📞

Thấy gì từ "làn sóng" bình phẩm Công nghệ giáo dục?

14:26 | 15/09/2018
Không phải bây giờ chúng ta mới được chứng kiến sự “đổ bộ” của cư dân mạng vào một nhân vật nào đó. Nhưng qua câu chuyện “ném đá” Công nghệ giáo dục của GS. Hồ Ngọc Đại vừa qua, chúng ta mới thấy làn sóng bình phẩm của cư dân mạng rất có thể triệt tiêu những động lực của các sáng kiến, ý tưởng...

GS. Hồ Ngọc đại vốn là người có cá tính và có đam mê với nghề giáo. Năm 1978, ông đã được nhà nước cho phép thành lập trường Thực nghiệm tại Hà Nội với mục đích ban đầu là nghiên cứu giáo dục bằng phương thức thực nghiệm. Đây là bộ phận cơ hữu của Phòng Thực nghiệm giáo dục phổ thông, sau đổi là Trung tâm Công nghệ giáo dục. Sau này, trường được tách ra là trường Tiểu học, THCS, THPT Thực nghiệm và mục tiêu thay đổi thành đào tạo học sinh theo mô hình mà GS. Hồ Ngọc Đại đã nghiên cứu và áp dụng.

Mô hình của GS. Đại rất rộng, bao gồm nhiều môn, nhiều lĩnh vực, nhiều đổi mới. Trong đó phải kể đến việc áp dụng học 2 buổi/ngày cho học sinh, bắt đầu dạy tiếng nước ngoài cho trẻ. Sau một thời gian dài áp dụng mô hình đặc biệt của mình, nhà trường đã sản sinh ra rất nhiều nhân tài cho đất nước, trong đó phải kể đến GS. Ngô Bảo Châu, PGS. Đại biểu Quốc hội Nguyễn Lân Hiếu…

Giáo sư Hồ Ngọc Đại là người dành tâm huyết cả đời cho nền giáo dục nước nhà. (Nguồn: dantri)

Những cuốn sách của GS. Hồ Ngọc Đại về công nghệ giáo dục được phát hành rộng rãi và rất hấp dẫn các nhà giáo dục. Sau hơn 30 năm, Bộ GD&ĐT nghiên cứu và nhận ra, phương án dạy trẻ học vần theo Công nghệ giáo dục của GS. Đại đã mang lại hiệu quả tốt, thậm chí rút ngắn thời gian học vần cho trẻ. Từ đó, Bộ đã quyết định áp dụng thử nghiệm vào một số trường bên ngoài trường Thực nghiệm.

Tuy nhiên, thời gian gần đây, cư dân mạng đã rộ lên bình phẩm về chương trình này. Phần lớn những lời phản đối đều đi theo các hướng tiêu cực, hùa theo xúc phạm, “dìm” Công nghệ giáo dục của thầy. Nhiều người còn cho rằng, tiền in sách giáo khoa lên đến trăm tỉ, nghìn tỉ. Rõ ràng, những lời xúc phạm thế này không hiếm gặp trong thời đại bùng nổ thông tin ở nước ta.

Nên thận trọng khi chỉ trích…

Thực tế, nhiều người dựa vào sự lan tỏa của mạng xã hội để thể hiện quan điểm cá nhân. Không ít người luôn nghĩ rằng, thế giới ảo nên tha hồ chửi mắng, văng tục và xem đó là thú vui của mình.

Vào vai những "chuyên gia giáo dục", có người còn cho rằng, trẻ em nước ta đang bị đem ra thử nghiệm, là chuột bạch. Căn bệnh chửi hội đồng đã không còn lạ lẫm gì trên cộng đồng mạng trong nhiều năm gần đây, theo thời gian càng trở nên trầm trọng.

Chính những hình ảnh, vấn đề bị thổi phồng, thông tin bị bóp méo trên mạng xã hội như facebook đã tác động trực tiếp đến tâm lý dư luận. Không ít video tràn lan trên mạng xã hội khiến người dùng bị “tẩu hỏa nhập ma”. Nhiều người cảm thấy sợ hãi, bi quan về ngành giáo dục. Họ lo lắng con em sẽ “đánh mất tiếng Việt". Họ phân vân tự hỏi: giáo dục đang “cải tiến” hay “cải lùi”?

