Covid-19 là yếu tố khiến thế giới năm 2021 trở nên vô cùng bất định. (Nguồn: WHO) |
Covid-19 chưa biến mất
Hơn 5 triệu người đã thiệt mạng vì Covid-19 cho dù gần 8 tỷ liều vaccine đã được tiêm. Trong khi đó, các nước nghèo vẫn đang phải chật vật để có được vaccine.
Nhiều nước trên thế giới phải áp dụng các biện pháp cách ly và phong tỏa mới, đặc biệt các biện pháp này đã kéo dài lâu hơn dự định ở các thành phố lớn của Australia. Tuy nhiên, các biên giới đang dần được mở cửa trở lại và Thế vận hội mùa Hè vẫn được tổ chức ở Tokyo sau 1 năm trì hoãn với các sân vận động vắng người.
Đến cuối năm, châu Âu đã chứng kiến một làn sóng lây nhiễm mới và một số nước đã phải tái áp đặt các biện pháp hạn chế.
Tuy nhiên, ngay khi các cuộc thử nghiệm lâm sàng thành công về thuốc điều trị Covid-19 mang lại hy vọng thế giới sẽ được trở về trạng thái bình thường, những lo ngại về biến thể mới Omicron có khả năng lây nhiễm cao lại nổi lên.
Mỹ: Hỗn loạn ở Đồi Capitol
Ngày 6/1, hàng trăm người ủng hộ cựu Tổng thống Donald Trump đã xông vào tòa nhà Quốc hội Mỹ ở Đồi Capitol, vốn là biểu tượng của nền dân chủ Mỹ, để tìm cách ngăn Quốc hội xác nhận chiến thắng của ông Joe Biden trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2 tháng trước đó. Vụ việc này đã gây chấn động thế giới.
Ông Biden đã tuyên thệ và trở thành tổng thống thứ 46 của Mỹ 2 tuần sau đó và ông Trump đã phá vỡ truyền thống 152 năm của đất nước khi từ chối tham gia lễ nhậm chức của người kế nhiệm.
Ngày 13/2, ông Trump đã không bị kết tội kích động bạo lực ở Đồi Capitol sau phiên luận tội lịch sử lần thứ hai nhờ vào sự đoàn kết của các thành viên đảng Cộng hòa ở Thượng viện.
Năm của các cuộc đảo chính
Ngày 1/2, ngay trước kỳ họp đầu tiên của Quốc hội mới được bầu, quân đội Myanmar (Tatmadaw) ban bố tình trạng khẩn cấp, phế truất chính quyền dân sự, bắt giữ Tổng thống Win Myint, Cố vấn Nhà nước, Chủ tịch Đảng Liên minh Quốc gia vì dân chủ (NLD) Aung San Suu Kyi và các thành viên nội các, Quốc hội, trao quyền lực cho chính quyền quân sự, do Thống tướng, Tổng tư lệnh Min Aung Halaing đứng đầu.
Ngày 24/5, Đại tá Assimi Goita của Mali đã thực hiện cuộc đảo chính thứ hai chỉ trong vòng 10 tháng tại quốc gia Tây Phi này.
Tại Tunisia, vào tháng 7, Tổng thống Kais Saied nắm quyền lực đã tuyên bố rằng có "những mối nguy hiểm sắp xảy ra" ở đất nước từng được ca ngợi là tia hy vọng từ Mùa xuân Arab này.
Tổng thống Guinea Alpha Conde bị lật đổ trong một cuộc đảo chính quân sự vào ngày 5/9.
Ở Sudan, trong cuộc đảo chính ngày 25/10, quân đội đã bắt giữ các thành viên dân sự của chính phủ chuyển tiếp được thành lập sau cuộc lật đổ nhà độc tài Omar al-Bashir năm 2019.
Xung đột giữa Hamas và Israel
Ngày 3/5, bạo lực đã bùng nổ giữa Israel và Palestine sau các cuộc đụng độ ở khu Sheikh Jarrah, phía Đông Jerusalem.
Nguyên nhân xuất phát từ một nỗ lực kéo dài nhiều năm của những người định cư Do Thái để chiếm các ngôi nhà của người Arab. Hàng trăm người đã bị thương khi bạo lực lan đến đền thờ Hồi giáo Al-Aqsa. Một tuần sau cuộc đụng độ đầu tiên, phong trào Hồi giáo Hamas-lực lượng đang nắm quyền kiểm soát ở Dải Gaza-đã bắn rocket vào Israel. Israel đã tấn công đáp trả, dẫn đến cuộc chiến kéo dài 11 ngày, khiến 260 người Palestine thiệt mạng. Phía Israel có 13 người thiệt mạng, trong đó có 1 quân nhân.
Ngày 13/6, Israel có chính phủ mới với người đứng đầu là Thủ tướng Naftali Bennett theo đường lối cứng rắn, chấm dứt 12 năm cầm quyền của ông Benjamin Netanyahu.
