Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris kết thúc chuyến thăm Singapore vào ngày 24/8 trước khi lên đường sang Việt Nam. (Nguồn: AP) |
Tâm điểm của báo chí
CNN (Mỹ) dẫn phát biểu của Văn phòng Phó Tổng thống Mỹ, theo đó chính quyền của Tổng thống Joe Biden “coi châu Á là khu vực đặc biệt quan trọng trên thế giới”.
Vì thế, chuyến thăm của bà Kamala Harris “nhấn mạnh tầm quan trọng của các cam kết toàn diện và quan hệ đối tác, cấu phần then chốt trong cách tiếp cận của Washington về đối ngoại”.
Washington Post (Mỹ) nhấn mạnh Phó Tổng thống Kamala Harris là lãnh đạo cấp cao nhất của Mỹ tới Đông Nam Á kể từ khi ông Joe Biden nắm quyền với cam kết củng cố quan hệ với đồng minh và đối tác.
Một quan chức nước này khẳng định: “Đã đến lúc chúng ta tăng cường sự hiện diện tại khu vực, tập trung vào các vấn đề then chốt, xây dựng và củng cố quan hệ đối tác chặt chẽ với những quốc gia quan trọng như Singapore và Việt Nam, bởi một hành động hơn vạn lời nói”.
Theo đó, một vấn đề được thảo luận tại Việt Nam là thương mại và chuỗi cung ứng. Việt Nam có vai trò quan trọng trong xuất khẩu vi mạch, nguyên liệu đang khan hiếm ở Mỹ thời gian qua.
Tương tự, Nikkei Asia (Nhật Bản) cho rằng Singapore và Việt Nam là hai đối tác đặc biệt quan trọng với nền kinh tế Mỹ.
Singapore là trung tâm tài chính khu vực, có nhiều trụ sở lớn của các tập đoàn hàng đầu của Mỹ như Microsoft, Google. Đồng thời, đảo quốc sư tử đang trở thành một trong những trung tâm sản xuất bộ vi xử lý của châu Á.
Việt Nam có vai trò then chốt trong chuỗi cung ứng toàn cầu, đặc biệt về bán dẫn, sau khi nhiều công ty dịch chuyển khỏi Trung Quốc.
Các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là Vinfast thuộc tập đoàn Vingroup, có kế hoạch xuất khẩu ô tô điện sang thị trường Mỹ, nơi nhu cầu cho phương tiện di chuyển thân thiện với môi trường đang tăng mạnh.
Do đó, củng cố chuỗi cung ứng, thúc đẩy thương mại song phương là chủ đề chính trong chương trình nghị sự của bà Kamala Harris tại Việt Nam.
“Đã đến lúc chúng ta tăng cường sự hiện diện tại khu vực, tập trung vào các vấn đề then chốt, xây dựng và củng cố quan hệ đối tác chặt chẽ với những quốc gia quan trọng như Singapore và Việt Nam, bởi một hành động hơn vạn lời nói”. |
Kỳ vọng của chuyên gia
Giới quan sát quốc tế cũng đưa ra nhiều nhận định về chuyến thăm Việt Nam từ ngày 24-26/8 của Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris.
Theo Giáo sư Carl Thayer (Đại học New South Wales, Australia), nhiều thế hệ lãnh đạo Mỹ, từ ông Barack Obama, Donald Trump và giờ là ông Joe Biden, coi Việt Nam là quốc gia ổn định về chính trị và có đóng góp quan trọng vào an ninh khu vực với vai trò dẫn dắt của mình.
Ông Thayer cho rằng chuyến thăm Việt Nam của nhân vật số 2 trong nội các Mỹ gồm có hai ưu tiên chính.
Đầu tiên, Phó Tổng thống Mỹ đề cập các vấn đề thế giới và khu vực như giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu, an ninh mạng và hợp tác giữa Mỹ và Đông Nam Á nhằm xây dựng trật tự quốc tế dựa trên luật lệ, bao gồm tự do thương mại trên Biển Đông và hợp tác an ninh khu vực.
Thêm vào đó, bà Kamala Harris thảo luận về củng cố quan hệ đối tác toàn diện Việt-Mỹ, mở rộng hợp tác trong các lĩnh vực chính trị-ngoại giao, thương mại-kinh tế, khoa học và công nghệ, giáo dục, sức khỏe-môi trường, hậu quả chiến tranh, quyền con người và giao lưu nhân dân.
Theo ông Gregory Poling, chuyên gia nghiên cứu về Đông Nam Á thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế tại Washington (Mỹ), chìa khóa thành công trong chuyến thăm kéo dài 3 ngày nằm ở cam kết của Mỹ trong hỗ trợ khu vực chống dịch Covid-19. Chuyên gia này nhìn nhận đây là cơ hội tốt để bà Harris xây dựng uy tín về chính sách tại khu vực then chốt này.
Tiến sỹ Lê Hồng Hiệp, nhà nghiên cứu cao cấp tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á Yusof Ishak (ISEAS) ở Singapore, nhận định rằng quan hệ Việt-Mỹ đang phát triển mạnh mẽ hơn bao giờ hết.
Theo ông, vị thế Việt Nam trong mắt Mỹ ở mức cao nhất từ khi hai bên bình thường hóa quan hệ. Ngược lại, Việt Nam coi trọng vai trò của Mỹ về mặt kinh tế, an ninh-quốc phòng và chiến lược.
Khi đó, chuyến thăm của Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris tới Việt Nam góp phần củng cố hơn quan hệ song phương, thúc đẩy hợp tác trong nhiều vấn đề hai bên có chung lợi ích từ kinh tế-thương mại tới an ninh quốc gia, đồng thời tái khẳng định cam kết của Mỹ đối với khu vực.