Từ những làn sóng bình phẩm ấy, có lẽ đã đến lúc chúng ta nên nhìn lại văn hóa tranh luận, văn hóa phê bình của chính mình. Chúng ta đã tôn trọng, đã đúng khi xúc phạm nhân thân và nhận xét về họ trong tranh luận? Nếu mình xoay từ chi tiết của bài tranh luận sang hình dáng, giọng nói hoặc tính cách hoặc đề cập đến nhân thân người khác khi tranh luận là ta cố tính xúc phạm họ.

Khi nhìn nhận một vấn đề chưa thấu đáo, chúng ta rất cần tìm hiểu kỹ, đừng ngay lập tức chụp mũ kiểu: “Chắc chắn họ giấu diếm để làm gì đó”, “vì tiền cả thôi”… Những cách suy luận kiểu này có thể biến một sự việc giản đơn thành ra phức tạp, thậm chí tầm cỡ quốc gia.

Câu chuyện tranh cãi về công nghệ giáo dục của thầy Đại thực sự khiến tôi suy nghĩ rất nhiều. Cũng giống như khi nhìn nhận xét một căn nhà, ta sẽ nhìn tổng thể, hướng nhà, dáng nhà, vị trí của nó, bố trí phòng, phong thủy nhà. Từ đó, để ta kết luận là nó có ổn hay không? Nếu có một, hai viên gạch xây lệch, bị vỡ, ta sẽ cho sửa chữa chứ không ai vì vài viên gạch vỡ lại đập nát cả căn nhà đi để xây lại. 

Đánh giá cái gì cũng thế, cần đi vào cái tổng thể để xem xét. Nhặt vài viên gạch lên nhận xét rồi “chém” là hỏng cả căn nhà, nghe không ổn tí nào. Chúng ta có quyền phản biện, có quyền đánh giá, góp ý nhưng cần trên cơ sở xây dựng.

Thứ hai, đừng đánh giá hồ đồ trước khi tìm hiểu. Khi nhận định về chương trình Công nghệ giáo dục của GS. Hồ Ngọc Đại, không ít cư dân mạng đã nhận định rằng, giáo sư làm vậy vì số tiền nghìn tỉ in sách, nếu không cũng là một ủy ban nào đó ăn mất số tiền này.

Phê phán, ném đá tập thể có thể triệt tiêu động lực của mọi sáng kiến. (Nguồn: Soha)

Trên thực tế, cuốn sách Tiếng Việt lớp 1 - Công nghệ giáo dục có giá 35.500VND, trong đó có chi phí giấy, chi phí in ấn, chi phí thẩm định, chi phí biên tập, chi phí vẽ hình, chi phí phát hành… Trong khi đó, theo như tôi được biết, GS. Đại đã tặng không cuốn sách cho Bộ Giáo dục & Đào tạo từ nhiều năm nay.

Chê bai, dìm hàng, không làm mình nổi bật lên, nhất là khi phê bình, chỉ trích người khác lại càng cần phải thận trọng. Khi tiếp xúc với một cải cách mới mẻ, chúng ta rất cần nghiên cứu thật kỹ lưỡng trước khi đưa ra các nhận định cá nhân. Bởi lẽ, chưa tìm hiểu rõ ngọn ngành, lập tức cho ý kiến về cải cách hay sáng kiến mới mẻ nào đó, rất dễ đó là một phát ngôn cảm tính, thiếu kiểm soát.

Điều đó còn có thể triệt tiêu đi động lực của các sáng kiến, các ý tưởng cải cách trong tương lai vì lo sợ bị ném đá, phản đối. Nếu chúng ta không sáng tạo, không dám đổi mới, luôn đi theo lối mòn trong suy nghĩ và hành động chắc chắn sẽ ảnh hưởng lớn cho xã hội.

Theo tôi, có lẽ đã đến lúc chúng ta dừng cách tranh luận thiếu văn hóa, với các nhận định thiếu cân nhắc. Bởi điều đó không đóng góp được gì cho đất nước, cũng như không đem lại điều tốt đẹp gì cho chính cá nhân mình. Chúng ta rất cần những con người xây dựng xã hội tốt đẹp thay vì hủy hoại nó dù chỉ bằng lời nói, ngay cả trong thế giới mạng.

                                                                                                    TS. Vũ Thu Hương

                                                (Nguyên Giảng viên trường Đại học Sư phạm Hà Nội)