📞

Thế giới đã chọn Việt Nam trở thành trung tâm AI, bán dẫn của khu vực

10:36 | 20/09/2024
Nhiều doanh nghiệp hàng đầu thế giới trong các lĩnh vực AI, bán dẫn xem Việt Nam như là một điểm đến mới với nhiều cơ hội hợp tác. Và như một “ngôi sao đang lên”, Việt Nam đang dần hiện thực hóa giấc mơ tham gia toàn trình trong hệ sinh thái AI, bán dẫn của thế giới.
FPT hợp tác với NVIDIA thành lập nhà máy AI tạo cú hích giúp Việt Nam phát triển ngành công nghiệp bán dẫn và AI, đón đầu xu hướng phát triển công nghệ thế giới.

Tiến xa hơn trên bản đồ AI thế giới

Không chỉ 3 năm liên tiếp vượt ngưỡng trung bình của thế giới về Chỉ số sẵn sàng Trí tuệ nhân tạo (AI) của Chính phủ, Việt Nam còn vươn lên đứng vị trí thứ 5/10 tại khu vực ASEAN và tăng 3 bậc, đứng ở vị trí 59/193 trong bảng tổng sắp của thế giới. Đây là vị trí xếp hạng của Việt Nam được Oxford Insights đưa ra trong báo cáo “Chỉ số Sẵn sàng Trí tuệ nhân tạo của Chính phủ 2023” dựa trên những dữ liệu của năm 2023.

Năm 2024, Việt Nam có thêm nhiều cú hích để sẵn sàng tiến xa hơn trên bản đồ AI thế giới. Đầu tháng 2/2024, Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược về dữ liệu quốc gia và nhiều Bộ, ngành, địa phương cũng đã ban hành các kế hoạch, chương trình hành động triển khai Chiến lược này. Đây là cơ sở, dữ liệu quan trọng để phát triển trí tuệ nhân tạo tại Việt Nam.

“25 năm trước, FPT nuôi giấc mơ xuất khẩu phần mềm. Đến nay, Việt Nam đã có 1 triệu người làm việc trong lĩnh vực CNTT, phục vụ nhiều khách hàng trên toàn cầu. Hôm nay, chúng tôi nuôi một giấc mơ khác: Quốc gia AI - Việt Nam sẽ trở thành trung tâm AI, bán dẫn của khu vực. Và chúng ta sẽ có 3-5% dân số làm trong lĩnh vực AI”.

Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch FPT

Ở góc độ doanh nghiệp, cũng đã có không ít những chương trình, thậm chí là khoản đầu tư lớn hàng trăm triệu USD cho thúc đẩy phát triển AI. Một trong số đó là khoản đầu tư dự kiến lên tới 200 triệu USD cho việc thành lập nhà máy AI (AI Factory) được ký kết giữa NVIDIA và FPT - Tập đoàn công nghệ hàng đầu của Việt Nam và đứng trong Top 50 công ty dịch vụ CNTT châu Á. Nhà máy AI này được xem là có ý nghĩa rất lớn thúc đẩy kinh tế, là cú hích giúp Việt Nam phát triển ngành công nghiệp bán dẫn và AI, đón đầu xu hướng phát triển công nghệ thế giới.

Tại Lễ ký kết hợp tác, ông Keith Strier, Phó Chủ tịch Sáng kiến AI Toàn cầu của NVIDIA khẳng định NVIDIA và FPT sẽ đồng hành cùng các doanh nghiệp Việt Nam với mục tiêu tăng tốc chuyển đổi số, đưa Việt Nam trở thành Cường quốc AI.

Chia sẻ về hợp tác với NVIDIA, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch FPT cho biết, “25 năm trước, FPT nuôi giấc mơ xuất khẩu phần mềm. Đến nay, Việt Nam đã có 1 triệu người làm việc trong lĩnh vực CNTT, phục vụ nhiều khách hàng trên toàn cầu. Hôm nay, chúng tôi nuôi một giấc mơ khác: Quốc gia AI - Việt Nam sẽ trở thành trung tâm AI, bán dẫn của khu vực. Và chúng ta sẽ có 3-5% dân số làm trong lĩnh vực AI”.

