Chủ tịch nước Trương Tấn Sang phát biểu chỉ đạo Đại hội. (Ảnh: Nguyễn Khang/TTXVN) |
Dự đại hội còn có nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu; nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương; các vị lãnh đạo, nguyên là lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các ban, bộ, ngành Trung ương, các vị lão thành Cách mạng, Bà mẹ Việt Nam Anh hùng và 447 đại biểu đại diện cho hơn 20 vạn đảng viên trong toàn Đảng bộ tỉnh.
Biểu dương tỉnh Thanh Hóa là vùng đất địa linh, nhân kiệt, có bề dày truyền thống lịch sử, văn hóa, yêu nước và cách mạng, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nêu rõ, trong sự nghiệp cách mạng vẻ vang dưới sự lãnh đạo của Đảng 85 năm qua, Đảng bộ và nhân dân Thanh Hóa đã vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, hy sinh, lập nhiều chiến công và thành tích xuất sắc, đóng góp to lớn vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Chủ tịch nước đánh giá cao nhiệm kỳ vừa qua, trong bối cảnh tình hình đất nước có nhiều khó khăn, phát huy truyền thống cách mạng của quê hương, Đảng bộ và nhân dân Thanh Hóa đã chủ động, sáng tạo, nỗ lực phấn đấu đạt những thành tựu quan trọng và tương đối toàn diện trên các lĩnh vực.
Chủ tịch nước cho rằng, tự hào về thành tựu đã đạt được, nhưng Thanh Hóa cần nghiêm túc, thẳng thắn thấy rằng tiềm năng, thế mạnh của tỉnh trên cả 3 vùng biển, đồng bằng, trung du, miền núi chưa được khai thác, phát huy hiệu quả. Tốc độ tăng trưởng kinh tế chưa đạt chỉ tiêu đề ra, kinh tế phát triển chưa bền vững, tăng trưởng vẫn chủ yếu theo chiều rộng.
Việc ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào các lĩnh vực còn chậm, năng suất, hiệu quả, sức cạnh tranh thấp, chưa có sản phẩm có thương hiệu, có uy tín cao trên thị trường. Cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động chuyển dịch còn chậm; thu nhập bình quân đầu người còn thấp so với cả nước.
Tiến độ triển khai một số dự án đầu tư trọng điểm trên địa bàn tỉnh còn chậm. Đời sống một số bộ phận nhân dân còn gặp nhiều khó khăn.
Chủ tịch nước nhấn mạnh Thanh Hóa cần phát huy tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế toàn diện; có nhiều khu công nghiệp, khu kinh tế, trong đó Khu kinh tế Nghi Sơn là một trong các khu kinh tế trọng điểm của cả nước, là động lực để phát triển mạnh kinh tế của tỉnh trong thời gian tới; đẩy mạnh thực hiện các đột phá chiến lược, tái cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng để nâng cao năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh kinh tế.
Tỉnh cần cải thiện hơn nữa môi trường đầu tư để thu hút mạnh mẽ được các nguồn vốn trong nước và nước ngoài.
Bên cạnh đó, tỉnh cần đẩy mạnh phát triển những ngành công nghiệp cơ bản, công nghiệp công nghệ cao, tiếp tục khuyến khích phát triển các ngành công nghiệp thu hút lao động ở khu vực nông thôn, miền núi; phát triển mạnh các loại hình dịch vụ, nhất là các dịch vụ cảng biển, vận tải, kho bãi, đưa Thanh Hóa trở thành một trong những trọng điểm về vận tải-cảng biển của khu vực Bắc Trung Bộ.
Tỉnh cần có giải pháp cụ thể để phát triển du lịch, khai thác hiệu quả các di sản văn hóa, di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh rất đa dạng và phong phú trên địa bàn.
Thanh Hóa lưu ý liên kết vùng với các tỉnh trong vùng, nâng cao hiệu quả phát triển toàn vùng và quan tâm tới việc bảo vệ môi trường, quy hoạch phát triển đô thị hiện đại.
Cùng với quan tâm phát triển các lĩnh vực văn hóa xã hội, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội phù hợp, hài hòa với phát triển kinh tế, tỉnh cần thường xuyên củng cố tiềm lực và thế trận quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân vững chắc, đặc biệt là thế trận lòng dân; xây dựng các lực lượng vũ trang địa phương vững mạnh, chủ động phòng ngừa, ngăn chặn, tăng cường đấu tranh đẩy lùi các loại tội phạm, tệ nạn xã hội.
Chủ tịch nước cũng nhấn mạnh, yếu tố có ý nghĩa quyết định là phải làm tốt công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị thật sự trong sạch, vững mạnh; tiếp tục thực hiện nghiêm túc Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) và Chỉ thị số 03 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; kiên quyết đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống trong một bộ phận cán bộ, đảng viên; nâng cao tính tiên phong gương mẫu của người đảng viên; nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các tổ chức Đảng trong đảng bộ.
Chủ tịch nước tin tưởng rằng trong những năm tới, Đảng bộ và nhân dân Thanh Hóa, phát huy truyền thống cách mạng và những tiềm năng, lợi thế của tỉnh, nhất định sẽ tận dụng được thời cơ, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, đưa Thanh Hóa phát triển mạnh mẽ, toàn diện trở thành tỉnh khá của cả nước vào năm 2020.
