Tháng 8/2020, giá cà phê trong nước tăng mạnh theo giá cà phê toàn cầu. (Nguồn: CT) |
Theo Tổng cục Hải quan, trong tháng 8/2020, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hoá của Việt Nam ước đạt 50,5 tỷ USD, tăng 7,5% so với tháng trước. Trong đó, tổng trị giá xuất khẩu ước đạt 26,5 tỷ USD, tăng 6,5% và tổng trị giá nhập khẩu ước đạt 24 tỷ USD, tăng 8,6%. So với cùng kỳ năm 2019, trị giá xuất khẩu của cả nước tăng 2,5% và trị giá nhập khẩu tăng 7,3%.
Với diễn biến trên, cán cân thương mại hàng hóa của Việt Nam trong tháng 8/2020 ước tính thặng dư 2,5 tỷ USD.
Tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam 8 tháng đầu năm 2020 ước đạt 337,28 tỷ USD, tăng 0,02% so với cùng kỳ năm 2019; trong đó tổng trị giá xuất khẩu ước đạt 174,1 tỷ USD, tăng 1,6% và tổng trị giá nhập khẩu ước đạt 163,17 tỷ USD, giảm 1,6% so với cùng kỳ năm 2019.
Cán cân thương mại hàng hóa của Việt Nam trong 8 tháng đầu năm 2020 ước tính thặng dư 10,93 tỷ USD.
Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu:
Dầu thô: Xuất khẩu trong tháng 8/2020 ước tính là 592 nghìn tấn, tăng 121,7% và trị giá là 200 triệu USD tăng 125,1% so với tháng 7/2020.
8 tháng đầu năm 2020, lượng dầu thô xuất khẩu ước tính đạt 3.347 nghìn tấn và trị giá là 1.109 triệu USD. So với cùng kỳ năm 2019, lượng dầu thô xuất khẩu ước tính trong 8 tháng này tăng 22,4% về lượng và trị giá ước tính giảm 21,2%.
Quặng các loại: Xuất khẩu trong tháng 8/2020 ước tính là 260 nghìn tấn, giảm 20,5% và trị giá là 21 triệu USD giảm 32,5% so với tháng trước.
8 tháng đầu năm 2020, lượng quặng xuất khẩu là 2.072 nghìn tấn, trị giá là 161 triệu USD; so với cùng kỳ năm 2019 ước tính giảm 2,4% về lượng và trị giá ước tính tăng 3,3%.
Tin liên quan |
Báo nước ngoài ca ngợi Việt Nam là ‘người chơi chính’ ở Đông Nam Á |
Các mặt hàng nhập khẩu chủ yếu:
Dầu thô: Nhập khẩu trong tháng 8/2020 ước tính là 900 nghìn tấn, và trị giá là 289 triệu USD.
Lượng dầu thô nhập khẩu trong 8 tháng đầu năm 2020 ước đạt 8.101 nghìn tấn và trị giá là 2.640 triệu USD. Như vậy, lượng xăng dầu nhập khẩu trong 8 tháng năm 2020 ước tính tăng 46,9% về lượng và tăng 0,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2019.
Xăng dầu các loại: Nhập khẩu trong tháng 8/2020 ước tính là 800 nghìn tấn, giảm 27,6% và trị giá là 299 triệu USD, giảm 30,2% so với tháng trước.
Lượng xăng dầu nhập khẩu trong 8 tháng đầu năm 2020 ước đạt 6.177 nghìn tấn và trị giá là 2.444 triệu USD. Như vậy, lượng xăng dầu nhập khẩu trong 8 tháng năm 2020 ước tính giảm 4,3% về lượng và giảm 38,2% về trị giá so với cùng kỳ năm 2019.
Máy vi tính, sản phẩm điện tử & linh kiện: Ước tính nhập khẩu nhóm hàng này trong tháng 8/2020 là 6,3 tỷ USD, tăng 12,5% so với tháng trước; trị giá nhập khẩu 8 tháng năm 2020 đạt 39,02 tỷ USD và tăng 16,4% so với cùng kỳ năm 2019.
Máy móc, thiết bị, dụng cụ & phụ tùng: Ước tính nhập khẩu nhóm hàng này trong tháng 8/2020 là 3,3 tỷ USD, tăng 4,4% so với tháng trước; trị giá nhập khẩu 8 tháng mặt hàng này đạt 23,16 tỷ USD và giảm nhẹ 3,1% so với cùng kỳ năm 2019.
Sắt thép các loại: Ước tính nhập khẩu trong tháng 8/2020 là 1.600 nghìn tấn, tăng 10,2% và trị giá là 828 triệu USD, tăng 10,4% so với tháng trước. Lượng nhập khẩu mặt hàng này 8 tháng năm 2020 là 9.765 nghìn tấn đạt 5,6 tỷ USD về trị giá. So với cùng kỳ năm 2019, lượng nhập khẩu nhóm hàng này trong 8 tháng tăng 1,2% về lượng và giảm 13,2% về trị giá.