Hợp tác giữa FPT và Landing AI kỳ vọng sẽ mở ra một chương mới, góp phần thúc đẩy sự phát triển của AI tại Việt Nam, Mỹ và trên thế giới

Cơ sở của giấc mơ này được ông Bình lý giải dựa trên 3 yếu tố. Một là, Việt Nam hiện có 1% dân số làm trong lĩnh vực IT, nếu chuyển đổi sang nghiên cứu, phát triển AI, bán dẫn thì Việt Nam có thế tiến nhanh và xa hơn rất nhiều. Hai là, Việt Nam đã bước ra toàn cầu, đã có thương hiệu trên bản đồ công nghệ số thế giới. Các doanh nghiệp Việt đã cung cấp giải pháp, dịch vụ CNTT ra thế giới và là đối tác chiến lược của các doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực AI, bán dẫn. Ba là, dòng chảy công nghệ AI, bán dẫn với sự dẫn dắt của những tập đoàn, những chuyên gia hàng đầu đang đổ về Việt Nam và may mắn FPT đang ở trong tâm điểm của dòng chảy này.

Trước khi bắt tay với NVIDIA, FPT cũng đã bắt tay với những “thiên tài AI” của thế giới như giáo sư Yoshua Bengio - Viện trưởng Viện nghiên cứu AI hàng đầu thế giới Mila, Tiến sĩ Andrew Ng, người sáng lập và Giám đốc điều hành của Landing AI.

Hiện FPT đã có dự án triệu USD riêng trong lĩnh vực AI và sở hữu nền tảng trí tuệ nhân tạo FPT.AI với 20 triệu người dùng, 200 triệu lượt sử dụng/tháng tại 15 quốc gia. Đồng thời, FPT cũng đang tích hợp AI vào các giải pháp, sản phẩm Made by FPT giúp các tổ chức, doanh nghiệp tối ưu quản trị, vận hành, nâng cao hiệu quả hoạt động. Mới đây nhất, giải pháp quản lý đồng cỏ toàn diện ở châu Phi dựa trên AI do FPT phát triển đã được triển khai thành công cho hơn 2 triệu nông dân châu Phi, tạo nên hiệu quả đáng kinh ngạc trong quá trình chăn thả gia súc tại vùng hoang mạc.

FPT hợp tác với NVIDIA thành lập nhà máy AI tạo cú hích giúp Việt Nam phát triển ngành công nghiệp bán dẫn và AI, đón đầu xu hướng phát triển công nghệ thế giới.

Điểm đến mới của các doanh nghiệp bán dẫn

Cùng với AI, công nghiệp bán dẫn được xem là bộ đôi chìa khóa công nghệ cho tương lai tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Tại Việt Nam, ngành công nghiệp bán dẫn được dự báo sẽ vượt qua cột mốc 6 tỷ USD, đưa Việt Nam trở thành một trong những trung tâm sản xuất quan trọng của nhiều doanh nghiệp bán dẫn lớn trên toàn cầu. Nhiều doanh nghiệp hàng đầu trong ngành sản xuất bán dẫn thế giới đã chọn Việt Nam làm điểm đến đầu tư với những dự án quy mô lên tới hàng tỷ USD. Mới đây nhất, nhà máy bán dẫn lớn nhất thế giới trị giá 1,6 tỷ USD của Amkor đã khánh thành tại Bắc Ninh.

