📞

Thị trường Halal: Để nắm bắt ‘đúng và trúng’

Thu Trang 16:00 | 24/08/2024
Đại sứ Việt Nam tại Ai Cập Nguyễn Huy Dũng chia sẻ về tiềm năng và những trăn trở tìm cách “mở đường” cho doanh nghiệp, địa phương Việt Nam tiếp cận thị trường Halal của một trong những quốc gia Hồi giáo đông dân nhất trên thế giới.
Đại sứ Nguyễn Huy Dũng quảng bá ẩm thực Việt Nam được chuẩn bị và chế biến phù hợp với tiêu chuẩn Halal cho bạn bè Ai Cập. (Nguồn: Đại sứ quán Việt Nam tại Ai Cập)

Tiềm năng và những đặc điểm nổi bật của thị trường Halal tại Ai Cập là gì, thưa Đại sứ?

Ai Cập là một trong những quốc gia Hồi giáo đông dân nhất trên thế giới với hơn 106 triệu dân (tính đến tháng 6/2024), trong đó khoảng 90% dân số theo đạo Hồi. Doanh thu thị trường thực phẩm của Ai Cập dự kiến đạt 165,10 tỷ USD trong năm 2024. Trong giai đoạn 2024-2029, thị trường dự kiến tăng trưởng hàng năm là 9,74%.

Tiêu chuẩn Halal đề ra một bộ quy tắc về lựa chọn nguyên liệu và quy trình chế biến. Do đó, chỉ các sản phẩm hoặc thực phẩm được sản xuất theo tiêu chuẩn Halal mới dễ dàng được người tiêu dùng Hồi giáo chấp nhận.

Đối với người tiêu dùng không theo Hồi giáo, sản phẩm Halal đại diện cho vệ sinh, chất lượng và an toàn khi được sản xuất nghiêm ngặt theo hệ thống tiêu chuẩn riêng. Những sản phẩm này đang ngày càng thịnh hành và trở thành xu thế tiêu dùng mới tại nhiều nước phát triển.

Người tiêu dùng Ai Cập nhận thức rõ về chất lượng và sự đa dạng của các sản phẩm nhập khẩu, do đó thói quen mua sắm của họ đang thay đổi đáng kể. Trước đây, họ hầu như mua thực phẩm từ các cửa hàng nhỏ trong khu phố.

Với số lượng siêu thị và trung tâm thương mại gia tăng ở các thành phố, cung cấp tất cả các dịch vụ tại một điểm, nhiều người có thu nhập trung bình đến cao đã bắt đầu mua sắm ở các siêu thị. Các chuỗi thức ăn nhanh, nhà hàng địa phương và khu nghỉ dưỡng bắt đầu ưa chuộng với các mặt hàng nhập khẩu.

Người tiêu dùng Ai Cập đang tìm kiếm nhiều loại sản phẩm được chứng nhận Halal. Bên cạnh thực phẩm chức năng, dược phẩm, hay mỹ phẩm, họ cũng quan tâm hơn đến các sản phẩm Halal mới và khác biệt trên thị trường. Yêu cầu về các sản phẩm Halal vì thế cũng đặt ra ngày càng cao, là bài toán khó nhưng cũng là cơ hội cho các nhà sản xuất, xuất khẩu.

Đại sứ quán Việt Nam tại Ai Cập triển khai các kế hoạch, hoạt động gì nhằm hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam khai phá thị trường Halal ở sở tại, đồng thời quảng bá về thị trường Việt Nam với các doanh nghiệp Ai Cập?

Thời gian qua, Việt Nam xuất vào thị trường Ai Cập chủ yếu là những mặt hàng không áp dụng tiêu chuẩn Halal như thuỷ sản, hạt điều, cà phê, hạt tiêu và một số nhóm hàng không thuộc lĩnh vực thực phẩm.

Thị trường Halal của Ai Cập vẫn khá mới mẻ đối với doanh nghiệp Việt Nam và chưa nhận được nhiều sự quan tâm. Vì vậy, Đại sứ quán đã xây dựng Hồ sơ thị trường Halal Ai Cập để thông tin đến doanh nghiệp Việt Nam về một số đặc điểm thị trường, các quy định, quy trình cấp chứng chỉ Halal và địa chỉ tra cứu một số cơ quan chức năng Ai Cập liên quan.

Vừa qua, tôi đã đến làm việc với ông Mazen Wafa, Giám đốc Tổ chức chứng nhận Halal Ai Cập – ISEG Halal để thảo luận về các phương án hợp tác. Đây là tổ chức duy nhất được chính phủ Ai Cập uỷ quyền để cấp chứng chỉ Halal cho các sản phẩm nhập khẩu vào Ai Cập.

Đại sứ quán luôn tận dụng lồng ghép nội dung quảng bá thị trường Việt Nam với các doanh nghiệp Ai Cập thông qua các chuyến thăm và làm việc của các đoàn công tác Việt Nam sang Ai Cập, các bản tin gửi đến các đối tác Ai Cập.

Chúng tôi xây dựng góc trưng bày sản phẩm để các doanh nghiệp Ai Cập quan tâm có thể trực tiếp kiểm tra chất lượng các sản phẩm của Việt Nam.

