TIN LIÊN QUAN | |
"Bác Hồ với cộng đồng các dân tộc Việt Nam" | |
Mua bản quyền 2 phim tư liệu về Bác Hồ do nước ngoài sản xuất |
Năm 1990, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hoá của Liên hợp quốc (UNESCO) quyết định kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh trên toàn thế giới với hai tư cách: Anh hùng Giải phóng dân tộc và Danh nhân Văn hóa. Sự kiện đã khắc sâu dấu ấn Hồ Chí Minh – con người của thời đại – trong bối cảnh lịch sử của thế kỷ XX.
Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm hỏi nông dân Hợp tác xã Hùng Sơn, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên đang gặt lúa, năm 1954. (Ảnh tư liệu) |
Luôn theo đuổi con đường hòa bình
Lịch sử hiện đại đã thừa nhận vai trò của Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ riêng đối với dân tộc Việt Nam, mà còn gắn với cả phong trào giải phóng dân tộc trên toàn thế giới. Đặc biệt, nói đến tư duy lý luận cách mạng của Hồ Chí Minh, một điều cực kỳ quan trọng cần nhấn mạnh là phong cách, sự ứng phó khớp với diễn biến lịch sử. Người thường nói: “Làm cách mạng là phải tùy thời, tùy thế, biết vận dụng thời và thế, biết sáng tạo thời và thế”. Trong tư duy của Hồ Chí Minh, bất cứ dân tộc nào làm cách mạng cốt yếu đều phải hiểu rằng mình không đơn độc, sức mạnh của mình là sức mạnh của bản thân và của cả loài người tiến bộ ủng hộ. Do đó, Hồ Chủ tịch thường nhắc nhở những người làm cách mạng phải biết kịp thời ứng biến, xuất phát từ những thay đổi của phong trào cách mạng.
Dưới sự lãnh đạo tài tình của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân ta đã làm thất bại mọi mưu đồ độc ác của giặc ngoài, thù trong, giữ vững chính quyền cách mạng, tranh thủ thời gian chuẩn bị cuộc kháng chiến toàn quốc chống thực dân Pháp. Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng từng nói: “Nếu lúc bấy giờ mà không có Chủ tịch Hồ Chí Minh, khó lường hết chuyện xảy ra”.
Trong lịch sử của dân tộc, Việt Nam liên tục phải đương đầu với các thế lực xâm lược hùng mạnh đến từ các lục địa Á – Âu, điển hình như cuộc kháng chiến chống quân xâm lược nhà Tống, Lý Thường Kiệt đã “biện sĩ bàn hòa”, mở lối thoát cho quân địch nhằm chấm dứt chiến tranh, cũng là “để không nhọc tướng sĩ, khỏi tốn máu xương mà lại bảo toàn được tông miếu”. Cũng ý chí đó, Lê Lợi-Nguyễn Trãi đã “mở đường hiếu sinh” cho giặc Minh chạy về nước khi chúng bị “khốn đốn, cởi giáp ra hàng” cốt để “toàn quân, nhân dân nghỉ sức”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kế thừa truyền thống khoan dung, hòa hiếu, nhân nghĩa của dân tộc ta từ ngàn xưa và nâng nó lên tầm cao mới, tầm tư duy cách mạng ở thời hiện đại. Trong cuộc đấu tranh gian khổ chống kẻ thù của giai cấp, của dân tộc, giữa hai giải pháp bạo lực cách mạng và hòa bình, bao giờ Hồ Chí Minh cũng ưu tiên theo đuổi con đường hòa bình, thương lượng, đối thoại với tấm lòng chân thành và thái độ hiểu biết. Khi lực lượng chính trị và vũ trang đã đủ mạnh, chớp đúng thời cơ, Hồ Chí Minh kịp thời lãnh đạo nhân dân Việt Nam làm nên thắng lợi rực rỡ như cuộc Cách mạng tháng Tám vĩ đại - một cuộc cách mạng diễn ra trong thời gian ngắn, ít đổ máu nhất.
Ngày 2/9/1945 tại Quảng trường Ba Đình, Người đã đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Đó là bản tuyên bố hòa bình của dân tộc ta trong thời đại mới, khẳng định quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do trong hòa bình của mỗi con người mà chiến tranh đã hủy diệt, đã chà đạp lên. Xuyên suốt tư tưởng cách mạng của Hồ Chí Minh là bảo vệ hòa bình.
Cứ đến dịp kỷ niệm ngày sinh của mình, Bác thường dặn trước các địa phương, cơ quan không nên tổ chức chúc thọ linh đình. Bác sợ tốn thời gian, tiền bạc của nhân dân trong lúc đời sống và cuộc chiến đấu của nhân dân còn khó khăn, gian khổ. Ở Hà nội, đúng ngày 19/5, Bác thường đi làm việc, thăm hỏi ở một nơi khác để tránh những nghi lễ phiền phức, tốn kém. |
Những mẩu chuyện 19/5
Hàng năm, một trong những ngày được khắc ghi trong tâm trí người dân Việt Nam là 19/5 - ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ngày này năm 1946, lần đầu tiên nhân dân ta kỷ niệm ngày sinh của Người. Cũng từ đó trở đi, cứ đến dịp 19/5, toàn dân ta cùng sống trong những giờ phút đặc biệt với niềm kính yêu vô hạn đối với Người.
Một lần vào ngày sinh của mình, Bác vắng nhà. Bác giao cho những người phục vụ, bảo vệ bắt cá tại ao cá Bác vẫn chăm sóc hàng ngày để biếu các cụ già, cháu bé, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, cho anh chị em trong cơ quan phục vụ Bác cải thiện bữa ăn. Việc này vừa thể hiện sự quan tâm chăm lo của Bác đối với mọi người, vừa để cảm ơn họ đã tận tụy công tác, chăm lo cuộc sống hàng ngày của Bác.
