📞

Thanh niên - nền tảng và tương lai của công tác lãnh sự chuyên nghiệp, hiện đại

16:38 | 05/10/2023
Cục Lãnh sự là một đơn vị lớn trong Bộ Ngoại giao với tổng số gần 70 biên chế cán bộ, công chức, trong số đó có đến hơn một phần ba là thanh niên, với trình độ đào tạo đa dạng về chuyên ngành, ngoại ngữ.

Công tác lãnh sự được triển khai sâu rộng với Cục Lãnh sự là trung tâm, trong nước có các cơ quan ngoại vụ 63 tỉnh, thành phố và ở nước ngoài là 93 Cơ quan đại diện trải khắp các châu lục.

Từ trước đến nay, công tác lãnh sự luôn giữ một vai trò quan trọng, góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng nền ngoại giao trong sạch, vững mạnh, toàn diện, hiện đại, chuyên nghiệp với sự phối hợp chặt chẽ của các trụ cột, từ ngoại giao chính trị, kinh tế, văn hoá cho đến công tác người Việt Nam ở nước ngoài, lãnh sự, bảo hộ công dân.

Tại Hội nghị quán triệt việc nâng cao hiệu quả của công tác lãnh sự và bảo hộ công dân ở ngoài nước vào tháng 6/2023, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã khẳng định vai trò này cũng như sự cần thiết phải thay đổi tư duy, cách tiếp cận, phương thức xử lý để triển khai công tác lãnh sự trong tình hình mới hiệu quả, minh bạch, hiện đại hơn.

Giai đoạn mở cửa đi lại quốc tế sau đại dịch Covid-19 chứng kiến nhu cầu ra nước ngoài của người dân và số lượng du khách, người nước ngoài vào Việt Nam tăng mạnh, đồng nghĩa với yêu cầu ngày càng cao về tăng cường hợp tác lãnh sự với các nước, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính.

Bối cảnh mới khiến khối lượng công việc của Cục Lãnh sự, các cơ quan ngoại vụ địa phương và các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài và cụ thể từng cán bộ làm công tác lãnh sự ở trong và ngoài nước còn đồ sộ hơn nhiều so với trước đây.

Để giữ vững, phát huy vai trò “trụ cột” của công tác lãnh sự, việc xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ làm công tác lãnh sự ở trong và ngoài nước vững mạnh về chính trị, tư tưởng, có trình độ chuyên môn nghiệp vụ, đạo đức công vụ là nhiệm vụ được Cục Lãnh sự ưu tiên hàng đầu. Để thực hiện nhiệm vụ này, lực lượng nòng cốt chính là các thanh niên trẻ, nhiệt huyết, có trình độ chuyên môn và cái “tâm” đối với ngành, tận tình đối với người dân.

Vượt qua những bỡ ngỡ ban đầu, từng bước khẳng định bản thân

Vượt qua kỳ thi tuyển đầu vào đầy cam go để trở thành cán bộ ngoại giao, những cán bộ trẻ được phân công công tác tại Cục Lãnh sự cũng chưa mường tượng được hết những khó khăn, vất vả trong chặng đường phía trước. Các bạn trẻ không tránh khỏi những bỡ ngỡ, cũng như rơi vào thời điểm cảm thấy quá sức, áp lực khi tiếp cận với một lĩnh vực hoàn toàn mới.

Đình Dũng tiếp nhận hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính tại Bộ phận một cửa, Bộ Ngoại giao đặt tại Cục Lãnh sự.

Chia sẻ về những khó khăn khi mới “chân ướt chân ráo” bước chân vào ngành, bạn Đình Dũng (vào ngành năm 2021) cho biết công việc tại Cục Lãnh sự khó khăn, vất vả hơn rất nhiều so với hình dung ban đầu, đặc biệt trong bối cảnh số lượng hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính tăng vọt sau đại dịch Covid-19. Thậm chí, cán bộ tiếp nhận và xử lý hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính như Dũng phải “tận dụng” cả thời gian ngoài giờ hành chính và ngày nghỉ cuối tuần để hoàn thành công việc.

Dũng quan niệm để hoàn thành tốt công việc hành chính công, hiểu biết về luật pháp phải đi kèm với kỹ năng sắp xếp, xử lý hồ sơ đảm bảo yêu cầu về trình tự thủ tục và thời gian, và quan trọng hơn cả là nắm bắt tâm tư của người dân.

“Đôi khi, một lời nói ân cần hoặc thái độ thân thiện, một lời giải thích cặn kẽ có thể xóa bỏ quan niệm chủ quan về thủ tục tiếp nhận hồ sơ của cán bộ, công chức. Người dân nhận ra các cán bộ đều nỗ lực làm đúng chức năng, nhiệm vụ để hỗ trợ mình tốt nhất có thể chứ không phải “hành là chính” như mạng xã hội vẫn nói” – Dũng chia sẻ.

