Nhà nhân chủng học Niobe Thompson. |
Niobe Thompson, nhà làm phim tài liệu người Canada vừa cho ra mắt series phim ngắn gồm ba phần nhan đề The Great Human Odyssey với những thước phim được quay tại năm châu lục, tái hiện chặng đường phát triển của nhân loại từ bờ vực tuyệt chủng cho đến số dân khổng lồ hiện nay. Ngay khi ra mắt, tác phẩm đã thu hút sự quân tâm đặc biệt của giới làm phim tài liệu quốc tế.
Thompson chia sẻ, khát vọng chinh phục và khám phá thế giới được anh nhen nhóm từ khi còn rất trẻ. Ngay sau khi tốt nghiệp trung học, Thompson đã tạm gác việc học để thực hiện cuộc hành trình dài xuất phát từ Ấn Độ đi về phía các nước châu Âu. Hành trình tiếp đó của anh trải rộng tại nhiều quốc gia, từ những đô thị phồn hoa của châu Âu cho đến những sa mạc ở Thổ Nhĩ Kỳ, những ngôi làng hẻo lánh của LB Nga, nơi không có người nói tiếng Anh… Đến bất kỳ vùng đất nào, anh đều cố gắng kết thân với người dân địa phương và tận lực hỗ trợ cuộc sống của họ.
Từ việc ham mê khám phá những vùng đất, con người mới, Thompson quyết định trở thành một nhà nhân chủng học để có cơ hội tìm kiếm và nghiên cứu về muôn mặt của cuộc sống trên Trái đất. Khác với những nhà nhân chủng học khác thường nghiên cứu và trình bày trên sách vở, Thompson chọn cách lưu lại công trình nghiên cứu thông qua thước phim tài liệu.
Sau một thời gian gắn bó với việc nghiên cứu, Thompson nhận thấy rằng, rất ít nhà nhân chủng học thực sự tiếp xúc với cuộc sống bên ngoài. Thông qua thước phim tài liệu của mình, Thompson kỳ vọng sẽ làm thay đổi suy nghĩ của giới khoa học cũng như cách người ngoài ngành nhận định về khoa học.
Công việc làm phim tài liệu, như Thompson ví von, là một phương tiện để anh đến gần hơn với công chúng. Trong phần lớn phim tài liệu, Thompson đều tham gia trực tiếp trải nghiệm chứ không đơn thuần giữ vai trò thuyết minh hay người ngoài cuộc. Trong phim tài liệu về bộ môn chạy đường dài The perfect runner, Thompson đã trực tiếp hóa thân thành nhân vật trải nghiệm với đôi chân trần trên đường chạy xi măng nóng nực.
Trong dự án The Great human Odyssey, Thompson đã học và thực nghiệm phương pháp thở không dùng ống dưỡng khí (Bajau) để phục vụ cho chuyến đi đến vùng phía nam của Philippines. Đây không phải kỹ năng dễ dàng, đặc biệt khi thả mình hoàn toàn vào lòng nước, khí oxy trong phổi cạn dần, khiến con người ta cảm thấy sợ hãi, hoảng loạn. Thompson không phải là ngoại lệ, nhưng từng bước anh đã có thể nâng thành tích lặn dưới nước của mình với sự hướng dẫn và khích lệ của huấn luyện viên.
Thompson biết rằng, nếu muốn công việc hoàn thành nhanh chóng và an toàn, anh có thể đeo dụng cụ trợ thở và cầm máy quay theo chân các thợ lặn địa phương để thực hiện các cảnh quay ở dưới độ sâu 20m nhưng anh từ chối làm theo cách đó. Nhà nhân chủng học 42 tuổi mong muốn được dùng bản thân mình để hòa vào câu chuyện, để tự chứng kiến những mối ngờ vực, để thuyết phục người khác tin vào lý tưởng của mình. "Bất luận con người thuộc chủng tộc nào, đều có thể là con cháu của những người dân di cư từ châu Phi ngày xưa, những người đã lặn ngụp dưới vùng biển sâu để kiếm sống và nuôi gia đình", Thompson giải thích.
Được chuẩn bị kỹ lưỡng trong gần 18 tháng tại năm châu lục với những góc quay đẹp như khung cảnh mùa đông tuyết trắng của nước Nga đến những đại dương mênh mông của Đông Nam Á, The Great human Odyssey hứa hẹn là bộ phim đạt nhiều giải thưởng cao tại Liên hoan phim tài liệu quốc tế.
Dáng người nhỏ bé nhưng dám dấn thân, dám trải nghiệm hết mình để đem lại những thước phim chân thực nhất, Thompson đã thực sự trở thành cây cầu kết nối giữa công chúng và khoa học.
"Khán giả thực sự cảm thấy thu hút bởi hành trình trải nghiệm khám phá những điều kỳ thú của khoa học trong những thước phim tài liệu của tôi. Khoa học chưa bao giờ dễ hiểu và gần gũi đến như thế. Và tôi cảm thấy vui vì điều đó", Thompson tâm sự.
Trà My (theo CBS)