📞

Tháng lễ Ramadan: Không chỉ có ‘nhịn ăn’ hay ‘ăn chay’

Phương Ngọc 08:00 | 14/04/2022
Không khó để bắt gặp nội dung về ‘tháng nhịn ăn Ramadan’ hay ‘tháng ăn chay Ramadan’ trên Google, tuy nhiên hầu hết trong số đó đều chưa chính xác.

Thậm chí, những quan niệm này có thể dẫn đến hiểu lầm đáng tiếc về tháng lễ Ramadan linh thiêng và mang đậm tính nhân văn này của các tín đồ Hồi giáo,

Vậy tháng Ramadan là gì?

Người Hồi giáo cầu nguyện trong dịp lễ Ramadan tại Thánh đường Al-Masjid al-Haram linh thiêng nhất của Hồi giáo, thành phố Mecca, Saudi Arabia. (Nguồn: Reuters)

Rèn ý chí, thêm cảm thông

Ramadan là tháng thứ chín theo lịch Hồi giáo, bắt đầu vào thời điểm trăng non lần đầu tiên xuất hiện trên bầu trời và được coi là tháng lễ quan trọng nhất của hơn 2 tỷ người Hồi giáo trên thế giới.

Các quốc gia Hồi giáo đều thành lập một Hội đồng “xem trăng”, bao gồm các nhà thiên văn học, quan chức và học giả Hồi giáo, để quyết định ngày bắt đầu tháng lễ Ramadan. Ngoài ra, các nước cũng tham khảo thông báo chính thức của Saudi Arabia - nơi có các thánh địa thiêng liêng của thế giới Hồi giáo.

Người Hồi giáo tin rằng tháng Ramadan đánh dấu sứ mệnh của Nhà tiên tri Muhammad, khi Đấng Allah sai thiên thần Jibrīl (tên khác là Gabriel) ban tặng cho Nhà tiên tri những lời đầu tiên của Thiên kinh Qur’an.

Tháng Ramadan là thời gian để người Hồi giáo tu sửa bản thân, vun đắp tình cảm với gia đình và cộng đồng, hướng tới các giá trị tốt đẹp như hòa bình hay tình đoàn kết, và quan trọng nhất là cầu xin sự khoan dung và che chở của Đấng Allah.

Được coi là một trong năm cột trụ/bổn phận của Hồi giáo, hành động nhịn (sawm) trong tháng lễ Ramadan chính là yêu cầu căn bản để tín đồ thanh lọc bản thân.

Tuy nhiên, sawm không chỉ đơn thuần là nhịn ăn. Tín đồ còn phải nhịn uống nước, không thực hiện các hành động được coi là lãng phí thời gian, thể hiện ham muốn và tội lỗi như hút thuốc, chửi thề, nói xấu người khác, lười biếng, quan hệ thể xác…

Thay vào đó, người Hồi giáo sẽ dành thời gian cầu nguyện, đọc Thiên kinh Qur’an và sám hối trước Đấng Allah cho những hành động sai trái mình đã làm.

Ở nhiều quốc gia Hồi giáo, các tín đồ kiên cường chịu đựng sự đói khát trong thời tiết nắng nóng của xứ sở sa mạc mà không hề đụng đến một giọt nước.

Đây là cách để tín đồ Hồi giáo trải qua nỗi khổ của những số phận bất hạnh - những người thậm chí không thể duy trì các nhu cầu căn bản nhất của cuộc sống như thức ăn và nước uống.

Từ đó, tín đồ sẽ trở nên khiêm tốn và bao dung hơn, biết bày tỏ lòng trắc ẩn với các mảnh đời kém may mắn và trân trọng những gì Đấng Allah ban tặng.

Bên cạnh đó, sawm còn rèn luyện cho tín đồ sự tiết chế bản thân. Người Hồi giáo tin rằng, trong tháng Ramadan, cửa thiên đàng sẽ rộng mở còn cửa địa ngục đóng lại và nhốt chặt tất cả loài quỷ dữ, bao gồm cả chúa tể của quỷ là Iblis (còn được gọi là al-Shayṭān hay Satan).

