Công việc dạy học đến với Duy hoàn toàn tình cờ, theo cách cậu mô tả thì đó là "cơ duyên đặc biệt, là việc tìm người chứ không phải là người tìm việc".
Sau khi hoàn thành bốn năm đại học tại Thái Lan, Duy tiếp tục ở lại theo học thạc sĩ tại Đại học Udon Thani Rajabhat nằm ở tỉnh Udon Thani. Đúng lúc đó, trường phổ thông Nongbuapittayakarn lại cần gấp một giáo viên dạy tiếng Việt và người bạn của Duy đã giới thiệu cậu với bộ phận tuyển sinh của trường. "Tôi dành gần một tuần để suy nghĩ và quyết định chấp nhận công việc. Lý do mà tôi nhận công việc một phần để kiếm thêm thu nhập, phần nữa đây là cơ hội để nâng cao kỹ năng nói và thuyết trình và muốn thử sức với công việc mới", Duy tâm sự.
Vì là một giáo viên "tay ngang" nên những ngày đầu đứng lớp, Duy gặp không ít khó khăn. Bộ môn tiếng Việt mới được trường đưa vào chương trình giảng dạy hai năm, các giáo trình và tài liệu giảng dạy hầu như không có.
Để chuẩn bị cho những tiết học đầu tiên, Duy đã phải trăn trở, thức trắng nhiều đêm tìm hiểu các phương pháp giảng dạy, tham khảo các giáo trình dạy tiếng Việt trên mạng. Nhằm giúp học sinh thêm yêu tiếng Việt và hiểu hơn về đất nước Việt Nam, ngoài những giờ học tiếng, Duy thường trao đổi, chia sẻ thêm về văn hóa, phong tục tập quán, lối sống và phong cách làm việc của người Việt Nam.
Vạn sự khởi đầu nan. Vượt qua những bỡ ngỡ ban đầu, phương pháp giảng dạy và cách truyền đạt lôi cuốn của Duy nhanh chóng được nhiều học sinh nước sở tại hưởng ứng và yêu thích.
Duy cho biết, dù là một ngôn ngữ khó học hơn hẳn so với tiếng Anh nhưng tiếng Việt vẫn luôn được các em học sinh ở đây hào hứng đón nhận. Tiếng Việt cũng là tiếng nước ngoài đầu tiên và duy nhất trong khu vực ASEAN được lựa chọn giảng dạy tại trường Nongbuapittayakarn.
Ly Ly