sẽ mất nhiều thời gian và nỗ lực để xây dựng uy tín trong vai trò một trung tâm Halal.
Thái Lan hiện có khoảng 15.000 công ty, 166.000 sản phẩm và 3.500 nhà hàng đạt chứng nhận Halal. Đứng sau Malaysia và Indonesia, Thái Lan là quốc gia xuất khẩu lớn thứ ba đến các quốc gia thuộc Tổ chức hợp tác Hồi giáo (OIC) tại Đông Nam Á. Trong 8 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu Halal của Thái Lan sang thị trường OIC, bao gồm đường, gạo và gà đông lạnh, đạt khoảng 4,1 tỷ USD.
Dù phần lớn dân số theo đạo Phật, Thái Lan vẫn tìm cách đẩy mạnh lĩnh vực Halal vì nhu cầu thị trường đang ngày càng lớn, trong bối cảnh dân số Hồi giáo được dự báo tăng lên 3 tỷ người, tương đương 30% dân số thế giới vào năm 2060.
Ông Fuad Gunsun, Phó Chủ tịch Hiệp hội thương mại Hồi giáo Thái Lan chia sẻ, trở thành trung tâm Halal đồng nghĩa với việc Thái Lan sẽ sử dụng nguồn cung nội địa để tăng tính cạnh tranh với sản phẩm tương tự sản xuất tại Malaysia.
“Tại khu mua sắm Pratunam ở Bangkok, nếu các hộ kinh doanh không cung cấp thực phẩm Halal, lượng khách du lịch đến mua sắm có thể giảm đến một nửa”, ông Gunsun cho biết thêm.
Thái Lan nên học hỏi từ lợi thế cạnh tranh của Malaysia trong cung cấp sản phẩm Halal ngoài thực phẩm như mỹ phẩm và quần áo. Theo vị lãnh đạo Hiệp hội thương mại Hồi giáo Thái Lan, “Malaysia chú trọng nghiên cứu kinh doanh Halal, trong khi Thái Lan còn chậm trễ trong lĩnh vực này”.
Theo Chỉ số du lịch Hồi giáo toàn cầu Mastercard-Crescentrating năm 2024, Thái Lan đứng thứ 5 trong các điểm đến thân thiện với người Hồi giáo trong nhóm nước và vùng lãnh thổ ngoài OIC, xếp sau Singapore, Vương quốc Anh, Đài Loan (Trung Quốc) và Hong Kong (Trung Quốc). Theo các chuyên gia, Thái Lan đã nỗ lực đáng kể để thu hút du khách Hồi giáo trong những năm qua, bằng cách cung cấp thực phẩm Halal và đi tiên phong trong tận dụng thị trường sản phẩm tiêu dùng thân thiện với người Hồi giáo.
Bà Jaruwan Chotitawan, người đứng đầu bộ phận kinh doanh và tiếp thị nước ngoài Saha Farms nhấn mạnh, là một trong những doanh nghiệp nỗ lực đạt chứng nhận Halal, Saha Farms chỉ mới tiếp cận thị trường Trung Đông để đáp ứng nhu cầu tại khu vực này.
Cho biết các nhà máy của Saha Farms đã đạt chứng nhận Halal trong nước, đồng thời được Malaysia và các nước Trung Đông kiểm duyệt, bà Jaruwan Chotitawan nhấn mạnh "ý định đẩy mạnh thương hiệu Halal trong khuôn khổ chiến lược tiếp thị tại Trung Đông".
Với nhiều nhà xuất khẩu Thái Lan, chứng nhận Halal trở thành cầu nối quan trọng để tiếp cận khách hàng. Theo Ủy ban các vấn đề Hồi giáo Bangkok, giấy chứng nhận Halal có chi phí là 10.000 Baht (khoảng 300 USD) đối với doanh nghiệp nhỏ, chưa kể khoản phí bổ sung cho các đợt kiểm tra định kỳ, gia hạn chứng nhận và tài liệu, cùng các đợt phụ thu khác.