Ô tô nguyên chiếc các loại: Ước tính trong tháng 8/2020 là 8 nghìn chiếc, tăng 68% và trị giá là 190 triệu USD, tăng 75,6% so với tháng trước.
Lượng nhập khẩu mặt hàng này 8 tháng năm 2020 là 53 nghìn chiếc và trị giá là 1.208 triệu USD. So với cùng kỳ năm 2019, lượng nhập khẩu nhóm hàng này trong 7 tháng năm 2020 giảm 44,3% về lượng và giảm 43,7% về trị giá.
Xuất khẩu cà phê: Tháng 8/2020, giá cà phê trong nước tăng mạnh theo giá cà phê toàn cầu. Mức tăng cao nhất 3,8% tại tỉnh Lâm Đồng, lên 33.100 - 33.200 đồng/kg; mức tăng thấp nhất 2,8% tại huyện Buôn Hồ tỉnh Đắk Lắk, lên 33.500 đồng/kg. Tại cảng khu vực TP. Hồ Chí Minh, cà phê Robusta loại R1 tăng 2,9%, lên mức 34.900 đồng/kg
Theo ước tính, xuất khẩu cà phê tháng 8/2020 đạt 110 nghìn tấn, trị giá 197 triệu USD, giảm 0,03% về lượng, nhưng tăng 0,2% về trị giá so với tháng 7/2020, so với tháng 8/2019 giảm 3,6% về lượng và giảm 0,02% về trị giá. Tính chung 8 tháng đầu năm 2020, xuất khẩu cà phê ước đạt 1,16 triệu tấn, trị giá 1,98 tỷ USD, cùng giảm 1,3% cả về lượng và trị giá so với cùng kỳ năm 2019.
Tháng 8/2020, giá xuất khẩu bình quân cà phê ước đạt 1.791 USD/tấn, tăng 0,2% so với tháng 7/2020 và tăng 3,7% so với tháng 8/2019. Trong 8 tháng đầu năm 2020, giá xuất khẩu bình quân cà phê ước đạt 1.708 USD/tấn, giảm 0,02% so với cùng kỳ năm 2019.
Xuất khẩu rau quả: Theo ước tính, xuất khẩu rau quả tháng 8/2020 đạt 280 triệu USD, tăng 25,9% so với tháng 7/2020 và tăng 4,2% so với tháng 8/2019. Trong 8 tháng đầu năm 2020, xuất khẩu hàng rau quả ước đạt 2,26 tỷ USD, giảm 11,3% so với cùng kỳ năm 2019.
Xuất khẩu hàng rau quả giảm chủ yếu do xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc giảm. Xuất khẩu hàng rau quả sang Trung Quốc ngày càng khó khăn khi nước này thực hiện nghiêm chế độ quản lý hàng hóa đưa vào tiêu thụ tại các chợ, siêu thị, tăng cường kiểm tra các loại giấy tờ. Các loại giấy tờ phải chứng nhận đạt chuẩn chất lượng, chứng nhận nguồn gốc, xuất xứ, chứng từ mua hàng đối với hàng nông sản dùng làm thực phẩm.
Trong khi đó, xuất khẩu hàng rau quả sang thị trường Hàn Quốc, Thái Lan, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc)… tăng so với cùng kỳ năm 2020.
Xuất khẩu gạo được giá, kim ngạch đạt 2,2 tỷ USD
Xuất khẩu gạo đã mang về 2,2 tỷ USD, tăng 10,4% so với cùng kỳ 2019, đây cũng là điểm sáng của ngành nông nghiệp nước ta sau chặng đường 8 tháng năm 2020.
Trong khi nhiều nông sản chịu cảnh xuất khẩu sụt giảm do ảnh hưởng của dịch bệnh thì mặt hàng gạo lại lội ngược dòng, mang về 2,2 tỷ USD với gần 4,5 triệu tấn, tăng 10,4% về trị giá và giảm 1,7% về lượng so với cùng kỳ 2019.
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), thời gian gần đây, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam liên tục tăng, có thời điểm trong tháng 8, loại gạo 5% tấm đã vượt qua giá gạo cùng chủng loại của nhiều nước, vượt Thái Lan để vươn lên dẫn đầu thế giới.
Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đang tốt hơn so với gạo của Thái Lan. Trong lịch sử 30 năm xuất khẩu gạo, đây là lần đầu tiên gạo Việt Nam có giá xuất ngang ngửa với gạo Thái Lan, thậm chí bỏ xa gạo Thái Lan loại 5% tấm đến 20 USD/tấn.
Hồi đầu năm nay, giá gạo 5% tấm của Thái Lan cao hơn Việt Nam khoảng 50 - 60 USD/tấn nhưng đến giữa tháng 8, gạo 5% tấm của Việt Nam được giao dịch ở mức 493 - 497 USD/tấn, trong khi giá giao dịch gạo cùng loại của Thái Lan chỉ đạt 473 - 477 USD/tấn; gạo Pakistan bán từ 423 - 427 USD/tấn, gạo Ấn Độ từ có giá 378 - 382 USD/tấn...
