Cụ thể, nền kinh tế lớn nhất thế giới đã thâm hụt 17,9 tỷ USD trong việc giao thương với Hàn Quốc vào năm ngoái, giảm từ mức 23,1 tỷ USD ghi nhận hồi năm 2017 trước đó. Đây là lần đầu tiên con số trên giảm xuống mức thấp này kể từ năm 2012, khi Mỹ báo cáo thâm hụt thương mại 16,6 tỷ USD với nền kinh tế lớn thứ tư châu Á.
Sự suy giảm phản ánh việc Hàn Quốc đẩy mạnh nhập khẩu các sản phẩm năng lượng của Mỹ trong những năm gần đây. Dựa trên số liệu riêng do Cơ quan Hải quan Hàn Quốc (KCS) cung cấp, nước này đã nhập khẩu lượng nhiên liệu trị giá 11,2 tỷ USD từ Mỹ vào năm 2018. Con số này cao gấp nhiều lần so với mức 1,7 tỷ USD vào năm 2015.
Các tàu container chờ tại cảng Oakland vào ngày 6/3 tại Oakland, California. (Nguồn AFP) |
Lượng mặt hàng hóa chất và máy móc cao cấp mà Hàn Quốc nhập khẩu từ Mỹ cũng tăng lên lần lượt là 7,4 tỷ USD và 11,9 tỷ USD trong năm ngoái, từ mức 6,5 tỷ USD và 10,2 tỷ USD trong năm 2015.
Kể từ năm 2017, Washington đã đưa Seoul vào danh sách các quốc gia bị giám sát vì nghi ngờ thao túng tiền tệ, cùng với Trung Quốc và Nhật Bản. Mỹ đưa ra ba tiêu chí để đánh giá liệu các đối tác thương mại của họ có thao túng tiền tệ hay không, bao gồm các khoản thặng dư thương mại, thặng dư tài khoản vãng lai và những động thái can thiệp thị trường.
Một quốc gia có thặng dư thương mại với Mỹ vượt quá 20 tỷ USD như Hàn Quốc đáp ứng một trong ba tiêu chí của Washington. Số liệu thống kê của Mỹ cho thấy thặng dư thương mại của Hàn Quốc với nước này đã luôn ở mức trên 20 tỷ USD trong 5 năm qua tính từ năm 2013, với mức thặng dư kỷ lục 28,3 tỷ USD hồi năm 2015.