Rèn luyện bản thân sẽ giúp tín đồ trở nên mạnh mẽ hơn để có thể chống lại những cám dỗ của cuộc sống, khi loài quỷ tiếp tục tung hoành trên thế giới sau khi Ramadan kết thúc.

Giá trị của tháng Ramadan nằm ở rất nhiều yếu tố tổng hòa cả về mặt thể xác và tinh thần, và “nhịn ăn” chỉ là một trong những nguyên tắc tín đồ Hồi giáo phải thực hiện.

Tháng “nhịn ăn” nhưng lại… ăn rất nhiều

Một điều tưởng chừng như nghịch lý là tín đồ Hồi giáo phải nhịn ăn uống trong tháng Ramadan, nhưng lượng thực phẩm tiêu dùng dịp này thường cao gấp 3 đến 4,5 lần các tháng khác.

Ở nhiều quốc gia, riêng khoản chi tiêu thực phẩm trong tháng Ramadan có thể chiếm đến 15% khoản chi tiêu thực phẩm cả năm.

Trên thực tế, tín đồ Hồi giáo không phải nhịn cả ngày mà chỉ cần nhịn ăn uống từ bình minh đến hoàng hôn.

Tùy thuộc vào vị trí địa lý, thời gian nhịn ăn uống có thể kéo dài từ 11 đến 20 giờ mỗi ngày. Trước bình minh và sau hoàng hôn, hoạt động ăn uống được tổ chức bình thường.

Người dân thường tích trữ thực phẩm từ vài tháng trước khi Ramadan bắt đầu. Những người Hồi giáo xa xứ cũng quay về quê hương để kỷ niệm tháng lễ cùng gia đình, khiến cho nhu cầu tiêu thụ thực phẩm càng gia tăng trong Ramadan.

Bữa ăn sáng của người Hồi giáo trước khi Mặt trời mọc được gọi là suhoor hay suhur. Theo lời Nhà tiên tri Muhammad, bữa ăn sáng là phước lành được Đấng Allah ban tặng trước khi tín đồ nhịn ăn uống.

Gắn liền với suhoor là một truyền thống cổ xưa, khi một hoặc một nhóm người - được gọi là mesaharati - đi khắp làng xóm vào sáng sớm để kêu gọi, ca hát và chơi các loại nhạc cụ để đánh thức người dân dậy chuẩn bị suhoor trước khi mặt trời mọc.

Tuy nhiên, trong cuộc sống hiện đại, nét đẹp văn hóa này đang dần bị mai một khi ai cũng có thể dễ dàng tự đặt đồng hồ báo thức, và tiếng ồn của những thành phố rộng lớn, sầm uất cũng đang dần át đi giọng hát của mesaharati.

Bữa ăn tối sau khi Mặt trời lặn được gọi là iftar. Đây cũng là bữa ăn chính trong tháng lễ Ramadan. Theo truyền thống, tín đồ sẽ ăn ba hạt chà là để bắt đầu iftar, như cách Nhà tiên tri Muhammad đã làm.

Iftar là dịp để tín đồ sum vầy bên gia đình và bạn bè, liên hoan linh đình như lễ Tết ở Việt Nam. Nhiều thành phố và nhà thờ tổ chức các bữa ăn iftar tập thể để tất cả mọi người cùng chung vui và ăn uống thỏa thích.

Bữa ăn iftar tập thể là minh chứng sinh động cho tính nhân văn của dịp lễ Ramadan, khi người giàu quyên góp tiền để mang những bữa ăn no đủ đến với người nghèo.

Sau iftar, người Hồi giáo có thể ăn thêm một bữa ăn nhẹ nữa trước khi bắt đầu cầu nguyện buổi đêm.

