Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đón và tiến hành hội đàm Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao và các vấn đề châu Âu Cộng hòa Slovenia Tanja Fajon, ngày 23/5/2023 tại Hà Nội. (Ảnh: Tuấn Anh) |
30 năm quan hệ ngoại giao giữa hai quốc gia (7/6/1994-7/6/2024) không phải là dài. Slovenia giành độc lập từ năm 1991 nên cũng là quốc gia non trẻ. Những mảnh ghép nào gợi tả rõ nhất về bức tranh quan hệ Việt Nam-Slovenia trong ba thập kỷ qua, thưa Đại sứ?
Hai nước có quan hệ ngoại giao 30 năm qua, nhưng thực ra đi ngược dòng thời gian, Slovenia từng là một phần của Cộng hòa Nam Tư cũ. Cộng hòa Nam Tư cũ có quan hệ rất chặt chẽ và ủng hộ Việt Nam từ thời chúng ta còn đấu tranh giải phóng dân tộc đến thống nhất đất nước. Lãnh tụ Nam Tư Josip Broz Tito rất ủng hộ Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, ủng hộ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa mà sau này là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Năm 1991, Slovenia tách khỏi Cộng hòa Nam Tư và năm 1994 thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam. Đây là mối quan hệ chính trị mới nhưng có thể khẳng định tình cảm, hiểu biết của người Slovenia đối với Việt Nam cũng như sự nghiệp giải phóng dân tộc của người Việt Nam đã có từ rất lâu.
Một điều tôi cảm nhận rất rõ là khi mới giao lưu với các bạn Slovenia, hai bên có cảm giác như những người bạn mới. Nhưng ở với nhau lâu hơn, giao lưu lâu hơn thì tình cảm cũ, từ ngày hai nước ủng hộ nhau trong phong trào giải phóng dân tộc lại gợi lên rất rõ, được thể hiện bằng sự tin cậy, cảm thông chân tình.
So với chỉ ba thập kỷ quan hệ ngoại giao, những kết quả cụ thể và thực chất hai nước đã làm được cho quan hệ song phương là rất lớn.
Điều đó thể hiện ở một số khía cạnh dễ nhận thấy. Trước hết, mặc dù thời gian thiết lập quan hệ ngoại giao chưa lâu nhưng hai nước đã tiến hành các cuộc tiếp xúc lãnh đạo cấp cao, như Chủ tịch nước ta tiếp xúc Tổng thống bạn tại các diễn đàn đa phương, bên cạnh đó là các chuyến thăm của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Slovenia đến Việt Nam, các chuyến thăm cấp Bộ trưởng đến Slovenia, hai nước thiết lập cơ chế Ủy ban Liên chính phủ Việt Nam-Slovenia từ năm 2017.
Bên cạnh đó, kim ngạch thương mại song phương đến thời điểm hiện tại là hơn 500 triệu USD/năm, con số không hề nhỏ so với quy mô kinh tế hai nước. Mặc dù gặp phải những khó khăn trong các vấn đề như giao thông, thanh toán, bối cảnh chung của nền kinh tế thế giới, nhưng kim ngạch thương mại trong và sau đại dịch Covid-19 chỉ theo chiều hướng tăng. Đây là tín hiệu rất tích cực.
Có thể khẳng định, “tuổi” 30 còn non trẻ nhưng với di sản quý giá của quan hệ từ trong lịch sử cùng với quyết tâm lớn, hai nước đã có những bước đi thực chất thúc đẩy quan hệ song phương và hướng về tương lai tốt đẹp phía trước.
Thứ trưởng Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng với đại diện kiều bào và Đại sứ quán Việt Nam tại Slovenia tại Lễ kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Slovenia (1994-2024) ở thủ đô Ljubljana, Slovenia, ngày 11/3. (Ảnh: Bảo Chi) |
Một năm, Đại sứ tới Slovenia bao nhiêu lần, những điều Đại sứ trăn trở cho mỗi chuyến đi là gì và đến nay có câu chuyện nào ấn tượng mà Đại sứ muốn kể lại về những hành trình đó?
Là cơ quan ngoại giao ở nước ngoài được Đảng, Nhà nước giao những trọng trách về cả song phương (với Áo, Slovenia) và đa phương (đại diện tại các tổ chức Liên hợp quốc tại Vienna), khối lượng công việc của chúng tôi khi vơi lại đầy, tuy nhiên, chưa khi nào chúng tôi ngừng cố gắng, luôn làm hết sức mình trước tất cả các cơ hội để có thể mang lại lợi ích cho nhân dân và đất nước.