Trở thành cán bộ Cục Lãnh sự cùng khóa với Đình Dũng, hình dung ban đầu của Bích Hạnh về Cục Lãnh sự là một đơn vị có quy mô khá “hoành tráng” với khối lượng công việc lớn, trải rộng trên nhiều mảng khác nhau.

Được đồng nghiệp và lãnh đạo đơn vị đánh giá cao về tính cần cù, chịu khó, tác phong xử lý công việc nhanh nhẹn, Hạnh có cơ hội được làm quen với nhiều mảng việc đa dạng của cơ quan như: hướng dẫn nghiệp vụ lãnh sự cho các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài; tổ chức hội nghị, hội thảo về công tác lãnh sự; tiếp nhận hồ sơ lãnh sự; góp ý, xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, điều ước quốc tế.

Đối với Hạnh, mỗi mảng việc đều để lại những ấn tượng khác nhau, khó khăn có, áp lực có nhưng vô cùng thú vị chứ không hề khô khan, một phần nhờ môi trường làm việc thoải mái, vui vẻ nhưng không kém phần chuyên nghiệp.

Những ấn tương, trải nghiệm của Dũng, Hạnh cũng giống như nhiều bạn trẻ khác hiện đang làm việc tại Cục Lãnh sự. Trải qua những khó khăn, bỡ ngỡ ban đầu, mỗi cán bộ đều cảm thấy bản thân gắn bó sâu sắc với lĩnh vực phức tạp nhưng đầy tính thực tiễn này, từ đó cảm thấy tự hào là cán bộ lãnh sự của Bộ Ngoại giao.

Những trải nghiệm, cảm nghĩ về công tác lãnh sự tại cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài

Dù ở Việt Nam hay ở nước ngoài, các cán bộ lãnh sự đều đang hằng ngày đóng góp sức mình vào công tác chung của Bộ và các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài.

Dương Đức Anh (thứ hai từ bên phải) dự buổi Lễ mở đường bay thẳng Mumbai - Hà Nội/TP.Hồ Chí Minh.

Bạn Dương Đức Anh từng đảm nhiệm vị trí Phó Lãnh sự Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Mumbai, Ấn Độ và hiện đã trở lại công tác tại Cục Lãnh sự.

Đức Anh luôn biết ơn và cảm thấy may mắn khi được gắn bó với công việc lãnh sự ngay từ những ngày đầu làm việc tại Bộ Ngoại giao. Đất nước đẩy mạnh hội nhập và trở thành một thành viên tích cực của cộng đồng quốc tế đặt ra thách thức cho các cán bộ làm công tác lãnh sự ở trong nước khi liên tục phải tìm tòi, nghiên cứu, kiến nghị đưa ra những phương án bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người dân, doanh nghiệp; giải quyết những vấn đề pháp lý, chính trị phức tạp hay phải đảm bảo tạo điều kiện, sự thuận lợi tối đa trong giải quyết thủ tục hành chính cho người dân.

Đức Anh cho biết “Mặc dù những công việc thầm lặng như vậy thường ít được ghi nhận nhưng cá nhân tôi và những đồng nghiệp luôn thấy hạnh phúc mỗi khi hoàn thành nhiệm vụ và thấy những cố gắng của mình có thể giúp đỡ được nhiều người khác”.

Đến khi được điều động công tác tại Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài và trực tiếp phụ trách công tác lãnh sự, Đức Anh cũng như các cán bộ lãnh sự khác lần đầu đi công tác nhiệm kỳ tại nước ngoài càng thấy ngấm và hiểu rõ hơn trách nhiệm của một cán bộ lãnh sự và “cái tâm” cần có khi giải quyết nhu cầu cho bà con cộng đồng.

Một kỷ niệm không bao giờ quên đối với Đức Anh là khi đại dịch Covid-19 xảy ra, nhiều người Việt Nam ở Ấn Độ lâm vào hoàn cảnh khó khăn, không nơi nương tựa. Các cán bộ lãnh sự và Cơ quan đại diện lúc đó trở thành niềm hy vọng, cánh cửa đầu tiên và cũng là cuối cùng đối với bà con khi tìm kiếm sự trợ giúp.

Phải tận mắt chứng kiến những hoàn cảnh này, cùng việc tận tay lo những thủ tục, cấp phát giấy tờ và thu xếp cho bà con thoát khỏi khó khăn để trở về nước an toàn thì mới nhận ra rằng bên cạnh việc nắm vững quy định pháp luật để triển khai công tác, các cán bộ lãnh sự cũng cần có “cái tâm” để linh hoạt trong xử lý tình huống, đặt lợi ích và nhu cầu của người dân lên trên hết.

Đào tạo thế hệ cán bộ trẻ “chuyên nghiệp, tận tâm” là xây dựng nền tảng cho công tác lãnh sự

Thế giới đang trong quá trình diễn biến nhanh, phức tạp và khó lường. Các cuộc xung đột, khủng hoảng về chính trị và kinh tế ảnh hưởng trực tiếp tới người dân Việt Nam. Cùng với nhu cầu đi lại gia tăng, nạn mua bán người, đưa người qua biên giới trái phép cũng ngày càng trở nên tinh vi, khó nắm bắt hơn.