Nhìn một cách tổng thể, không riêng gạo 5% tấm mà nhiều loại gạo xuất khẩu khác của Việt Nam cũng đang có giá tốt. Chẳng hạn, các giống gạo DT8 hiện bán với giá 570 USD/tấn trong khi vụ trước cao nhất chỉ bán được 540 USD/tấn; gạo 5451 đang xuất khẩu với giá 540 - 550 USD/tấn, trong khi vào vụ Đông Xuân trước, mức giá cao nhất cũng chỉ đạt 500 USD/tấn.
Các doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam cho biết, sở dĩ gạo trong nước đang được các nhà nhập khẩu thu mua với giá cao do chất lượng gạo Việt Nam đã được cải thiện.
Với những thuận lợi về thị trường, đặc biệt là nhu cầu gạo thế giới tăng cao từ đợt dịch Covid-19, các doanh nghiệp thương mại gạo nước ta đang có cơ hội đẩy tăng sản lượng lẫn giá xuất khẩu.
Ngoài ra, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-Liên minh châu Âu (EVFTA) có hiệu lực từ ngày 1/8 cũng giúp một số doanh nghiệp sở hữu chuỗi sản xuất lúa gạo quy mô lớn, đáp ứng các tiêu chí của thị trường khó tính chốt được giá xuất khẩu cao đối với một số chủng loại gạo đặc biệt. Đơn cử, Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An (Cần Thơ) đã ký hợp đồng bán 3.000 tấn gạo cho 3 khách hàng của CHLB Đức với 2 giống gạo thơm là ST20 và Jasmine.
Đáng chú ý, giá gạo ST20 mà Trung An xuất khẩu sang EU đạt trên 1.000 USD/tấn, gạo Jasmine đạt khoảng 600 USD/tấn. Đây đều là mức giá mơ ước, kỷ lục của gạo Việt trong xuất khẩu từ trước đến nay.
Điều đáng nói, trước khi EVFTA có hiệu lực, giá gạo ST20 xuất khẩu sang EU khoảng chỉ khoảng 800 USD/tấn, Jasmine 520 USD/tấn. Việc được giảm thuế cộng với thị trường gạo đang sôi động đã đẩy giá gạo tăng cao.
Giá thịt lợn “lao dốc”
Ngày 3/9, giá thịt lợn tại các chợ dân sinh đã giảm về mức 120.000 đồng/kg. Giá lợn hơi cũng đang lao dốc, xuống mốc 70.000 đồng/kg. Ngày 4/9, giá tiếp tục giảm, nhưng đà giảm “nhỏ giọt”.
Giá thịt lợn tại các chợ dân sinh khu vực phía Bắc ngày bán ra ở mức 120.000-140.000 đồng/kg, giảm 30.000-40.000 đồng/kg so với 1 tháng trước đó.
Giá thịt lợn sẽ tiếp tục giảm bởi dự báo giá lợn hơi giảm thêm do hiện nay nguồn cung dồi dào. Tuy nhiên, giá thịt lợn giảm mạnh nhưng sức mua không cao.
Trên thị trường, giá lợn hơi xuất chuồng ngày 3/9 tiếp tục giảm, tại miền Bắc dao động trong khoảng từ 74.000-78.000 đồng/kg. Tại miền Trung và Tây Nguyên, giá lợn hơi tiếp tục giảm thêm từ 1.000-2.000 đồng/kg, đưa mức giao dịch về mức phổ biến từ 75.000-79.000 đồng/kg. Tuy nhiên, tại tỉnh Quảng Nam, Lâm Đồng, Khánh Hòa giá lợn hơi vẫn ở mức cao: 80.000 đồng/kg.
Tại miền Nam, giá lợn hơi cũng giảm thêm 1.000-2.000 đồng/kg, giao dịch ở mức 75.000-80.000 đồng/kg.
| Việt Nam tiếp tục thuộc top 50 nền kinh tế đạt tiến bộ đáng kể nhất trong bảng xếp hạng đổi mới sáng tạo toàn cầu 2020 TGVN. Năm 2020 ghi nhận năm thứ hai liên tiếp Việt Nam giữ vị trí thứ 42 trong bảng xếp hạng đổi mới sáng tạo ... |
| Báo nước ngoài ca ngợi Việt Nam là ‘người chơi chính’ ở Đông Nam Á TGVN. Báo Khaleej Times của Các Tiểu Vương quốc Arab Thống nhất (UAE) nhận định Việt Nam đã có sự phát triển nhanh chóng trong ... |
| Infographic: Nhiều gam màu sáng trên bức tranh kinh tế Việt Nam 8 tháng đầu năm 2020 TGVN. Bức tranh kinh tế Việt Nam 8 tháng đầu năm nay vẫn nổi lên nhiều gam màu sáng dù chịu ảnh hưởng lớn từ ... |