Vào những dịp sinh nhật hàng năm, Bác thường viết thư, gửi điện cảm ơn đồng bào, đồng chí, các cơ quan đoàn thể trong nước và bầu bạn quốc tế đã dành cho mình những tình cảm thân thiết. Bác làm thơ nói về tuổi tác thay vì những lời cảm tạ. Mỗi bức thư, mỗi dòng thơ tuy nói về ngày sinh của mình nhưng lại là tình cảm, trách nhiệm của Bác đối với non sông đất nước.
Dịp kỷ niệm ngày 19/5/1968, sức khỏe của Bác đã giảm sút, vào lúc 9 giờ ngày 10/5/1968, Bác đã viết câu mở đầu cho tài liệu “Tuyệt đối bí mật” để gửi lại cho đời sau: “Năm nay, tôi vừa 78 tuổi, vào lớp người trung thọ. Tinh thần vẫn sáng suốt tuy sức khỏe có kém so với vài năm trước đây …”. Bởi vậy, sinh nhật năm ấy, Bác không đi công tác xa như những năm trước, Bác tập trung cho công việc suy nghĩ, sửa chữa bản tài liệu dặn lại cho đời sau.
Buổi tối ngày 18/5, Bác lên nhà nghỉ ở Hồ Tây. Trưa 19/5, bữa cơm thân mật được tổ chức gồm một số anh em phục vụ, lái xe, bảo vệ nhân kỷ niệm ngày sinh lần thứ 78 của Bác. Hôm sau, Bác dự khai mạc kỳ họp thứ tư Quốc hội khóa III.
Bước sang năm 1969, sức khỏe của Bác yếu đi nhiều. Lần đầu tiên trong bốn năm (1965 – 1969), Bác viết và sửa di chúc muộn hơn, từ 9 giờ 30 đến 10 giờ 30 ngày 10/5/1969. "Năm nay tôi vừa 79 tuổi đã là hạng người “xưa nay hiếm”. Nhưng tinh thần và đầu óc vẫn sáng suốt, tuy sức khỏe có kém so với vài năm trước đây ...", Bác viết.
Chiều ngày 11/5/1969, Bác đến thăm và nói chuyện với các đại biểu dự hội nghị cán bộ cao cấp toàn quân. Thiếu tướng Vương Thừa Vũ thay mặt các cán bộ, chiến sĩ toàn quân mang hoa đến chúc thọ nhân dịp sinh nhật Bác.
Chiều 18/5/1969, các đồng chí trong Bộ Chính trị và một số đồng chí ủy viên trung ương vào chúc thọ Bác ở căn nhà họp Bộ Chính trị gần ngôi nhà sàn trong khu Phủ Chủ tịch. Buổi lễ mừng sinh nhật Bác lần thứ 79 rất đơn giản và đầm ấm. Mọi người đều đứng xung quanh Bác. Đồng chí Tố Hữu tặng hoa, đồng chí Lê Duẩn đọc lời chúc. Bác cười vui thân mật mời mọi người ăn bánh kẹo và không quên dặn: "Nhớ mang phần về cho các cô và các cháu ở nhà".
Sáng 19/5/1969, Bác dậy sớm như thường lệ và cố gắng tập những động tác thể dục đơn giản. Sau đó Bác làm việc bình thường như mỗi ngày: tiếp các cháu thiếu nhi là con các đồng chí phục vụ đến chúc thọ Bác; 9 giờ, Bác xem và chỉnh sửa, bổ sung bản di chúc; 10 giờ 30, Bác tiếp chị Phan Thị Quyên (vợ liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi) và chị Nguyễn Thị Châu (ủy viên Ban chấp hành hội Liên hiệp Thanh niên và sinh viên giải phóng khu Sài Gòn Chợ Lớn - Gia Định)...
Trong ngày, Bác gửi tặng cán bộ, quân dân tỉnh Nghệ An tấm hình chân dung của mình. Phía dưới tấm ảnh, Người viết: "Cán bộ, Đảng viên phải gương mẫu trong công tác, phải hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân".
Sinh nhật Bác Hồ năm 1969 diễn ra bình thường như những dịp khác, mọi người không ai nghĩ đó là kỷ niệm sinh nhật với Người lần cuối cùng.
Bác đã đi xa 48 năm, nhưng hàng năm tới dịp 19/5, nhân dân Việt Nam và cả bè bạn năm châu vẫn tổ chức kỷ niệm ngày sinh của Người. Trong những dịp kỷ niệm đó, khi ôn lại những bài học quý giá, những việc làm giản dị và khiêm tốn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, chúng ta như đang soi chung tấm gương lớn về đạo đức, để học tập và làm theo Người.
Triển lãm ảnh về Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Bulgaria Ngày 18/5, tại Trường Đại học Tổng hợp Sofia, Đại sứ quán Việt Nam đã khai mạc Triển lãm ảnh “Chủ tịch Hồ Chí Minh ... |
Giới thiệu tranh và sách về Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Toronto Nhân kỷ niệm 127 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, chiều 14/5, tại thành phố Toronto (Canada) đã diễn ra buổi giới thiệu ... |
Kỷ niệm 127 năm Ngày sinh nhật Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Hà Lan Ngày 14/5, tại La Hay, Đại sứ quán tại Hà Lan tổ chức Lễ kỷ niệm 127 năm Ngày sinh nhật Chủ tịch Hồ Chí ... |