Trong bối cảnh biến đổi khí hậu có chiều hướng gia tăng, du lịch xanh, bền vững ngày càng trở thành xu hướng chủ đạo được nhiều người lựa chọn. (Nguồn: DT) |
Du lịch xanh - xu hướng tất yếu
Theo Cục Du lịch quốc gia, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, trong 11 tháng năm 2023, cả nước đón 11,2 triệu lượt khách quốc tế, cao gấp 3,8 lần so với con số ghi nhận cùng kỳ năm ngoái và bằng 68,9% so với con số của năm 2019, trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát.
Riêng tháng 11 vừa qua, Việt Nam đón trên 1,23 triệu lượt khách du lịch quốc tế, tăng 11% so với tháng trước. Đây cũng là tháng đón lượng khách quốc tế cao nhất từ đầu năm nay.
Theo Cục Du lịch quốc gia, Hàn Quốc vẫn duy trì vị thế là thị trường du lịch lớn nhất của Việt Nam trong 11 tháng với 3,2 triệu lượt khách, chiếm 28,5%. Tiếp theo là Trung Quốc và Đài Loan (Trung Quốc). Trong khi đó, Thái Lan, Malaysia và Campuchia; Anh, Pháp và Đức lần lượt là những thị trường dẫn đầu của khu vực Đông Nam Á và châu Âu.
Đặc biệt, tháng 11/2023, lượng khách châu Âu chứng kiến mức tăng trưởng mạnh nhất trong số các châu lục, tăng 58,5% so với tháng trước. Lượng khách Trung Quốc tiếp tục duy trì mức tăng trưởng gần 10%.
Tin liên quan |
Chuyên gia: Đường sắt cao tốc giúp định vị Việt Nam là một trung tâm logistics của khu vực |
Kết quả trong thu hút du khách quốc tế là một trong những thành công của Việt Nam sau khi đại dịch Covid-19 đi qua. Tuy nhiên, việc nâng trao trải nghiệm để giữ chân du khách lại là một bài toán không dễ đối với những người trong ngành.
Theo giới phân tích, trong bối cảnh biến đổi khí hậu có chiều hướng gia tăng, du lịch xanh, bền vững ngày càng trở thành xu hướng chủ đạo được nhiều người lựa chọn.
Theo Báo cáo của Ủy ban châu Âu về hành vi tiêu dùng của du khách được thực hiện năm 2020, có tới 82% số dân Liên minh châu Âu (EU) cho biết có thể thay đổi thói quen để bảo đảm tính bền vững của du lịch; 48% sẵn sàng giảm rác thải khi đi du lịch; thậm chí chấp nhận trả thêm phí để bảo vệ môi trường thiên nhiên (35%) hoặc để mang lại lợi ích cho cộng đồng địa phương (33%).
Ngày càng có nhiều du khách quốc tế quan tâm và lựa chọn những hoạt động du lịch ngoài trời tại Việt Nam như: Đi bộ, leo núi, bơi lội..., vừa được thưởng thức thiên nhiên, vừa được nâng cao sức khỏe, góp phần giảm những tác động có hại đến tài nguyên thiên nhiên.
Tuy nhiên, trao đổi với phóng viên, TS. Jung Woo Han, Chủ nhiệm bộ môn cấp cao, Khoa Kinh doanh, Đại học RMIT Việt Nam, nhận định, khách du lịch nước ngoài thường lo ngại về chất lượng dịch vụ và trải nghiệm thấp mà họ nhận được suốt chuyến thăm, khiến cho tỷ lệ giữ chân du khách thấp.
Thông tin từ hội thảo “Hiến kế hút khách quốc tế” tổ chức hồi tháng 3 năm nay cho thấy, theo thống kê, tỷ lệ du khách quốc tế quay trở lại Việt Nam chỉ từ 8-10%, một con số quá khiêm tốn.
Xanh hóa lĩnh vực khách sạn
Theo TS. Jung Woo Han, điều hình thành nên trải nghiệm tích cực trong du lịch rất đa dạng, có thể dao động từ chi phí cho đến văn hóa. Ngày càng nhiều du khách chọn điểm đến tiếp theo là nơi họ có thể tận hưởng trải nghiệm xanh – các sự kiện hay cảm xúc được định hình từ các hoạt động thân thiện với môi trường.
TS. Jung Woo Han, Chủ nhiệm bộ môn cấp cao, Khoa Kinh doanh, Đại học RMIT Việt Nam. (Ảnh: MN) |
Mối quan tâm ngày càng tăng này có khả năng tác động lớn đến ngành khách sạn Việt Nam trong tương lai vì du khách ngày càng ưu tiên lựa chọn quan tâm đến môi trường trong quá trình lưu trú. Vậy nên, cần chú trọng xây dựng trải nghiệm xanh xuyên suốt toàn ngành khách sạn và các điểm tham quan du lịch của Việt Nam thông qua các chương trình đào tạo xanh phù hợp.
