Anh Hoàng Tinh Khiêm thực hiện kỹ thuật sao chè bằng tay giúp tạo ra những cánh chè chất lượng cao. (Ảnh: Nguyễn Hồng) |
Mưu sinh cùng "món quà thiên phú"
Đường vào thôn Thăm Vè, Cao Bồ bị cắt phăng bởi con suối vừa hứng chịu trận mưa lớn. Trên chiếc xe bán tải chở cánh phóng viên, Chủ tịch xã Lý Quốc Hưng vừa cầm lái vừa hào hứng “quảng cáo” rằng: “Đến Cao Bồ, không thưởng thức, không nghe về chè Shan Tuyết cổ thụ, món quà thiên phú cho dân nơi đây thì quả thực là phí”.
“Chè Shan Tuyết cổ thụ là cây đặc hữu của Cao Bồ. Cây chè gắn bó như máu thịt, là đời sống, tâm hồn và biểu tượng của vùng núi non hùng vĩ này. Còn chè cổ thụ là còn thương hiệu chè Cao Bồ”, ông Hưng tự hào nói.
Cao Bồ hiện có khoảng 700 – 800 ha chè cho thu hoạch, mỗi năm ba vụ, thu được khoảng 32 tỷ đồng mỗi năm. Nhờ cây chè, người dân Cao Bồ có công ăn việc làm thường xuyên, tạo nguồn thu đáng kể giúp xóa đói, giảm nghèo, đời sống được cải thiện. Trung bình, mỗi gia đình thu hoạch được khoảng 45 triệu đồng/năm, một số hộ “lên hạng” với thu nhập vài trăm triệu đồng/năm.
Chuyến đi đến Hà Giang nằm trong khuôn khổ Hội nghị cung cấp thông tin cho báo chí về công tác nhân quyền và thông tin đối ngoại hàng tháng năm 2019, do Cục Thông tin đối ngoại phối hợp với Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo về Nhân quyền của Chính phủ tổ chức. |
Trong câu chuyện xoay quanh câu chè cổ thụ nơi miền cực Bắc Tổ quốc, anh Hoàng Tinh Khiêm – chủ một xưởng chè thôn Thăm Vè giải thích, sở dĩ gọi chè Shan Tuyết bởi nhiều nơi của Hà Giang như Cao Bồ, nằm trên độ cao hơn 400m so với mực nước biển, quanh năm sương phủ, mây mù. Mỗi cánh chè, khi sao lên đều phủ một lớp lông tơ mịn màng, trắng như tuyết, vì vậy, người dân gọi bằng cái tên đầy thi vị “Shan Tuyết”.
Lớn lên trong hương vị thanh mát của chè Shan Tuyết, anh Khiêm kể lại: “Từ khi tôi sinh ra, cây chè đã hiện hữu, thế hệ này nối tiếp thế hệ khác mưu sinh cùng chè”.
Nhớ lại ba năm trước, khi mạng Internet bắt đầu “phổ cập” thôn xóm, biết đến phương pháp chế biến chè qua mạng xã hội, anh Khiêm học hỏi và gắn bó với chế biến chè từ đó.
Khi chương trình hỗ trợ vốn cho người dân về đến thôn bản, anh Khiêm cùng nhiều hộ khác được chính quyền xã động viên, cho đi dự các chương trình tập huấn, chia sẻ kinh nghiệm nhiều lần, dần dần anh cùng người dân trong thôn bản đã biết chế biến, kinh doanh cây chè.
Anh Khiêm cho biết, mỗi năm, chè cho thu hoạch ba vụ. Ban đầu, anh Khiêm đăng bán online trên mạng facebook, zalo, khách hàng chưa tin tưởng, anh phải gửi mẫu đi cho họ thử. Thử rồi, khách hàng tìm đến anh Khiêm ngày càng đông.
Chè anh Khiêm đi khắp cả nước, rồi xuất khẩu sang Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Nga. Trung bình mỗi năm, gia đình anh Khiêm thu được khoảng 90 – 120 triệu đồng.
Vừa trò chuyện, anh Khiêm vừa chỉ vào chiếc xe ô tô gia đình mới mua. “Chúng tôi có được như bây giờ cũng là nhờ cây chè Shan Tuyết cổ thụ”, anh nói.
Trên đường rời khỏi xã, dưới ánh nắng xé tan màn mây mù, xuyên qua từng tán chè, nơi những người phụ nữ Dao ngày ngày vẫn đeo gùi sau lưng, cheo leo trên từng ngọn cây, hái những ngọn chè tinh khiết nhất, tôi cảm nhận dường như ánh “bình minh” đang về trên Cao Bồ...