Với quyết tâm đó, trong quan hệ ngoại giao với Slovenia, tôi luôn cố gắng thúc đẩy quan hệ tốt nhất với bạn. Quan hệ ngoại giao cũng giống như quan hệ giữa con người, “xa mặt cách lòng”, chỉ khi tiếp xúc, gặp gỡ thường xuyên, hai bên mới có cơ hội khai thác, thúc đẩy hợp tác. Với suy nghĩ đó, tôi luôn tìm cơ hội trực tiếp thăm hoặc cử đoàn công tác của Đại sứ quán kết hợp với các đoàn trong nước để tới Slovenia nhiều nhất có thể.
Có thể nói, trong giai đoạn đại dịch Covid-19 và giai đoạn 2021-2022, khi Việt Nam là thành viên Hội đồng Thống đốc IAEA, khối lượng công việc lớn cộng thêm với việc đi lại khó khăn nên công tác của tôi tại Slovenia gặp nhiều trở ngại. Những năm 2021-2023, mỗi quý Đại sứ quán ít nhất một lần sang làm việc ở Slovenia. Sang năm 2024 thì tăng cường thăm và làm việc hằng tháng để thúc đẩy quan hệ kinh tế và kỷ niệm 30 năm quan hệ ngoại giao. Sự hiện diện của Việt Nam tại Slovenia thời gian qua khá dày đặc.
Chính vì vậy, khi ta đề xuất với phía Slovenia, bạn đáp ứng rất tích cực vì thường xuyên thấy sự có mặt của Đại sứ quán Việt Nam, dù là kiêm nhiệm nhưng luôn có sự hiện diện ở các thành phố lớn như Ljubljana, Maribor, Bled - những trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội của bạn.
Từ năm ngoái, có nhiều chuyến thăm làm việc của ta sang Slovenia. Chính các hoạt động dày đặc và thường xuyên giúp hai bên thêm hiểu biết chặt chẽ hơn, thông qua đó tìm ra những cơ hội hợp tác mới.
Phía Slovenia đánh giá rất cao quyết tâm của Việt Nam trong thúc đẩy qua hệ song phương. Ngày 7/6, nhân dịp kỷ niệm 30 năm quan hệ ngoại giao, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao của bạn dự kiến có thư chúc mừng gửi đến phía ta và trả lời phỏng vấn báo chí, thể hiện sự quan tâm, mong muốn thúc đẩy quan hệ hai nước lên mức cao hơn nữa.
Về cá nhân, cho đến khi kết thúc nhiệm kỳ, tôi sẽ còn quay lại Slovenia nhiều lần vì công việc và cũng vì những tình cảm của tôi dành cho đất nước này. Tôi cảm nhận rằng, Slovenia và Việt Nam có sự cảm thông sâu sắc dành cho nhau, đều nằm ở những vị trí địa chính trị quan trọng, luôn cần ứng phó linh hoạt, vừa nguyên tắc, vừa khôn khéo nhưng cũng cần bản lĩnh.
Bên cạnh đó, tôi thấy rằng quan hệ Việt Nam-Slovenia còn nhiều dư địa để tiếp tục nâng cấp. Nếu người Việt ta rất hiểu về thị trường Đức, Pháp, Anh, Hà Lan, thì hiểu về thị trường Áo còn chưa nhiều, càng chưa hiểu bao nhiêu về Slovenia. Do vậy, còn nhiều cơ hội và nếu khai thác tốt thì có thể tạo ra tăng trưởng hơn nữa cho quan hệ song phương.
Đại sứ Nguyễn Trung Kiên làm việc với đại diện Bộ Kinh tế, Phát triển và Công nghệ Slovenia, tại thủ đô Ljubljana, tháng 7/2022. (Nguồn: NVCC) |
Đại sứ từng chia sẻ rằng khi nhìn vào quy mô dân số của Slovenia, chúng ta nên kỳ vọng vào chất lượng của thị trường hơn là số lượng. “Chất lượng” mà Đại sứ nhấn mạnh nằm ở những lĩnh vực tiềm năng nào?
Kỳ vọng về chất lượng tôi muốn nhấn mạnh ở đây là việc khai thác được tiềm năng của hai nước để mang lại giá trị thực. Nếu chỉ nhìn vào số lượng với hai triệu dân, Slovenia không phải thị trường nhập khẩu lớn. Hiện nay, xuất khẩu từ Việt Nam sang Slovenia đạt trên 400 triệu USD, bạn xuất khẩu sang ta chỉ hơn 100 triệu USD. Khả năng con số này tăng lên không nhiều vì bạn là thị trường không đông dân.
