Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đang khiến mối quan hệ giữa hai cường quốc hàng đầu thế giới trở nên căng thẳng. Không chỉ doanh nghiệp nội địa mà những nhà đầu tư nước ngoài ở Trung Quốc cũng loay hoay tìm ngã rẽ bởi sự leo thang của cuộc chiến.
Giải pháp cho thương chiến Mỹ - Trung?
Hiện tại, khó có thể dự đoán chính xác cuộc chiến sẽ đi về đâu với kết quả như thế nào. Nhiều giải pháp nhằm hạ nhiệt căng thẳng đã được cả hai bên đưa ra. Nhưng dường như cần thêm một giải pháp nữa: thể thao bóng bàn chẳng hạn. Thể thao - ngoại giao bóng bàn đã từng là chất xúc tác để hai nước chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thủ tướng Nhật Shinzo Abe cùng nhau chơi Golf trong chuyến thăm Nhận Bản, tháng 11/2017. (Nguồn: Kyodo News). |
Tháng 4/1971, vào lúc cao điểm của Chiến tranh Lạnh, cả thế giới kinh ngạc khi đội tuyển bóng bàn Mỹ được đối thủ không đội trời chung Trung Quốc mời tới thi đấu ở Bắc Kinh. Ngày 6/4/1971, Bắc Kinh đưa ra một đề nghị giật gân: mời đội tuyển bóng bàn Mỹ đang dự giải vô địch thế giới tại Nhật Bản sang Trung Quốc thi đấu giao hữu, phía Trung Quốc lo chi phí. Từ ngày 11-17/4, các thành viên của đội tuyển Mỹ đã thi đấu giao lưu với các tay vợt Trung Quốc, thăm Tử Cấm Thành và Vạn lý Trường thành, tận mắt chứng kiến cuộc sống của người dân Trung Quốc. Đây là chuyến thăm chính thức đầu tiên của người Mỹ đến Trung Quốc kể từ năm 1949.
Ngày 14/4/1971, Mỹ bãi bỏ lệnh cấm vận thương mại chống lại Trung Quốc. Và trong năm 1972, các vận động viên bóng bàn Trung Quốc đã đến thăm nước Mỹ. Họ cũng thi đấu giao hữu với các tay vợt chủ nhà, và đã dành nhiều thời gian tham quan, làm quen với đời sống nước Mỹ.
Ngoại giao bóng bàn đã tạo ra một nền tảng chính trị thuận lợi cho các chuyến đi đến Trung Quốc của Henry Kissinger (lúc đó là cố vấn an ninh quốc gia) vào ngày 7/10/1971. Trong chuyến thăm đầu tiên của mình, ông nhấn mạnh “Mỹ không còn là kẻ thù, sẽ không cô lập và sẽ ủng hộ Trung Quốc trở thành thành viên Liên hợp quốc…”.
Đó là ngoại giao bóng bàn thời Chiến tranh Lạnh. Nhưng hiện nay, có thể “Ngoại giao golf” giữa các nhà lãnh đạo Mỹ - Trung cũng có thể là một giải pháp khả thi cho những bất đồng trong cuộc thương chiến giữa hai nước.
Sức mạnh mềm
Thể thao - sức mạnh mềm trong ngoại giao đã giúp nhiều quốc gia khẳng định được “thương hiệu” quốc gia và tăng cường quảng bá giá trị văn hóa.
Thể thao cũng đã góp phần xua đi chiến tranh và mang tới hòa bình. Trong lịch sử, bên cạnh ngoại giao bóng bàn Mỹ - Trung còn có ngoại giao bóng chày Mỹ - Cuba, ngoại giao cricket Ấn Độ - Pakistan, ngoại giao bóng rổ giữa Hy Lạp - Thổ Nhĩ Kỳ và ngoại giao bóng đá Australia - Palestine.
Những sự kiện thể thao tầm quốc tế cũng đã và đang góp phần mang lại lợi ích cho những quốc gia đăng cai làm chủ nhà. Để minh chứng cho điều này phải kể đến World Cup 2014 và Thế vận hội Olympic 2016 tại Brazil đã phần nào nâng cao hình ảnh tích cực của Brazil như một cường quốc khu vực. Asian Games lần thứ 18 vừa qua cũng được coi là một thành công cho Indonesia và nâng tầm vị thế của quốc đảo này. Indonsia đang hướng tới tổ chức Thế vận hội mùa hè 2032 và cũng có thể là World Cup trong tương lai.
Đôi lúc, thể thao còn “thay lời muốn nói”, thể hiện sự phản đối trước một chính sách của quốc gia nào đó mà không cần phải đưa ra một tuyên bố rõ ràng. Mỹ đã tẩy chay Thế vận hội Mùa hè ở Moscow vào năm 1980 như một phản ứng đối với sự can dự của Liên Xô tại Afghanistan. Nam Phi đã không được quyền tham gia Thế vận hội trong thời kỳ Apartheid suốt gần 2 thập kỷ.
Như vậy, ngoại giao thể thao có thể mang đến hiệu quả như các chiến thuật ngoại giao truyền thống khác, đặc biệt trong bối cảnh thể thao đang trở thành sức hấp dẫn toàn cầu và thông qua thi đấu, tình bạn, tình hữu nghị có thể “đơm hoa, kết trái”. Thể thao đã minh chứng có thể thúc đẩy văn hóa, lịch sử và cải thiện quan hệ kinh tế giữa các quốc gia mà không cần phải sử dụng tới chính sách hoặc quyền lực cứng.
Với những câu chuyện thành công về đối ngoại mà thể thao đang tạo ra, chúng ta hoàn toàn có thể hy vọng thứ sức mạnh mềm này có thể tháo gỡ những bất đồng và làm ấm những cặp quan hệ Israel – Palestine, Thổ Nhĩ Kỳ - Armenia, Hàn Quốc – Triều Tiên, mở ra những chương đẹp trong lịch sử quan hệ quốc tế.