Với chủ đề “Định hình một thế giới kết nối”, Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) tại thành phố Hamburg (Đức) sẽ diễn ra trong hai ngày 7 - 8/7, trong bối cảnh những diễn biến phức tạp trên thế giới, cùng những bước điều chỉnh chính sách của một số nước trong thời gian qua, đang đặt ra nhiều thách thức lớn đối với thế giới.
30 cuộc biểu tình đã đăng ký trong tuần trước ngày cuộc họp Thượng đỉnh G20 diễn ra. (Nguồn:Newsweek) |
Thế giới bất ổn
Cảnh sát Hamburg cho hay, 30 cuộc biểu tình đã đăng ký trong tuần trước ngày cuộc họp Thượng đỉnh G20 diễn ra, 10.000 người biểu tình lặng lẽ đi trong mưa ở Hamburg vào Chủ nhật tuần trước, 21.000 cảnh sát từ khắp nước Đức sẽ được tăng cường bảo vệ các cuộc họp của 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới. Dòng người biểu tình mang theo biểu ngữ: "Chống đói nghèo", "Bảo vệ trái đất", “Tình trạng nóng lên toàn cầu không phải là chuyện hoang đường“… phản đối các chính sách tiêu cực về khí hậu và thương mại đang được một số nước trong G20 ủng hộ.
Có thể nói tình hình thế giới một năm qua đã có nhiều biến động to lớn, tác động tới nền kinh tế, thương mại toàn cầu cũng như các mối quan hệ quốc tế. Những chính sách khó lường của nền kinh tế lớn nhất thế giới, trong đó có quyết định của Mỹ rút khỏi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), cân nhắc lại nhiều thỏa thuận tự do thương mại với các nước và thực thi các biện pháp bảo hộ thương mại trong nước, đang tạo ra những rào cản làm chậm đà tăng trưởng kinh tế và tác động tiêu cực tới hệ thống thương mại toàn cầu, đồng thời khiến tiến trình liên kết kinh tế theo hướng toàn cầu hóa gặp nhiều khó khăn.
Nền kinh tế thế giới cũng chịu tác động từ diễn biến trên chính trường Anh sau cuộc tổng tuyển cử trước thời hạn hồi tháng Sáu, khiến tiến trình đàm phán Brexit trở nên khó đoán định, trong khi châu Âu chưa thể giải quyết được những thách thức chung về an ninh và khủng hoảng người di cư.
Cùng với đó, tốc độ tăng trưởng GDP của các nền kinh tế mới nổi đang chậm lại do nhiều yếu tố cản trở, trong khi sự phục hồi của các nền kinh tế phát triển vẫn hết sức mong manh, dẫn tới thế giới chưa thể tận dụng những cơ hội mà cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 tạo ra, khi những thách thức kèm theo về thể chế, lao động cũng đang làm chệch hướng phát triển ở nhiều nơi.
Kinh tế toàn cầu tuy tăng trưởng tích cực hơn, song không bền vững và vẫn đứng trước nhiều nguy cơ. Thêm vào đó, việc Mỹ rút khỏi Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu đã thực sự phủ bóng đen lên những nỗ lực toàn cầu nhằm đạt được những mục tiêu quan trọng, để bảo đảm có được sự tăng trưởng bền vững trên thế giới.
Hợp tác đa phương - giải pháp duy nhất
Trước thềm Hội nghị, Chủ tịch G20 - Thủ tướng Đức Angela Merkel cho biết, chương trình nghị sự năm nay, các nhà lãnh đạo G20 sẽ tập trung vào các vấn đề mà những người biểu tình ủng hộ, trọng tâm hơn vào các vấn đề toàn cầu, tăng trưởng kinh tế toàn diện và bền vững, sự phân phối tài sản và sử dụng các tài nguyên, cùng với những vấn đề liên quan như thị trường tự do, bảo vệ người tiêu dùng, chống biến đổi khí hậu và duy trì các tiêu chuẩn xã hội...
Phát biểu trước Quốc hội Đức hồi tuần trước, bà Merkel cũng đã cam kết sẽ đấu tranh và thể hiện rõ quan điểm về bảo vệ môi trường và tự do thương mại, thúc đẩy các nỗ lực đa phương nhằm chống lại biến đổi khí hậu và bảo hộ thương mại tại hội nghị lần này. Bà khẳng định, hợp tác đa phương, trong đó có G20 – khu vực chiếm 2/3 dân số, 90% GDP và 80% thương mại toàn cầu, là giải pháp duy nhất cho những thách thức nói trên.
Một trong những vấn đề được chủ nhà Đức đề cập tới là phối hợp chặt chẽ hơn với châu Phi để thu hẹp khoảng cách giữa người giàu và người nghèo, đồng thờ̀i tránh sự bất ổn toàn cầu. Nộ̣i dung nà̀y sẽ được đưa vào chương trình nghị̣ sự̣, nhằ̀m giải quyết nguyên nhân gốc rễ của việc di cư hàng loạt từ các nước kém phát triển sang các nước phát triển. Quan tâm hơn đế́n châu Phi và giải quyết các vấn đề bao trùm. Phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới về châu Phi hồi tháng Năm, Bộ trưởng Tài chính Đức Wolfgang Schauble đã nhấn mạnh, "Người nhập cư châu Phi đang chạy trốn nghèo đói, thiên tai, biến đổi khí hậu và chiến tranh. Nếu chúng ta không ổn định được lục địa này trong những năm tới và thập kỷ tới, chúng ta sẽ phải đối mặt với những nguy cơ về địa chính trị ngày càng gia tăng".
Như vậy, thay vì chỉ chú trọng vào sự thịnh vượng của đất nước mình, G20 được cho là ngày càng có vai trò lớn hơn trong nỗ lực chung giải quyết các vấn đề toàn cầu. Giới chuyên gia kỳ vọng, Hội nghị thượng đỉnh G20 lần này có thể phát đi tín hiệu tích cực thúc đẩy toàn cầu hóa trước những bất ổn gia tăng, qua đó cho rằng, thế giới cần đến G20 như là một nền tảng ngoại giao đa phương nhằm truyền đạt thông điệp đúng đắn đến với cộng đồng quốc tế.
Tuy nhiên, mục tiêu thì bao giờ cũng tốt đẹp hơn thực tế, phát biểu tại cuộc họp báo về Hội nghị Thượng đỉnh G20 ngày 3/7, Thủ tướng Merkel nhấn mạnh, bà không nghĩ rằng các bên sẽ thống nhất quan điểm về tất cả các vấn đề vào phút chót, nhưng vẫn là tốt hơn khi có thể thẳng thắn trao đổi về tất cả các vấn đề đó.