Tại Bangkok, phát biểu với báo giới sau cuộc họp Nội các ngày 15/3, Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha nêu rõ các dự luật này sẽ được ban hành nhằm tích hợp nội dung cải cách quốc gia vào chiến lược quốc gia dài hạn một khi Hiến pháp năm 2016 có hiệu lực trong thời gian sắp tới.
Dự luật về cải cách quốc gia đề ra các cơ chế và khuôn khổ để định hướng cải cách, như thành lập một ủy ban chỉ đạo, đặt ra khung thời gian, theo dõi các tiến trình cải cách, đánh giá và can dự với người dân cũng như các cơ quan hữu quan.
Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha. (Nguồn: Reuters) |
Theo Văn phòng Thủ tướng Thái Lan, Ủy ban Chỉ đạo cải cách sẽ bao gồm 15 thành viên với nhiệm kỳ 5 năm. Các thành viên sẽ do nội các chỉ định, đại diện cho các khu vực tư nhân và xã hội dân sự.
Các thành viên này không được là công chức chính phủ trừ phi là học giả thuộc các cơ sở giáo dục cấp đại học của nhà nước.
Cơ chế tương tự cũng được đề ra trong dự luật về chiến lược quốc gia. Ủy ban Chiến lược quốc gia sẽ do Thủ tướng đứng đầu với các cấp phó là Chủ tịch Hạ viện và Thượng viện.
Các thành viên còn lại của ủy ban này sẽ bao gồm Tổng Thư ký Hội đồng An ninh quốc gia, Tổng Thư ký Hội đồng Phát triển kinh tế-xã hội quốc gia (NESDB) và chuyên gia đến từ các ngành nghề.
Ủy ban này sẽ hoạt động trong nhiệm kỳ 5 năm, và giám sát hoạt động của các tiểu ban phụ trách những vấn đề chiến lược khác nhau.
Hai dự luật này sẽ tiếp tục được chuyển đến NESDB để chuẩn bị cho việc lấy ý kiến công chúng và sau đó sẽ được chuyển đến Hội đồng Lập pháp quốc gia (Quốc hội) để thảo luận và biểu quyết thông qua.