Thầy Hải (đứng sau) và các học trò của mình |
Ý tưởng của những học trò nghèo
Sẽ không còn thấy lạ lẫm nữa khi đến với Kế Sách, Sóc Trăng chứng kiến các nhóm học trò quê hăng say đi khảo sát và làm các thực nghiệm môi trường. Những năm gần đây, nghiên cứu khoa học đã trở thành đam mê của nhiều học sinh dù điều kiện và phương tiện học tập nơi đây còn rất khó khăn. Đề tài của các em xuất phát từ những ý tưởng không quá “cao siêu” nhưng lại gần gũi, mang lại ý nghĩa thiết thực với cuộc sống hàng ngày.
Bắt đầu từ nguyên liệu rất đơn giản, sẵn có ở địa phương, những ý tưởng lớn đã thành hình. Đó là những giải pháp làm sạch nguồn nước uống và sinh hoạt, đem lại môi trường sống trong lành cho người dân xung quanh. Có nhóm tìm ra quy trình lọc nước hiệu quả bằng cát và than đá, nhóm thì gây ấn tượng khi dùng thân cây chuối và cây vông vang để làm lắng các chất bẩn trong nước đục, thay cho phèn hoá chất không tốt đối với sức khoẻ con người. Lại có nhóm thành công với đề tài lọc nước bằng than vỏ trái gòn và đất sét nung hay là tìm ra cây “xà phòng” – một chất tẩy rửa cho tương lai…
Có lẽ, đáng chú ý nhất chính là giải Nhất Cuộc thi Quốc gia cải thiện việc sử dụng và bảo vệ nguồn nước từ năm 2007. Giảp pháp dùng bông trái gòn (một loài cây phổ biến ở Sóc Trăng) để thấm nước nhiễm dầu đã trở thành nhịp cầu đưa 3 cậu học trò quê (Võ Phi Thoàn, Trần Trung Hoàng, Phan Phước) lên đường sang Thụy Điển tham gia Giải thưởng Stockholm về nguồn nước do Quỹ Stockholm tổ chức dành cho học sinh trung học trên toàn thế giới. Mới đây, ngày 9/6/2009, học sinh của Trường lại mang về 2 giải Ba quốc gia từ cuộc thi này với các phương pháp hữu hiệu xử lý nguồn nước thải ô nhiễm chỉ bằng bèo Nhật Bản, hến và bã mía …
Thầy thắp lửa trong trò
Từ Trường THPT An Lạc Thôn phải đi gần 50km với nhiều chuyến đò ngang mới đến được thành phố Sóc Trăng. Đã 5 năm liền, thầy giáo dạy môn Sinh Nguyễn Ngọc Hải quen thuộc với việc cùng các em qua sông, lên xe và bắt tàu hỏa ra Hà Nội để tham gia các vòng phỏng vấn chung khảo. Đối với thầy Hải, mỗi năm là một niềm vui khi được giúp đỡ, truyền lòng say mê và nhận thêm những phần thưởng quý giá từ các học trò của mình. Thầy tâm sự: “Ở xứ miệt vườn này, điều kiện sống thiếu thốn lắm. Các em vừa đi học vừa phải phụ giúp việc gia đình nhưng vẫn tranh thủ thời gian tìm tòi ý tưởng mới”.
Trước đây, học sinh ở trường chỉ đến đủ buổi học đã là mừng thì giờ, nhiều học sinh lại nhân thêm số giờ học bằng những buổi thực nghiệm. Là học trò quê đã quen với việc làm vườn, ngại giao thiệp nhưng các em đã mạnh dạn đi tới từng hộ dân lấy ý kiến và chọn địa bàn nghiên cứu như những nhà khoa học thực thụ. Có nhóm phải vào tận những ấp sâu, thâm nhập tận nơi có nguồn nước ô nhiễm nặng để lấy mẫu nước về làm thí nghiệm .
Mỗi giờ lên lớp, thầy Hải thường động viên học trò xây dựng ý tưởng từ kinh nghiệm của người dân tại quê hương. Thầy nhận thấy, trong dân gian có những mẹo làm rất hay mà từ đó, các em học sinh có thể học tập, phát triển và làm nên những công trình khoa học. Các ý tưởng khả thi luôn được thầy trò cùng lựa chọn và quyết tâm thực hiện.
Tất cả dụng cụ khoa học của thầy trò Trường THPT An Lạc Thôn chỉ là chiếc kính hiển vi, cái ống nghiệm, mẩu giấy quỳ và một số hóa chất cơ bản. Trường còn thiếu thốn về vật chất, trò và thầy cũng nghèo nên công việc thí nghiệm chủ yếu là sự gia công, tự giác và cố gắng khắc phục. Tuy nhiên, sẽ còn có thêm rất nhiều ý tưởng mới ra đời từ nơi đây bởi vì điều mà thầy Hải cùng học trò mong muốn nhất là được làm khoa học và những sáng tạo nhanh chóng được ứng dụng vào thực tiễn.
Tuấn Thanh