Tại đại hội, Báo cáo Chính trị trình Đại hội Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ XVIII nêu rõ tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân trên địa bàn tỉnh hàng năm giai đoạn 2011-2015 đạt 11,4%.
Năm 2015, GDP bình quân đầu người ước đạt 1.530 USD, gấp 1,9 lần năm 2010. Sản xuất nông, lâm, thủy sản phát triển theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả.
Chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh đạt kết quả tích cực. Dự kiến cuối năm 2015, toàn tỉnh có 86 xã và 36 thôn, bản đạt chuẩn nông thôn mới.
Công nghiệp, xây dựng duy trì tốc độ tăng trưởng khá, bình quân hàng năm tăng 13,7%. Môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh được cải thiện mạnh mẽ, các chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI), năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), chỉ số hội nhập kinh tế quốc tế (PEII) tăng cao và nằm trong nhóm các tỉnh dẫn đầu cả nước .
Lĩnh vực văn hóa xã hội có nhiều chuyển biến tiến bộ. Tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh giảm bình quân 3,57%/năm. Trong 5 năm, tỉnh đã giải quyết việc làm cho trên 300.000 lao động , trong đó có 45,8 nghìn người đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài. Tình hình quốc phòng, an ninh, trật tự xã hội được đảm bảo, tai nạn giao thông được kiềm chế.
Công tác xây dựng Đảng được các cấp ủy Đảng tăng cường thực hiện, năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở đảng được nâng lên. Trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa không còn thôn, bản trắng đảng viên và chi bộ sinh hoạt ghép.
Việc triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) và Chỉ thị 03-của Bộ Chính trị đảm bảo nghiêm túc. Sau kiểm điểm tự phê bình và phê bình, các cấp ủy đảng đã xác định rõ những hạn chế, yếu kém, đề ra biện pháp khắc phục, nhờ đó trong nhiệm kỳ 2010-2015 tỷ lệ đảng bộ, chi bộ trong sạch vững mạnh và đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ tăng lên; tỷ lệ tổ chức cơ sở đảng yếu kém chỉ còn 0,73%, giảm 0,19% so với nhiệm kỳ trước .
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, Báo cáo cũng đã chỉ ra những tồn tại, hạn chế đó là tốc độ tăng trưởng kinh tế và GDP bình quân đầu người của tỉnh chưa đạt mục tiêu đề ra. Sản xuất nông nghiệp còn manh mún, phát triển thiếu bền vững; chất lượng nông sản, an toàn thực phẩm chưa đáp ứng yêu cầu. Sức cạnh tranh của các sản phẩm công nghiệp chưa cao; công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng, công nghiệp phụ trợ, tiểu thủ công nghiệp và ngành nghề nông thôn phát triển chậm.
Chất lượng giáo dục giữa các vùng miền chưa đồng đều; chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu xã hội.
Tại Thanh Hóa, vẫn còn có tổ chức cơ sở đảng yếu kém, năng lực cán bộ ở một số ngành, địa phương chưa đáp ứng yêu cầu. Tỷ lệ cán bộ nữ, cán bộ trẻ, cán bộ người dân tộc thiểu số ở các ngành còn thấp. Công tác quản lý Nhà nước trên một số lĩnh vực chưa đáp ứng yêu cầu. Cải cách hành chính có mặt còn hạn chế.
Về phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ và các giải pháp chủ yếu nhiệm kỳ 2015-2020, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ XVIII xác định: Tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân; tranh thủ thời cơ, vận hội mới, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh; huy động tối đa và sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho đầu tư và phát triển; phấn đấu đến năm 2020 trở thành tỉnh khá của cả nước, đến năm 2030 cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại.
Đại hội đề ra các chỉ tiêu như tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh trong (GRDP) bình quân 5 năm đạt 12%/năm trở lên; GRDP bình quân đầu người vào năm 2020 đạt 3.600 USD trở lên.
Năm 2020, cơ cấu các ngành kinh tế như sau: Nông, lâm, thủy sản chiếm 12%; công nghiệp-xây dựng chiếm 53,7%; dịch vụ chiếm 34,3%. Tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới đến năm 2020 đạt 50% trở lên.
Về văn hóa-xã hội: Năm 2020, tỷ lệ lao động đã qua đào tạo đạt 70% trở lên. Tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân hằng năm trên 2,5%. Hàng năm kết nạp hơn 7.000 đảng viên mới và có từ 80% tổ chức cơ sở đảng trở lên kết nạp được đảng viên mới trong năm. Các tổ chức cơ sở đảng đạt trong sạch-vững mạnh hằng năm đạt 45% trở lên.
Đại hội cũng đề ra 5 chương trình trọng tâm gồm chương trình phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới; chương trình phát triển Khu kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp; Chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững; chương trình phát triển du lịch và chương trình đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực.
Bốn khâu đột phá được Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa xác định là phát triển nhanh, đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội; nâng cao năng lực nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật; đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh; nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở đảng, phát huy vai trò tiền phong gương mẫu của đảng viên, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị.
Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ XVIII dự kiến kết thúc vào ngày 25/9./.
Theo TTXVN/Vietnam+