Thêm vào đó, trong các hoạt động đối ngoại và các sự kiện công cộng, Đại sứ quán luôn kết hợp quảng bá ẩm thực Việt Nam như nem, phở và các món ăn khác được chuẩn bị và chế biến phù hợp, thể hiện hình ảnh Việt Nam thân thiện, sẵn sàng đáp ứng các tiêu chuẩn Halal.

Các doanh nghiệp Việt Nam đang dần có nhận thức cao hơn về tiêu chuẩn Halal, không chỉ trong lĩnh vực thực phẩm mà còn dần mở rộng sang nhiều lĩnh vực khác, trong đó có du lịch để phục vụ thị hiếu của nhóm khách tiềm năng trên.

Góc trưng bày sản phẩm Halal Việt Nam tại Đại sứ quán để các doanh nghiệp Ai Cập quan tâm có thể trực tiếp kiểm tra chất lượng. (Nguồn: Đại sứ quán Việt Nam tại Ai Cập)

Lời khuyên của ông đối với các doanh nghiệp Việt Nam đang quan tâm và mong muốn hợp tác với đối tác Ai Cập trong ngành công nghiệp Halal?

Mặc dù ngành công nghiệp Halal Ai Cập còn mới đối với doanh nghiệp Việt Nam nhưng đây là thị trường có nhiều dư địa để khai thác và xứng đáng để tìm hiểu, hợp tác.

Trước hết, các doanh nghiệp cần trang bị kiến thức về tiêu chuẩn Halal cũng như các quy định, quy trình cấp chứng chỉ Halal ở Ai Cập nói riêng và các nước Hồi giáo nói chung. Khi đã hiểu rõ về tiêu chuẩn này, các doanh nghiệp cần đầu tư ban đầu để xây dựng cơ sở hạ tầng hoặc nhân công cho phù hợp.

Các công ty, doanh nghiệp cần chủ động đề xuất nhu cầu, mong muốn với các cơ quan đại diện (CQĐD) để các cơ quan này nắm bắt nhu cầu của doanh nghiệp và có hình thức, biện pháp hỗ trợ đúng và trúng nhất.

Một trong số mặt hàng thực phẩm Halal mà thị trường Ai Cập có nhu cầu rất lớn là thịt gia súc (bò, cừu…), các loại hạt khô và hoa quả sấy, đặc biệt trong các dịp lễ lớn như Ramadan, Eid Al-Fitr (vào khoảng tháng 3-4 hằng năm) hoặc Eid Al-Adha (khoảng tháng Sáu hằng năm). Đáng chú ý, hiện nay, Ai Cập mới chỉ áp dụng kiểm tra chất lượng, tiêu chuẩn Halal đối với các sản phẩm chế phẩm từ gia súc, gia cầm mà chưa áp dụng cho các mặt hàng thủy, hải sản.

Bên cạnh thực phẩm, du lịch có đáp ứng các tiêu chuẩn Halal và yêu cầu Hồi giáo cũng là lĩnh vực nhiều tiềm năng. Người dân tầng lớp trung và thượng lưu Ai Cập có nhu cầu du lịch lớn và chịu chi. Các nước châu Á, đặc biệt là Đông Nam Á và Việt Nam là điểm đến lý tưởng, nhất là trong bối cảnh Việt Nam áp dụng thị thực điện tử đối với tất cả các nước. Các doanh nghiệp kinh doanh lữ hành của Việt Nam có thể tìm hiểu thêm về thị trường và nhóm khách này.

Vậy vai trò CQĐD trong nhiệm vụ triển khai Đề án “Tăng cường hợp tác quốc tế để xây dựng và phát triển ngành Halal Việt Nam đến năm 2030” của Thủ tướng Chính phủ là như thế nào?

Tương tự như việc thực hiện các đề án khác, các CQĐD đóng vai trò là cánh tay nối dài, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Ngoại giao và các cơ quan, bộ, ban, ngành khác trong triển khai Đề án “Tăng cường hợp tác quốc tế để xây dựng và phát triển ngành Halal Việt Nam đến năm 2030”, với phương châm lấy doanh nghiệp, người dân, địa phương là trung tâm.

Cụ thể, các CQĐD là cầu nối hai chiều giữa Việt Nam và các đối tác. Các CQĐD cần tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về thị trường Halal của sở tại tới các doanh nghiệp, địa phương trong nước.

Mặt khác, các CQĐD tích cực hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tìm hiểu thông tin, xuất khẩu sang thị trường Halal sở tại, trong đó có làm việc với các doanh nghiệp, tổ chức chứng nhận Halal để thúc đẩy ký kết các văn kiện hợp tác hoặc tìm hiểu thông tin, quy trình chứng nhận Halal đối với các sản phẩm nhập khẩu vào sở tại.

Bên cạnh đó, các CQĐD cần chủ động lồng ghép, quảng bá về hình ảnh Việt Nam thân thiện, rộng mở, sẵn sàng đáp ứng yêu cầu của khách du lịch Hồi giáo; tiếp tục tìm hiểu các mặt hàng, lĩnh vực trong ngành công nghiệp Halal đang có nhu cầu cao ở địa bàn.

Đại sứ quán Việt Nam tại Ai Cập nói riêng và tất cả các CQĐD Việt Nam ở nước ngoài nói chung luôn sẵn sàng đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp, địa phương trong khai phá thị trường Halal đầy tiềm năng.

(thực hiện)