Ngành khách sạn là một mô hình kinh doanh độc đáo, nơi cả khách du lịch (khách) và nhân viên khách sạn (chủ nhà) đều cùng chia sẻ không gian và trải nghiệm chung. Một khi trải nghiệm xanh được hình thành trong khách sạn, điều đó sẽ tác động tích cực đến trải nghiệm của cả khách lẫn chủ nhà, nhờ đó cải thiện năng suất và sự hài lòng của khách hàng.
Chuyên gia của Đại học RMIT nhận định: “Xanh hóa lĩnh vực khách sạn ở Việt Nam không chỉ là quyết định chiến lược trong các quyết định kinh doanh và vĩ mô, mà còn là điều bắt buộc liên quan tới việc liệu chúng ta có thể cứu các thế hệ tương lai khỏi lũ lụt thảm khốc và biến đổi khí hậu hay không. Vì đóng góp 5% lượng khí thải CO2, ngành khách sạn chịu trách nhiệm thực hiện các biện pháp thích hợp để ngăn chặn sự nóng lên toàn cầu và biến đổi khí hậu”.
Hiện đã có yêu cầu pháp lý để trở nên “xanh” hơn trong kinh doanh và để trở thành ngành khách sạn mang lại những thay đổi tích cực thì vẫn còn quãng đường dài phía trước. Hiện nay, nhiều lãnh đạo khách sạn đã chú ý đến việc định hình trải nghiệm xanh tốt hơn, đi trước đối thủ và xây dựng hình ảnh thương hiệu tốt hơn với khách hàng và nhân viên.
Tuy nhiên, theo TS. Jung Woo Han, đào tạo là hoạt động dài hơi và cần được chú trọng đầu tư, điều này cần sự hỗ trợ mạnh mẽ từ lãnh đạo cấp cao với tầm nhìn dài hạn/chiến lược.
Vị chuyên gia nói: “Vì nhu cầu trong nước về trải nghiệm xanh còn tụt hậu so với khách du lịch quốc tế, các khách sạn và nhà hàng nhắm đến du khách và khách hàng địa phương có thể không dễ thấy được giá trị tiềm năng của đầu tư xanh vào đào tạo. Tuy nhiên, điều này mang lại cơ hội mới để trở thành lãnh đạo xanh trong ngành khách sạn Việt Nam - con đường dẫn đến tương lai”.
Tại Quyết định số 882/QĐ-TTg ngày 22/7/2022 về Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì hai nhóm nhiệm vụ là “Hoàn thiện thể chế, chính sách quản lý phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh và bền vững” và “Ưu tiên phát triển các loại hình du lịch theo hướng tăng trưởng xanh (du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp và nông thôn, du lịch nghỉ dưỡng biển đảo gắn với phát triển kinh tế biển xanh, du lịch thể thao mạo hiểm bảo đảm các tiêu chuẩn, tiêu chí xanh...), phát triển sản phẩm du lịch xanh”.
Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 cũng đã xác định phát triển du lịch Việt Nam với định hướng bền vững và bao trùm trên nền tảng tăng trưởng xanh, tối đa hóa sự đóng góp của du lịch cho các mục tiêu phát triển bền vững.
| Tìm giải pháp tạo đột phá trong phát triển du lịch xanh tại Việt Nam Mới đây, Báo Văn hóa và Tạp chí điện tử Thương hiệu & Sản phẩm phối hợp cùng Sở Du lịch Bà Rịa – Vũng ... |
| Phát triển thị trường tài chính xanh là chìa khóa cho chuyển đổi xanh thành công Chiều 23/11, tại Hà Nội, Bộ Ngoại giao, Bộ Tài nguyên và Môi trường và Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) ... |
| Phát huy vai trò của kiều bào trong quảng bá và xây dựng thương hiệu du lịch Việt Nam xanh, bền vững Việc quảng bá hình ảnh của Việt Nam ra thế giới là niềm tự hào của mỗi người dân, trong đó có hàng triệu kiều ... |
| Lan toả thương hiệu du lịch xanh, bền vững ở quê hương Gần 6 triệu người Việt Nam ở nước ngoài (NVNONN) chính là nguồn lực mạnh để góp phần phát triển và lan tỏa thương hiệu ... |
| Việt Nam nỗ lực hiện thực hoá tầm nhìn xanh Việt Nam đang trên lộ trình hiện thực hoá tầm nhìn xanh của mình với những nỗ lực, quyết tâm cao từ cấp bộ, ngành, ... |