Quán triệt sâu sắc chỉ đạo về nâng cao hiệu quả Ngoại giao kinh tế và Ngoại giao văn hóa, chuyến đi đã khẳng định thêm lần nữa tinh thần “tích cực, chủ động”, cả về phía những nhà ngoại giao và phía các địa phương.
Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Vũ Quang Minh (bên trái). |
Những tư tưởng này được vận dụng ngay vào hoạt động thực tế ở địa phương. Đơn cử, trong chuyến đi miền Trung - Tây Nguyên, ông Vũ Quang Minh vui mừng chia sẻ: “Điểm nổi bật là những tích cực, chủ động của các địa phương trong quảng bá hình ảnh, xúc tiến thương mại-đầu tư-du lịch, đưa sản vật của vùng ra quốc tế. Sự thấm nhuần về tư tưởng phát triển bền vững theo hướng xanh, hiện đại không chỉ lan tỏa ra tất cả các địa phương mà còn len lỏi tới mọi cấp chính quyền”.
Theo ông Minh, nhu cầu chính của các địa phương được nêu rất thực tế. Thứ nhất là quảng bá nông sản địa phương (cà phê, tiêu, điều, trái cây,…); thu hút đầu tư, đặc biệt là đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp chế biến. Thứ hai là vấn đề phát triển bền vững từ năng lượng xanh, năng lượng tái tạo (điện, gió…). Thứ ba là xây dựng hình ảnh địa phương giàu truyền thống trong một Việt Nam đa dạng về bản sắc văn hóa; xúc tiến UNESCO công nhận di sản văn hóa của địa phương, tìm cách quảng bá những đóng góp của Việt Nam ra thế giới. Thứ tư là đề cập đến hai chiều của vấn đề lao động: xuất khẩu lao động ra nước ngoài và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao ở trong nước; tận dụng học bổng quốc tế hiệu quả hơn nhằm đáp ứng thị trường trong bối cảnh cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0; và ưu tiên thu hút đầu tư nước ngoài vào các ngành công nghệ cao của Việt Nam.
Theo ông Minh, điểm thú vị là những người đứng đầu các tỉnh/thành phố nhận thức rất rõ về việc phải đưa chất lượng, môi trường sống tốt, không gian nguyên sơ, thắng cảnh đẹp sẵn có trở thành thế mạnh thu hút đầu tư. Khía cạnh này vốn được nhà đầu tư nước ngoài rất quan tâm nhưng đến nay mới chỉ khai thác rất ít.
Đây cũng là dịp để các tỉnh vừa chủ động nêu kỳ vọng với Trưởng các cơ quan đại diện tương lai, vừa đề xuất hoạt động cụ thể. “Có rất nhiều, rất nhiều kế hoạch đã được đưa ra bàn luận”, ông Vũ Quang Minh hồ hởi. Đó là kế hoạch xúc tiến thương mại nông sản ở Australia; là xúc tiến giới thiệu bản sắc văn hóa cồng chiêng, không gian văn hóa truyền thống Tây Nguyên, những đa dạng văn hóa của vùng và của Việt Nam với Pháp, UNESCO và tiến tới là các nước châu Âu khác; là dự định kết nghĩa với địa phương Nhật Bản, Anh quốc. Đó cũng là mong muốn kết nối với mạng lưới cộng đồng người Việt ở nước ngoài, tìm ra những doanh nghiệp lớn, đặc biệt là doanh nghiệp của kiều bào có khả năng hỗ trợ địa phương quảng bá, bán các sản phẩm nông nghiệp, máy móc nông cụ, ở các nước láng giềng như Campuchia, Trung Quốc,…
Những vị Trưởng cơ quan đại diện Việt Nam tương lai ngay lập tức được “xáp vô” các thông tin cấp thiết và quý báu, bổ sung thêm những điểm mấu chốt khi thực sự triển khai kế hoạch, nhiệm vụ của họ ở nước ngoài. Những cuộc gặp gỡ trong không khí cầu thị, sẵn sàng phối hợp và đi vào bàn thảo thực chất đặc biệt đúng với tinh thần mà Chỉ thị về ưu tiên Ngoại giao phục vụ kinh tế của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh đã ký ban hành tháng 3/2017.
Vị Trưởng đoàn khẳng định nỗ lực của các nhà ngoại giao, hết mình hỗ trợ địa phương. Ông cho biết những hỗ trợ này sẽ được duy trì qua các kênh: Cục Ngoại vụ; cung cấp đầy đủ mọi thông tin liên hệ với Cơ quan đại diện cho các địa phương; trang Ngoại giao kinh tế trực tuyến với những thông tin hai chiều được cập nhật thường xuyên; các kế hoạch quảng bá chi tiết cho các tỉnh.
“Đặc biệt, các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài hứa sẽ là nơi sàng lọc, thẩm định trước tiềm năng, nguồn gốc đối tác trước khi xúc tiến hợp tác với phía Việt Nam”, ông Minh nói nhanh với phóng viên rồi lại tập trung vào công việc trước đó còn dang dở.