Doanh nghiệp của hai cường quốc về bán dẫn là Mỹ và Nhật Bản cũng đang có những dự định lớn trong lĩnh vực bán dẫn tại Việt Nam. Đơn cử như Tập đoàn SBI Holdings, tại Hội nghị cấp cao kỷ niệm 50 năm ASEAN - Nhật Bản được tổ chức vào cuối năm ngoái, CEO SBI Holdings Yoshitaka Kitao cho biết tập đoàn này đang xây dựng các nhà máy sản xuất chip bán dẫn tại Nhật và tương lai xem xét mở rộng đầu tư ra nước ngoài, trong đó Việt Nam và Trung Đông được xem là những điểm đến hấp dẫn. Ông Yoshitaka Kitao cũng bày tỏ muốn hợp tác với các doanh nghiệp lớn của Việt Nam trong lĩnh vực công nghệ thông tin, như FPT, để xây dựng hệ sinh thái công nghệ sản xuất chip bán dẫn tại Việt Nam.

Tháng 9/2023, trong tuyên bố chung về quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện Việt - Mỹ, hai bên ghi nhận tiềm năng to lớn của Việt Nam trở thành quốc gia chủ chốt trong ngành công nghiệp bán dẫn. Việt Nam là một trong số ít quốc gia mà Hoa Kỳ ký Biên bản ghi nhớ hợp tác nhằm phát triển hệ sinh thái ngành công nghiệp bán dẫn, trong đó nhấn mạnh đến việc hợp tác phát triển nguồn nhân lực cho ngành. Hiện Việt Nam đặt mục tiêu đào tạo 50.000 nhân lực bán dẫn và FPT có kế hoạch đào tạo khoảng 20% của con số mục tiêu này, tương đương khoảng 10.000 nhân lực đến năm 2030. Song, ông Bình cho hay, chương trình đào tạo thiết kế vi mạch hôm nay chỉ là bước đầu FPT còn có mong muốn nhiều hơn nữa. “Ước mơ của chúng ta là đáp ứng nhu cầu nhân lực cho toàn thế giới. Đấy mới là ước mơ thật của chúng tôi - Việt Nam có 1 triệu nhân lực bán dẫn”, ông Bình nhấn mạnh.

Để hiện thực hóa con số mục tiêu trên, Tổ chức Giáo dục FPT đã thành lập khoa vi mạch bán dẫn bậc đại học và đưa chương trình đào tạo về chip bán dẫn từ Ấn Độ và Anh về giảng dạy tại hệ cao đẳng, liên kết. Mới đây nhất, FPT cũng đã hợp tác với công ty tư vấn tài chính FCC Partners thành lập quỹ nhằm phát triển nguồn nhân lực, thu hút đầu tư nước ngoài vào ngành vi mạch bán dẫn tại Việt Nam.

FPT- Công ty Việt Nam đầu tiên thiết kế, sản xuất chip thương mại hóa.

Thời khắc của Việt Nam đã đến

Việt Nam đang trở thành điểm đến mới của các doanh nghiệp công nghệ, công nghiệp bán dẫn hàng đầu thế giới. Và theo như lời ông Bình thì “thời khắc của dân tộc đã điểm. Việt Nam là quốc gia được chọn để tham gia toàn trình trong hệ sinh thái bán dẫn của thế giới”.

Ông Bình cũng khẳng định, “Việt Nam sẽ đi tiên phong trong sản xuất chip thế hệ mới - AI chip. Dựa trên AI chip, Việt Nam sẽ tiên phong sản xuất thiết bị điện tử AI, hình thành kinh tế AI. Việt Nam sẽ trở thành quốc gia AI. Chuyển đổi AI sẽ là điểm tựa để Việt Nam thành công trong công cuộc chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, xây dựng kinh tế tuần hoàn. Tương lai đất nước chưa bao giờ “sáng” như hôm nay. Việt Nam không thể bỏ qua cơ hội ngàn năm có một mà lịch sử đã đặt vào tay mình. Trong đó, ngành bán dẫn có nhiều điểm đặc biệt. Tôi hy vọng sẽ có nhiều hợp tác với doanh nghiệp nước ngoài để Việt Nam trở thành điểm đến của ngành này”.