📞

Thấy gì từ vụ nữ sinh lớp 10 tự tử ở An Giang?

Trần Lê Hiếu Hạnh 15:13 | 14/12/2020
TGVN. Từ câu chuyện nữ sinh lớp 10 tự tử ở An Giang, nghĩ đến vấn đề làm sao để đem đến một môi trường học đường an toàn cho các em. Dạy chữ đi đôi với dạy người, ngoài truyền thụ kiến thức còn phải dạy các em cách bày tỏ quan điểm cá nhân cũng như biết bảo vệ mình, có kỹ năng vượt qua những tình huống gặp phải trong cuộc sống.
Trong câu chuyện nữ sinh lớp 10 tự tử ở An Giang, mỗi người phải cùng nhìn lại mình trong ứng xử. (Nguồn: NLĐ)

Năm lớp ba, tôi học vẽ, thầy chủ nhiệm phê rằng tôi có người vẽ hộ, tôi im lặng về đưa vở cho mẹ xem. Mẹ dẫn tôi lên lớp học gần nhà và yêu cầu tôi vẽ trước mặt thầy. Lúc ấy, tôi vẽ con trâu cũng ra dáng con trâu lắm, thầy tâm phục khẩu phục và tôi được minh oan. Tôi của năm 8 tuổi, mẹ dạy tôi hiểu, hành động dám lên tiếng với điều sai về mình giúp lấy lại danh dự của một đứa con nít.

Lên cấp hai, một lần tôi giải toán theo cách khác với thầy dạy lại ra kết quả đúng, nhưng tôi bị mất hai điểm vì thầy không hiểu cách giải của tôi. Lần này tôi lại im lặng về nhà. Mẹ quất lên mông tôi vài roi và bảo tôi bữa học sau mang bài thi này thưa chuyện với thầy. Khi tôi chủ động trình bày với thầy cách giải của riêng tôi, thầy chấp thuận tôi giải đúng và cộng cho tôi hai điểm tròn mười. Sau này tôi hiểu, mẹ đánh tôi không chỉ vì mất hai điểm vô lý mà vì tội im lặng, biết mình làm đúng mà không lên thưa với thầy, không dám bảo vệ quan điểm của mình.

Qua đó, tôi thấm được bài học, cuộc sống luôn có những bất công và hiểu lầm, tôi phải lựa chọn cách ứng xử với sự thật đó, có thể chấp nhận vì hiểu lẽ đời nhưng không được buông xuôi… Ngẫm thấy may mắn khi tôi được học những người thầy nhân hậu, có đạo đức, lắng nghe sự giải bày của học trò. Cũng có thể người thầy chưa bị áp lực nặng nề như bây giờ nên chuyện thấu hiểu giữa người dạy và người học dễ dàng hơn.

Tôi cũng tự hào vì có một người mẹ quan tâm việc học của con và truyền cho tôi sức mạnh để dám tự lên tiếng bảo vệ bản thân, có thể thảo luận được với những người lớn hơn mình. Mẹ tôi dạy rằng: “Ai cũng 9 tháng 10 ngày mà sinh ra – có thể chênh lệch chút ít thời gian, cho nên họ cũng vậy mà mình cũng vậy”. Càng lúc, tôi càng thấm thía câu nói này.

Nhưng xã hội luôn thử thách lối sống của chúng ta, đòi hỏi chúng ta phải học hỏi và thích nghi. Cho nên, giáo dục mà đề bảng “thi đua dạy tốt, học tốt” làm tôi thấy lo lắng. Vì sao phải thi đua khi mỗi người là một tiểu vũ trụ? Thi đua là bản năng nhưng hướng người học đến tư duy độc lập, luôn hoàn thiện mình và tự do học thuật mới là bản lĩnh.

Thi đua làm gì khi người dạy và người học mâu thuẫn nhau, dẫn đến sự ấm ức rồi tự tử của một học sinh lớp 10. Một câu chuyện đang rúng động cả nước xảy ra ở An Giang mà báo chí đưa tin gần đây.

Chọn tự tử có thể là cách suy nghĩ non nớt, nông nổi của em học sinh “ăn chưa no, lo chưa tới” ấy nhưng đó là cách em lên tiếng với bất công học đường theo khả năng mà em có được, khi lời nói nhỏ nhoi bình thường của em bị gia đình, nhà trường, xã hội bỏ lơ.