Khối lượng công việc nặng nề hơn và phức tạp về tính chất đi kèm với đòi hỏi chất lượng công việc phải ngày càng cao dành cho mỗi cán bộ ngoại giao trẻ. Tại Cục Lãnh sự, công tác đào tạo cán bộ trẻ luôn được quan tâm và chú trọng để đáp ứng yêu cầu của tình hình mới.

Tôn Nữ Thanh Bình tại Đại học Trinity College Dublin, Ireland.

Qua khoảng thời gian gắn bó với công tác pháp lý lãnh sự, Tôn Nữ Thanh Bình đã ứng cử và trúng tuyển học bổng chính phủ Ireland để theo học chương trình Thạc sĩ Luật quốc tế và so sánh tại Đại học Trinity College Dublin. Bình cho rằng cơ hội được gắn bó với công tác lãnh sự trong những năm đầu vào ngành đã giúp bản thân định hướng rõ ràng ngành học và lĩnh vực nghiên cứu. Bình bày tỏ luôn nỗ lực từng ngày để hoàn thành tốt chương trình học, nâng cao kiến thức và khả năng nghiên cứu pháp lý để tiếp tục góp sức mình xây dựng ngành lãnh sự vững mạnh sau khi về nước tiếp tục công tác.

Cùng suy nghĩ với Bình và các đồng nghiệp đi trước, bạn Minh Châu cho rằng các khóa đào tạo ngắn hạn, dài hạn ở nước ngoài dành cho cán bộ ngoại giao nói chung và cán bộ lãnh sự nói riêng là cơ hội quý báu vừa để trau dồi kiến thức, vừa để có thêm góc nhìn, tư duy mới và học hỏi kinh nghiệm. Bản thân Châu cũng đang cố gắng, nỗ lực để có cơ hội tham gia các khóa đào tạo ở trong và ngoài nước, nâng cao trình độ và kỹ năng của bản thân.

Tại Cục Lãnh sự, thanh niên là lực lượng nòng cốt của mỗi phòng chức năng nhờ sức trẻ, tinh thần cầu thị, không quản ngại gian khó và được tập thể lãnh đạo tin tưởng, giao xử lý các công việc khó khăn, phức tạp. Trong thời kỳ công nghệ thông tin, điện tử và truyền thông phát triển chóng mặt, cán bộ trẻ có rất nhiều lợi thế nhờ các cơ hội tiếp cận kho tri thức rộng lớn, đa dạng chưa từng có. Với thái độ cởi mở, các cán bộ trẻ có thể nhanh chóng tiếp thu các kiến thức cần thiết, cũng như học hỏi kinh nghiệm từ các cán bộ đi trước và đúc rút qua những lần “va vấp” trong công việc.

Luôn đồng hành cùng các cán bộ trẻ, Đảng uỷ, Lãnh đạo Cục thường xuyên quan tâm, chỉ đạo Ban Chấp hành Đoàn thanh niên Cục Lãnh sự xây dựng, triển khai các sáng kiến phát huy tinh thần nhiệt huyết, trình độ chuyên môn và ngoại ngữ cao của thế hệ trẻ để nâng cao hiệu quả xử lý công việc.

Bên cạnh công tác đào tạo chuyên môn và ngoại ngữ, mỗi cán bộ trẻ đều được quán triệt để luôn giữ vững cái “tâm” với công tác và người dân, vừa tận tâm phục vụ đất nước, vừa lắng nghe, thấu hiểu nguyện vọng, tâm tư của bà con ở trong và ngoài nước.

Bên cạnh đó, Đoàn thanh niên Cục Lãnh sự là cầu nối giữa thanh niên với công đoàn, Đảng ủy, xây dựng tập thể Cục Lãnh sự gắn bó, đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau vượt qua khó khăn, thách thức, đồng lòng cố gắng vì mục tiêu chung.

Đánh giá chung về công tác thanh niên, bạn Trung Đức, Bí thư đoàn thanh niên Cục Lãnh sự chia sẻ: “Bắt đầu gắn bó với ngành vào thời kỳ khó khăn, thách thức nhất trong vài năm trở lại đây do đại dịch và tình hình chính trị thế giới diễn biến phức tạp, thế hệ cán bộ lãnh sự trẻ như Dũng, Hạnh, Bình hay Châu, được dìu dắt bởi các thế hệ đi trước như Đức Anh, đã được trui rèn để luôn nung nấu ngọn lửa quyết tâm, không ngừng phấn đấu hoàn thiện bản thân, đóng góp sức mình cho công tác lãnh sự nói riêng và ngành ngoại giao nói chung”.

Phát triển, đào tạo thế hệ trẻ “chuyên nghiệp, tận tâm” chính là xây dựng tương lai của công tác lãnh sự cũng như của toàn ngành ngoại giao, góp phần phát triển đất nước ngày càng giàu mạnh.