Người dân hoảng loạn tại sân bay Kabul. (Nguồn: AP) |
Taliban trở lại nắm quyền tại Afghanistan
Ngày 15/8, sau một cuộc tấn công chớp nhoáng sau khi binh sỹ Mỹ và Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) rút lui, Taliban đã tiến vào Kabul mà không gặp phải sự kháng cự nào. Lực lượng này đã giành lại quyền lực tại Afghanistan 20 năm sau khi bị liên minh quốc tế do Mỹ dẫn đầu lật đổ.
Nhiều người hoảng loạn đổ xô tới sân bay Kabul để cố gắng chạy trốn trong khi các nhà ngoại giao, người nước ngoài và người Afghanistan đang được sơ tán trong hỗn loạn. Một số người đã thiệt mạng vì chen lấn xô đẩy, còn nhiều người khác bị sát hại trong một vụ đánh bom liều chết.
Những binh lính Mỹ cuối cùng còn lại cũng rút khỏi Afghanistan vào ngày 30/8, đánh dấu sự kết thúc đầy kịch tính của cuộc chiến dài nhất trong lịch sử nước Mỹ.
Châu Âu rung chuyển
Anh, quốc gia đã rời khỏi thị trường chung của Liên minh châu Âu (EU) vào ngày 1/1 đang bị khó khăn bủa vây khi các kệ hàng trống không và phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng nhiên liệu vì thiếu lao động, đặc biệt là tài xế xe tải.
Brexit cũng tạo ra căng thẳng ở Bắc Ireland cũng như giữa Vương quốc Anh và các nước láng giềng trong vấn đề ngư nghiệp và người di cư.
Một cuộc khẩu chiến nổ ra giữa Anh với Pháp sau khi 27 người di cư thiệt mạng khi thuyền của họ bị chìm ở Eo biển Manche vào tháng 11.
Tại Đức, Thủ tướng Angela Merkel chuẩn bị rút lui sau 16 năm cầm quyền và gây bất ngờ cho thế giới khi yêu cầu phát một bản nhạc punk trong buổi lễ chia tay chính thức. Nhà lãnh đạo Đảng Dân chủ Xã hội Olaf Scholz, liên minh cùng với Đảng Xanh và Đảng Dân chủ Tự do, đang chuẩn bị thay thế vị trí của bà Merkel trước Giáng sinh.
Một cuộc tranh cãi đã bùng nổ tại EU sau phán quyết ngày 7/10 của Tòa án Hiến pháp Ba Lan, trong đó nói rằng luật châu Âu chỉ có thể được áp dụng trong các lĩnh vực cụ thể, khiến Ba Lan phải đối đầu với phần còn lại của khối.
Khí hậu khắc nghiệt
Các chuyên gia của Liên hợp quốc (LHQ) cảnh báo trong một báo cáo hồi tháng 6 rằng sự nóng lên trên toàn cầu đã vượt quá mức 1,5 độ C có thể gây ra "hậu quả kéo dài hàng thế kỷ và... không thể đảo ngược".
Trong khi đó, các hiện tượng khí hậu khắc nghiệt đã xảy ra trên khắp thế giới, từ lũ lụt thảm khốc ở Đức và Bỉ đến các trận cháy rừng kinh hoàng và kéo dài ở Mỹ, Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, Hy Lạp, Tây Ban Nha và Algeria.
Hiện tượng "vòm nhiệt" xảy ra hồi tháng 6 ở miền Tây Canada đã đẩy nhiệt độ lên gần 50 độ C.
Vào tháng 11, gần 200 quốc gia tham dự Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của LHQ về biến đổi khí hậu (COP26) ở Glasgow (Anh) đã cam kết đẩy nhanh cuộc chiến chống lại tình trạng nhiệt độ gia tăng.
Tuy nhiên, theo các nhà khoa học, các cam kết đó không đủ để ngăn chặn sự gia tăng nhiệt độ nguy hiểm.
Khủng hoảng di cư Ba Lan-Belarus
Vào tháng 11, hàng nghìn người di cư, chủ yếu từ Trung Đông, đang phải sống tạm bợ ở biên giới của Belarus giáp với Ba Lan dưới nhiệt độ lạnh cóng để tìm cách vào EU.
Phương Tây cáo buộc Minsk đẩy dòng người tị nạn này tới biên giới để đáp trả các lệnh trừng phạt của EU. Belarus và Nga phủ nhận việc châm ngòi cho cuộc khủng hoảng này và đả kích EU vì không tiếp nhận những người tị nạn.
| Biên giới Ba Lan nóng rẫy, châu Âu vào cuộc, Belarus phản pháo Ngày 9/11, Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki cho rằng, làn sóng người di cư chưa từng có đang cố gắng nhập cảnh trái phép ... |
| Các biến thể Covid-19 mới có tiếp tục xuất hiện và nguy hiểm hơn? Trong tương lai có thể xuất hiện thêm những biến thể mới lách được vaccine và miễn dịch tự nhiên nhưng khó lây lan nhanh ... |