Đại sứ Nguyễn Trung Kiên điều hành Cuộc họp lần thứ 62 Nhóm công tác A của CTBTO. |
Ông Floyd cho biết tính đến tháng 10/2022, đã có thêm 6 nước đệ trình lên Tổng thư ký Liên hợp quốc Văn kiện phê chuẩn Hiệp ước, gồm Dominica, Equatorial Guinea, Gambia, Sao Tome và Principe, Timor Leste và Tuvalu, qua đó đưa tổng số nước ký, phê chuẩn CTBTO lên lần lượt là 186 và 176.
Hiệp ước CTBT ra đời vào ngày 24/9/1996 với mục đích cấm tất cả các vụ thử hạt nhân trên Trái đất, kể cả các vụ thử vì mục đích hòa bình. Tuy nhiên, đến nay Hiệp ước CTBT vẫn chưa có hiệu lực.
Để có hiệu lực thi hành, CTBT cần phải có sự phê chuẩn của 44 quốc gia thuộc danh sách Phụ lục II (các quốc gia sở hữu công nghệ hạt nhân). Hiện đã có 36/44 các quốc gia này đã phê chuẩn, trong đó có Nga, Anh và Pháp. Trong số 8 quốc gia còn lại, có 5 quốc gia đã ký nhưng chưa phê chuẩn CTBT là Mỹ, Trung Quốc, Ai Cập, Israel, Iran và 3 quốc gia chưa ký Hiệp ước là Ấn Độ, Triều Tiên và Pakistan.
Mặc dù sứ mệnh chính của Tổ chức là thúc đẩy việc Hiệp ước sớm có hiệu lực, trong hơn 20 năm qua Tổ chức CTBTO đã thiết kế mạng lưới quan trắc hạt nhân phóng xạ mang tên Hệ thống quan trắc quốc tế (IMS) nhằm tìm kiếm, phát hiện và cung cấp bằng chứng về các vụ nổ hạt nhân có thể xảy ra trong mọi môi trường trên Trái Đất.
Hệ thống IMS của CTBTO gồm 321 trạm quan trắc được phân bố khắp nơi trên thế giới, xác định vụ nổ thông qua các hiệu ứng song địa chấn trong lòng đất, song thủy âm trong lòng đại dương hay song hạ âm trong khí quyển. Vì vậy, bên cạnh mục đích xác định các vụ nổ hạt nhân, hệ thống IMS góp phần không nhỏ trong các công tác dự báo, cảnh báo thiên tai, động đất, sóng thần, mang tính ứng dụng cao.
Trong vai trò Chủ tịch Nhóm công tác A của CTBTO nhiệm kỳ 2022-2024, Đại sứ Việt Nam Nguyễn Trung Kiên đã chủ trì điều hành cuộc họp lần thứ 61 và 62 của Nhóm công tác trong năm 2022 và chịu trách nhiệm báo cáo kết quả cuộc họp tại Kỳ họp thường niên lần thứ 59 của Ủy ban trù bị CTBTO, dự kiến diễn ra trong tháng 11/2022 sắp tới.