Tấm vải lanh dệt ước mơ đổi đời
Rời Cao Bồ, Vị Xuyên, đoàn phóng viên đến với Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp và Dịch vụ tổng hợp thôn Sà Phìn A, nằm ngay trước cổng vào Dinh thự Họ Vương thuộc xã Sà Phìn, Đồng Văn. Trong phòng trưng bày sản phẩm, thành viên HTX đang tỉ mẩn dệt những chiếc tấm vải lanh đậm chất dân tộc Mông.
Những người phụ nữ dân tộc Mông chẳng biết nghề dệt lanh trắng có từ khi nào. Trải qua bao thế hệ, từ một vỏ cây lanh trắng thô ráp, những đôi tay khéo léo ngày ngày dệt nên tấm vải lanh rồi dùng màu sắc cây rừng tự nhiên nhuộm cho bắt mắt. Cùng với đó, sự phát triển của dệt may công nghiệp đã khiến nghề dệt lanh trắng truyền thống ngày càng mai một.
Phụ nữ Mông ở thôn Sà Phìn A chăm chỉ duy trì nét đẹp của nghề dệt lanh trắng. (Ảnh: Nguyễn Hồng) |
Khi sự mai một ấy ngày càng rõ nét thì cũng là lúc ý tưởng thành lập HTX ra đời. “17 tuổi mới được học lớp 1, kể từ đó, tôi đã nung nấu ý tưởng giữ gìn bản sắc văn hóa của người dân tộc Mông. Nhất là khi sản phẩm dệt may công nghiệp xuất hiện ồ ạt trong đời sống của người dân tộc Mông khiến tôi càng quyết tâm”, chị Vàng Thị Cầu, Tổ trưởng Tổ Sản xuất nói.
Những ngày HTX vẫn còn trên... giấy tờ, Bí thư Huyện ủy Đồng Văn Nguyễn Ngọc Thanh nói với chị rằng: “Xã hội ngày càng phát triển thì phụ nữ càng phải có việc làm. Phụ nữ Đồng Văn không có việc làm, nam giới lại đi lao động trái phép ở Trung Quốc nhiều quá. Vậy nên, thành lập HTX dệt lanh trắng cũng chính là để giúp phụ nữ Đồng Văn có một chỗ đứng trong xã hội và gia đình”.
Tháng 3/2018, HTX chính thức đi vào hoạt động. Hai mươi nhân tố ban đầu của HTX có người là hộ nghèo, hộ đặc biệt khó khăn, là người tàn tật, nạn nhân của bạo lực gia đình, mua bán người qua biên giới… Họ cùng nhau học hỏi, cùng nhau cải tiến quy trình sản xuất, rồi cùng nhau tạo nên những sản phẩm từ lanh trắng chất lượng cao, phù hợp với nhu cầu hiện đại, nhưng vẫn mang đậm bản sắc dân tộc.
Sau hơn một năm gắn bó với nghề dệt lanh trắng, 100% thành viên là “hạt giống” ban đầu của HTX đã thoát nghèo. Trên địa bàn huyện, 95 thành viên thuộc 15/19 xã, thị trấn của huyện Đồng Văn tham gia vào HTX. Sự tỉ mẩn, khéo léo đã giúp họ có thu nhập bình quân hàng tháng dao động từ 2 – 6 triệu đồng.
Không chỉ vậy, sản phẩm do HTX làm ra còn được trưng bày tại điểm tham quan Dinh thự Họ Vương. “Những sản phẩm thổ cẩm vải lanh tự nhiên có độ bền cao lên tới 10 năm, càng dùng lâu càng mềm mịn tốt cho da, đã được du khách đón nhận”, chị Vàng Thị Cầu tự hào nói.
Ủng hộ ý tưởng của thành viên Hội phụ nữ, Bí thư Nguyễn Ngọc Thanh cho biết, ban đầu Huyện đã hỗ trợ cho vay vốn 300 triệu đồng để thu mua, triển khai trồng và tạo vùng nguyên liệu, hỗ trợ địa điểm vừa sản xuất vừa trưng bày sản phẩm.
Quyết tâm cao của thành viên Hội Phụ nữ đã giúp tập hợp và phát huy được tài năng của người phụ nữ dân tộc Mông. “Thu nhập ổn định từ dệt lanh trắng đã giúp phụ nữ Mông có được sự bình đẳng, tiếng nói trong gia đình, hạn chế bạo lực”, Bí thư Huyện nói.
Trong tương lai, với mong muốn duy trì và phát triển nghề dệt lanh trắng truyền thống, giải quyết việc làm cho phụ nữ dân tộc Mông, Huyện “sẽ luôn đồng hành với người dân, đặc biệt là những người phụ nữ dân tộc Mông, hỗ trợ vay vốn, tạo điều kiện mở rộng, phát triển mô hình HTX - điểm tựa cho những người phụ nữ Mông”, Bí thư Nguyễn Ngọc Thanh khẳng định.