Tháng đầu năm 2021, Việt Nam tiếp tục đón nhận những tín hiệu tích cực trong việc thu hút vốn FDI. (Nguồn: Báo Đầu tư) |
Những tín hiệu tích cực
Vào ngày áp chót để “chốt sổ” tổng hợp tình hình thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam trong tháng 1/2021 (ngày 19/1), Đà Nẵng đã cấp chứng nhận đăng ký đầu tư cho Dự án Nhà máy Sản xuất vật liệu bán dẫn United States Enterprises.
Quy mô của Dự án là đáng kể, với tổng vốn đầu tư đăng ký 110 triệu USD, nhưng quan trọng hơn, dự án này là của nhà đầu tư Mỹ, lại đầu tư trong lĩnh vực bán dẫn - một lĩnh vực công nghệ cao mà Việt Nam mong muốn thu hút đầu tư trong thời gian gần đây.
Năm ngoái, Khu công nghệ cao Đà Nẵng đã đón nhận Dự án Nhà máy Sản xuất linh kiện hàng không vũ trụ Sunshine của Công ty UAC (Mỹ). Vì thế, sự xuất hiện của United States Enterprises giống như một lời khẳng định về mối quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài đối với lĩnh vực công nghệ cao ở Đà Nẵng nói riêng, Việt Nam nói chung.
Đấy chính là điểm tích cực trong tình hình thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam trong tháng 1/2020. Nhiều dự án đầu tư lớn đã đăng ký đầu tư vào Việt Nam trong tháng đầu tiên của năm mới 2021 và chủ yếu trong lĩnh vực công nghệ cao. Điển hình nhất là dự án 270 triệu USD với mục tiêu sản xuất, gia công máy tính bảng và máy tính xách tay tại Bắc Giang của Foxconn.
Dù không công bố chính thức, song giới chuyên môn cho rằng, nhà máy trên sẽ nằm trong chuỗi các nhà máy sản xuất thiết bị điện tử, linh kiện cho sản phẩm của Apple. Bởi thế, với sự xuất hiện của dự án này, có thể nói, “ông lớn” Apple đã gửi một thông điệp khá rõ ràng về việc sẽ dịch chuyển nhiều phân đoạn sản xuất về Việt Nam.
Ngoài dự án đó, có thể nhắc thêm Dự án công nghệ tế bào quang điện JA Solar PV Việt Nam (Trung Quốc), vốn đầu tư 210 triệu USD; hay Dự án Công ty TNHH Công nghệ Everwin (Hồng Kông), tổng vốn đầu tư 200 triệu USD tại Nghệ An… Đây đều là các dự án trong các lĩnh vực mà Việt Nam đang khuyến khích đầu tư. Đó là tín hiệu tích cực.
Với sự xuất hiện của các dự án quy mô lớn, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam trong tháng 1/2021 đã đạt 2,02 tỷ USD. Nếu chỉ so sánh đơn thuần về con số, thì hơn 2 tỷ USD của tháng 1/2021 đã sụt giảm tới hơn 62% so với cùng kỳ. Nhưng thực tế, sự sụt giảm này là dễ hiểu. Tháng 1 năm ngoái, có Dự án Điện khí Bạc Liêu, 4 tỷ USD được cấp chứng nhận đầu tư, còn năm nay không có dự án quy mô lớn như vậy. Nếu không tính dự án này, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký tháng 1/2021 sẽ tăng 51,7% so với cùng kỳ.
Điều này là tích cực. Và càng tích cực hơn khi tháng đầu năm, đã có 1,51 tỷ USD vốn được đưa vào thực hiện, tăng 4,1% so với cùng kỳ năm 2020. Thêm nữa, thực tế là, ngoại trừ các tháng có các dự án tỷ USD được cấp chứng nhận đầu tư, thì bình quân hàng tháng, vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam chỉ quanh mốc 2 tỷ USD. Như vậy, 2,02 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam trong tháng 1/2021 không phải là kết quả tồi.
Nỗi lo từ sự trở ngại của dịch bệnh
Ngoài nguyên nhân đến từ việc tháng 1 năm nay không có dự án tỷ USD, Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cũng đã lý giải rằng, sự sụt giảm của dòng đầu tư nước ngoài còn xuất phát từ các nguyên nhân liên quan đến Covid-19 và vướng mắc trong thực thi Luật Đầu tư 2020.
“Trong tháng 1/2021, do có sự chuyển tiếp giữa Luật Đầu tư 2014 và Luật Đầu tư 2020, nên đã ảnh hưởng tới tình hình cấp mới, điều chỉnh các dự án đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Việc cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mới và điều chỉnh vốn tại các địa phương đang gặp khó khăn do Nghị định hướng dẫn Luật Đầu tư 2020 chưa ban hành”, ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài cho biết.
Trong khi đó, trong báo cáo trình Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh: “Dịch bệnh tiếp tục là trở ngại lớn cho thu hút vốn đầu tư nước ngoài”.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Covid-19 bùng phát trở lại ở nhiều quốc gia đã làm ảnh hưởng tới việc đi lại cũng như các quyết định đầu tư mới, mở rộng dự án của các nhà đầu tư. Vì vậy, số dự án cấp mới, điều chỉnh vốn cũng như góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài trong tháng 1/2021 đều giảm so với cùng kỳ.
Nhưng vấn đề sẽ không chỉ nằm ở tháng 1/2021. Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) mới đây đã đưa ra dự báo rằng, đầu tư nước ngoài toàn cầu có thể “chạm đáy” trong năm nay trước khi tăng trở lại vào năm 2022. Nguyên nhân vẫn xuất phát từ những yếu tố không chắc chắn về diễn biến của đại dịch Covid-19.
Năm 2020, theo tính toán của UNCTAD, dòng đầu tư toàn cầu đã giảm tới 42%, từ mức 1.500 tỷ USD năm 2019 xuống chỉ còn 859 tỷ USD. “Đầu tư toàn cầu có thể phục hồi theo hình chữ U, không giống như thương mại toàn cầu và GDP được dự báo phục hồi theo hình chữ V khi bắt đầu năm 2021”, Giám đốc đầu tư và doanh nghiệp UNCTAD, ông James Zhan cho biết.
Tuy vậy, nhìn từ việc Trung Quốc vẫn tăng tốc thu hút đầu tư nước ngoài, bất chấp dòng đầu tư toàn cầu sụt giảm, có thể thấy, cơ hội vẫn rất lớn nếu Việt Nam có những bước đi khôn ngoan, đặc biệt trong chuẩn bị sẵn các điều kiện cần thiết một khi dòng vốn đầu tư nước ngoài dịch chuyển mạnh hơn.
Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính đến ngày 20/1/2021, đã có 2,02 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam, bằng 37,8% so với cùng kỳ. Trong số này, có 47 dự án mới được cấp chứng nhận đăng ký đầu tư, với 1,3 tỷ USD, giảm 70,3% so với cùng kỳ năm 2020. Bên cạnh đó, có 46 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn, với tổng vốn tăng thêm đạt trên 472 triệu USD, tăng 41,1% so với cùng kỳ năm trước. Và còn có 194 lượt góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài, với 220,8 triệu USD, giảm 78,1% về số lượt góp vốn và giảm 58,7% về số vốn so với cùng kỳ ngoái. |