Thực phẩm, may mặc, đồ gia dụng... sẽ là những ưu tiên tăng chi tiêu của người dân Hàn Quốc. |
Chỉ suy thoái nhất thời
Dấu hiệu của sự phục hồi này thể hiện rõ rệt thông qua sự tăng liên tiếp của các chỉ số chứng khoán chính như KOSPI, KOSDAQ và sự tăng giá trở lại của đồng won. Giá đồng won đã tăng hơn 16% so với đợt thấp kỷ lục trong vòng 11 năm qua (ngày 2/3).
Tài khoản vãng lai của Hàn Quốc trong tháng 3 đã thặng dư hơn 5 tỉ USD. Các nhà đầu tư nước ngoài bắt đầu lấy lại niềm tin, do đó giảm việc bán tháo cổ phiếu cũng như mua ngoại tệ để chuyển vốn về nước. Hiện nay, nền kinh tế này đang tích tụ mạnh mẽ để tạo động lực cho sự đi lên vào nửa sau của năm nay.
Đặc biệt các chuyên gia còn nhấn mạnh rằng sự suy giảm kinh tế Hàn Quốc thời gian qua rất có thể chỉ là sự suy thoái trung hạn chứ không phải là khủng hoảng kéo dài. Sự phục hồi này được dự báo sẽ tiến triển theo mô hình chữ V hoặc chữ U, nhiều hơn là chữ L.
Nhờ kích cầu
Bên cạnh những tác động tích cực từ các thị trường lớn thời gian vừa qua, kinh tế Hàn Quốc được cho là có dấu hiệu phục hồi bởi những tác động từ các giải pháp kích cầu mạnh mẽ của chính phủ. Kế hoạch kích cầu lớn nhất của Hàn Quốc là gói chi ngân sách nhằm kích cầu 28.900 tỉ won (khoảng 20,8 tỉ USD).
Theo các chuyên gia, với gói hỗ trợ này, tổng sản phẩm quốc nội có thể tăng trưởng bắt đầu từ quý II/2009. Những khoản chi tiêu lớn của chính phủ sẽ thúc đẩy nhu cầu nội địa và tạo ra công ăn việc làm. Người tiêu dùng sẽ tiêu nhiều tiền hơn cho hàng hóa và dịch vụ. Các doanh nghiệp sẽ tự tin hơn trong việc mở rộng đầu tư và thuê thêm nhân công.
Bộ Tài chính Chiến lược dự kiến tăng chi tiêu ngân sách năm 2009 lên gấp đôi, cùng với việc bãi bỏ một số quy định gây trở ngại cho hợp tác đầu tư với mục tiêu tăng GDP thêm 2% và tạo ra 550.000 việc làm mới. Lĩnh vực tài chính dường như cũng đang lấy lại niềm tin của nhà đầu tư và có dấu hiệu của sự bình thường hóa. Chính phủ Hàn Quốc còn có kế hoạch chi tiêu mạnh mẽ hơn, thậm chí trong trường hợp thâm hụt ngân sách.
Xuất khẩu gì sẽ thuận lợi?
Những dấu hiệu trên không chỉ tốt cho nền kinh tế Hàn Quốc. Nhiều nhà nhập khẩu Hàn Quốc, đặc biệt là những nhà nhập khẩu hàng tiêu dùng phải ngừng hoặc chuyển hoạt động, nay đã khởi động trở lại. Trong khi nền kinh tế chưa hoàn toàn phục hồi thì việc tăng chi tiêu của người dân vẫn ưu tiên hàng đầu cho những mặt hàng thiết yếu như thực phẩm, may mặc, giày dép, đồ gia dụng - vốn là những mặt hàng trọng yếu trong cơ cấu xuất khẩu của Việt Nam vào Hàn Quốc.
Do điều kiện kinh tế vẫn khó khăn nên các doanh nghiệp Hàn Quốc khi nhập khẩu trở lại có xu hướng quan tâm nhiều hơn đến yếu tố giá cả và giảm bớt các yêu cầu đối với những yếu tố khác. Điều này có thể góp phần tăng thêm cơ hội thâm nhập các sản phẩm Việt Nam được xem là có lợi thế cạnh tranh về giá.
Tuy nhiên, trước mắt hệ lụy của suy thoái vẫn làm cho cánh cửa xuất khẩu lao động bị thu hẹp hơn. Bộ Lao động Hàn Quốc vừa có thông báo, hạn ngạch cấp cho lao động nước ngoài sẽ giảm 50% so với năm 2008.
Trang Thu