Một bữa ăn iftar công cộng ở Cairo, Ai Cập (Nguồn: Twitter)

Ramadan không hề “ăn chay”

Gọi Ramadan là “tháng ăn chay” hay bữa iftar là “xả chay” là hoàn toàn không chính xác.

Thực đơn của người Hồi giáo rất đa dạng: Bữa iftar thường có đủ món ăn từ tất cả các nhóm thực phẩm như ngũ cốc, các loại rau củ, trái cây, thịt, hải sản, sữa…

Thịt cừu, thịt gà, cá và sữa là các loại thực phẩm hay được người Hồi giáo ưa chuộng nhất trong các bữa suhooriftar.

Thực phẩm có nguồn gốc từ động vật của người Hồi giáo phải tuân thủ theo tiêu chuẩn Halal, có nghĩa là “hợp pháp” hoặc “được cho phép”, được đề ra trong Thiên kinh Qur’an.

Người Hồi giáo không được phép ăn thịt lợn, thịt lừa, các loại động vật có răng nanh (chó, mèo, gấu, sói, sư tử…), các loài chim săn mồi có móng sắc (cú, đại bàng…), các loài lưỡng cư (ếch, cá sấu…) và các loài được coi là động vật có hại (chuột, rắn, thằn lằn, bọ cạp…).

Một số học giả Hồi giáo cho rằng Nhà tiên tri Muhammad ăn rất ít thịt và khuyến khích tín đồ ăn ít thịt, chỉ nên ăn thịt vào các dịp đặc biệt. Thực đơn của Nhà tiên tri chủ yếu bao gồm chà là, sung, nho, sữa, mật ong, các loại rau củ…

Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là Nhà tiên tri ăn chay và càng không có nghĩa là các tín đồ phải ăn chay trong lễ Ramadan.

Một bữa ăn iftar thịnh soạn với các món ăn đa dạng (Nguồn: Curlytales)

Vậy dân “ngoại đạo” nên làm gì?

Tựu trung, tháng Ramadan không chỉ xoay quanh “nhịn ăn” hay “ăn chay”. Bên cạnh việc hiểu đúng về tháng lễ Ramadan, chúng ta nên thể hiện sự tôn trọng đối với người Hồi giáo bằng cách chú ý không ăn uống và không bày đồ ăn, nước uống trước mặt họ sau bình minh và trước hoàng hôn.

Điều tối kỵ là thuyết phục, ép buộc người Hồi giáo không nhịn ăn uống trong tháng Ramadan. Đây được coi là hành động vô cùng thô lỗ, phản cảm và thậm chí mang tính công kích đối với tín đồ Hồi giáo.

Ở các nước vùng Vịnh (Saudi Arabia, UAE, Kuwait, Qatar, Bahrain và Oman), ăn uống ở nơi công cộng khi Mặt trời mọc trong lễ Ramadan được coi là tội hình sự. Hình phạt có thể dao động từ một khoản tiền phạt lớn (lên tới vài trăm USD), bị phạt tù hoặc bị trục xuất.

Tuy nhiên, nhiều tín đồ cho rằng không nên cấm những người không theo đạo Hồi ăn uống ở nơi công cộng trong tháng lễ Ramadan.

Về bản chất, Ramadan là dịp để người Hồi giáo rèn luyện sự kiểm soát bản thân, do đó nhiều tín đồ vẫn vui vẻ chấp nhận việc người không theo đạo ăn uống trước mặt mình.

Nhìn chung, luật lệ và phong tục tập quán ở mỗi nơi là khác nhau. Do đó, khi du lịch hoặc làm việc, sinh sống ở các quốc gia có quốc đạo là Hồi giáo hoặc có đông dân cư người Hồi giáo, chúng ta cần tìm hiểu rõ văn hóa và luật pháp sở tại để tránh vi phạm, đồng thời thể hiện sự tôn trọng với người Hồi giáo trong tháng lễ Ramadan này.