Thế nhưng vì sao hợp tác vẫn có thể mang lại kết quả? Nếu ta tăng nhập khẩu từ Slovenia với các sản phẩm máy móc, thiết bị có hàm lượng công nghệ sẽ mang lại những lợi ích thiết thực, giúp Việt Nam tạo ra nhiều sản phẩm để xuất khẩu sang thị trường khác, không chỉ thị trường Slovenia. Do đó, ta có thế nghiên cứu tăng nhập khẩu các trang thiết bị có hàm lượng công nghệ cao để phục vụ sản xuất, xuất khẩu và làm giàu nền kinh tế trong nước về mặt chất lượng. Tôi cho rằng, đây chính là bước đầu tiên phải làm.
Bước thứ hai tôi muốn nhấn mạnh là khai thác việc kết nối, hợp tác. Slovenia là nước nhỏ nhưng có hàm lượng công nghệ rất cao. Họ có những công ty, doanh nghiệp rất ít nhân lực nhưng có công nghệ hàng đầu thế giới như hệ thống thiết bị điện tử quản lý đường bộ, cao tốc, hay những cụm thiết bị trí tuệ nhân tạo để quản lý ở sân bay... Nếu ta hợp tác, nâng được trình độ phát triển các ngành đó ở Việt Nam sẽ rất tốt.
Năm ngoái, lần đầu tiên Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Slovenia thăm Việt Nam kể từ năm 1994. Tháng Ba vừa qua, tham vấn chính trị giữa hai nước rất thành công. Đại sứ đánh giá như thế nào về quyết tâm của hai nước trong việc tạo bước chuyển trong quan hệ song phương?
Tôi nhận thấy, với quan hệ Việt Nam - Slovenia hiện nay, mong muốn, nhu cầu thật từ doanh nghiệp và người dân đã rõ ràng, quyết tâm chính trị ở cấp cao cũng sẵn sàng. Việc trao đổi chuyến thăm có giá trị nhất định trong việc tạo cú hích để thúc đẩy quan hệ hai nước tiến thêm những bước mới.
Thời gian tới, mong rằng sẽ sớm có đoàn Phó Chủ tịch nước ta thăm Slovenia. Ngoài ra, bên cạnh các chuyến thăm của Bộ Ngoại giao, Bộ Công thương, tôi hy vọng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội sẽ cân nhắc phối hợp thăm các nước trung Âu, trong đó có Slovenia để tìm hướng thúc đẩy hợp tác lao động.
Bên cạnh đó, tôi nghĩ rằng vai trò của địa phương rất quan trọng, bởi sau cùng, địa phương và các doanh nghiệp mới là lực lượng thúc đẩy hoạt động kinh tế, từ đó tạo nền tảng cho hoạt động hợp tác chính trị. Tôi có cơ sở để tin tưởng rằng hợp tác giữa Việt Nam và Slovenia trong những năm tới sẽ được thúc đẩy mạnh hơn nữa, mang lại hiệu quả tích cực cho doanh nghiệp, địa phương.
Các chuyến thăm của lãnh đạo cấp cao sẽ góp phần cho hợp tác đi vào khuôn khổ, có những cam kết mạnh mẽ để đưa quan hệ tiếp tục ổn định và phát triển trong thời gian tới.
| Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đón, hội đàm với Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Slovenia Tanja Fajon Sáng ngày 23/5, tại Nhà khách Chính phủ, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã đón và tiến hành hội đàm Phó Thủ tướng, ... |
| Slovenia thúc đẩy EC sớm gỡ bỏ thẻ vàng IUU đối với hàng thủy sản Việt Nam Nhận lời mời của Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao và các vấn đề Châu Âu Slovenia ... |
| Slovenia luôn coi trọng, mong muốn tăng cường quan hệ với Việt Nam Thứ trưởng Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng khẳng định, Việt Nam luôn coi trọng phát triển quan hệ hợp tác tốt đẹp với Slovenia, ... |
| Kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Slovenia Thứ trưởng Lê Thị Thu Hằng nhấn mạnh, tình hữu nghị và sự hợp tác tin cậy giữa Việt Nam và Slovenia đã khởi nguồn ... |
| Đại sứ Nguyễn Trung Kiên: Từ 'bức tranh' hợp tác tích cực đến quyết tâm thúc đẩy thực chất quan hệ Việt Nam-Slovenia Slovenia có thế mạnh về các sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao, có thể giúp Việt Nam tăng chất lượng sản phẩm, từ ... |