Tác giả Trần Lê Hiếu Hạnh. (Ảnh: NVCC)

Nếu chỉ trách nhà trường thôi thì vẫn chưa khái quát hết, cha mẹ em ấy ở đâu, vì sao không lên tiếng khi con mình bị nhà trường phạt oan, sao không dành thời gian lắng nghe con mình, cho con mình lời khuyên, hướng đi hợp lý? Còn cô giáo chủ nhiệm của em đã không tự làm chủ được mình, có những hành động phản sư phạm với học trò của mình trước mặt nhiều bạn bè cùng trang lứa.

Thế mới thấy, làm người thầy, ngoài chuyên môn giỏi còn cần tình thương, cần sự giáo dưỡng tự thân trong cách ứng xử với trò. Đình chỉ công tác hay các hình phạt ngắn hạn những người liên quan chỉ xoa dịu dư luận nhất thời nhưng làm sao để đem đến một môi trường sống an toàn? Làm sao để hạn chế những bất công, để mỗi đứa trẻ đến trường luôn cảm nhận được niềm vui, hạnh phúc?

Khi chúng ta chọn thích nghi, hùa theo, thay vì nỗ lực cho sự tiến bộ chung với tư duy độc lập, nâng cao dân trí toàn diện dựa trên tình thương thấu hiểu. Có nghĩa, chúng ta chịu sống theo kiểu an phận thủ thường và giải toả những dồn nén của mình với ai đó nhỏ bé hơn. Đó là những mụn nhọt, không thể một sớm một chiều mà biến mất được cho đến khi tất cả đều thấy mình có trách nhiệm chuyển hoá chính mình – chịu soi mình và sửa đổi…

Thương cho em học sinh ấy, giữ được mạng sống là chuyện đáng mừng nhưng để em quay lại với lớp học, cần được sự hỗ trợ tâm lý của gia đình và các chuyên gia cùng em phải cố gắng hơn nữa. Mong em vượt qua bài học đầu đời đắt giá này.

Vào sáng 30/11, em N.T.N.Y (ngụ ấp 2, xã Vĩnh Xương, TX.Tân Châu, tỉnh An Giang) bị ngất xỉu tại khu vực nhà vệ sinh của trường vì đã uống thuốc tự tử. Sau đó, Y. được đưa đến Bệnh viện Nhật Tân (TP. Châu Đốc) cấp cứu và điều trị. Đến chiều ngày 3.12 thì Y. được chuyển đến Bệnh viện Nhi đồng 2 để điều trị.

Theo giấy chứng nhận điều trị của Bệnh viện Nhật Tân (TP. Châu Đốc), chẩn đoán bệnh của Y. khi nhập viện là: cố tình tự đầu độc bằng salbutamol, hạ đường huyết, trào ngược dạ dày thực quản, đau đầu.

Theo người nhà của Y., nguyên nhân từ việc em không tham gia học phụ đạo đủ 5 môn học có thu tiền theo quy định của trường, mà chỉ học 1 môn tiếng Anh mà em yếu nhất. Đồng thời, quá trình học em cũng bị giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn thường nhắc nhở về việc mặc áo dài mỏng,... Sau đó, Y. dùng điện thoại ghi âm cô giáo chủ nhiệm bị phát hiện. Kết quả, nhà trường xử lý cấm túc trong 2 tuần, phải vào lớp sớm để các cô giáo dạy quy tắc ứng xử, lao động. Trường đã thông báo nêu tên Y. dưới cờ trước toàn trường khiến nữ sinh này uất ức viết thư tuyệt mệnh và uống thuốc tự tử trong khu nhà vệ sinh của trường.

Trần Lê Hiếu Hạnh - Cử nhân báo chí và truyền thông, Thạc sĩ văn hoá học, từng gắn bó trong lĩnh vực truyền hình và giảng dạy phim tài liệu truyền hình, biên tập truyền hình, kỹ năng viết tin bài báo chí cho sinh viên, học viên Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học quốc gia TP. Hồ Chí Minh; Biên tập viên phim “Làng võ sông Côn” - đạt giải nhất phim tài liệu trong Liên hoan phim tài liệu và phóng sự chuyên đề lần thứ II/2013, Biên tập viên phim “Cô gái nằm viết Blog”- đạt giải Bạc Liên hoan truyền hình toàn quốc 2012.