Tổng giá trị xuất khẩu nông, lâm, thủy sản 8 tháng đầu năm 2020 đạt 26,15 tỷ USD
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thuỷ sản tháng 8 ước đạt 3,63 tỷ USD, đưa tổng giá trị xuất khẩu 8 tháng đầu năm 2020 đạt 26,15 tỷ USD, giảm 0,9% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản chính ước đạt gần 12 tỷ USD, giảm 3,2%; Giá trị xuất khẩu chăn nuôi ước đạt 250 triệu USD, giảm 25%; Giá trị xuất khẩu thuỷ sản ước đạt 5,2 tỷ USD, giảm 5,3%; Giá trị xuất khẩu các mặt hàng lâm sản chính ước đạt 7,83 tỷ USD, tăng 10,3%.
Ước tổng giá trị xuất khẩu nông, lâm, thủy sản 8 tháng đầu năm 2020 của Việt Nam sang các thị trường thuộc khu vực châu Á (chiếm thị phần 53,6%) đạt 14,02 tỷ USD, giảm 7,2% so với cùng kỳ năm 2019. Tương tự, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của Việt Nam sang các khu vực châu Âu và châu Đại Dương trong 8 tháng đầu năm 2020 ước đạt lần lượt là 3,41 tỷ USD (giảm 3,3% so với cùng kỳ năm 2019); 406 triệu USD (-4,9%). Ngược lại, giá trị xuất khẩu nông, lâm, thủy sản sang châu Mỹ và châu Phi ước đạt lần lượt 6,9 tỷ USD và 566 triệu USD, tăng 10,6% và 4,9% so với cùng kỳ năm 2019.
Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc là 4 thị trường nhập khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản lớn nhất của Việt Nam, với thị phần chiếm lần lượt là 24,13% (giá trị tăng 14,2% so với cùng kỳ năm 2019), 24,01% (-10,1%), 8,43% (-1,8%) và 5,86% (-1%). Trong khi đó, ước tính xuất khẩu nông, lâm, thủy sản Việt Nam sang khu vực châu Âu 8 tháng đầu năm 2020 lại tăng 4,4% so với cùng kỳ năm 2019, đạt 1,14 tỷ USD.
Ước giá trị nhập khẩu nông, lâm, thủy sản tháng 8 đạt 2,72 tỷ USD, đưa tổng giá trị nhập khẩu 8 tháng đầu năm 2020 đạt 19,95 tỷ USD, giảm 2,5% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, giá trị nhập khẩu các mặt hàng nông lâm thủy sản chính ước đạt 16,05 tỷ USD, giảm 5,2% so với cùng kỳ năm 2019.
Ước tổng giá trị nhập khẩu nông, lâm, thủy sản 8 tháng đầu năm 2020 của Việt Nam từ các thị trường thuộc khu vực châu Á (chiếm thị phần 32,1%) đạt khoảng 6,41 tỷ USD, giảm 12,4% so với cùng kỳ năm trước. Tương tự, nhập khẩu nông, lâm, thủy sản Việt Nam trong 8 tháng đầu năm 2020 từ khu vực châu Mỹ ước giảm 1%, đạt 5,82 tỷ USD; khu vực châu Phi ước giảm 27,9%, đạt 738 triệu USD và khu vực châu Đại Dương ước giảm 2,4%, đạt 663 triệu USD.
Mỹ, Trung Quốc và ASEAN là 3 thị trường cung cấp các mặt hàng nông, lâm, thủy sản lớn nhất cho Việt Nam, với thị phần trong tổng giá trị nhập khẩu ước chiếm lần lượt là 12%, 11,6% và 11,2%. Tuy nhiên, nhập khẩu của Việt Nam từ cả 3 thị trường này trong 8 tháng đầu năm 2020 đều được ước tính sẽ sụt giảm so với cùng kỳ năm 2019. Cụ thể, nhập khẩu từ Mỹ ước giảm 5,4%, Trung Quốc giảm 12% và ASEAN giảm 16,2%.
Bộ NN&PTNT nhận định, trong bối cảnh dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp, xuất nhập khẩu các mặt hàng nông lâm thủy sản sẽ có những tác động lớn. Chính vì vậy, nhiệm vụ đặt ra trong tháng 9 và những tháng cuối năm 2020 là thường xuyên cập nhật diễn biến, tình hình tại các thị trường trọng điểm bị ảnh hưởng bởi dịch, đặc biệt là tình hình xuất khẩu nông sản qua các cửa khẩu biên giới với Trung Quốc. Từ đó, kịp thời tham mưu, báo cáo, đề xuất giải pháp xử lý các vấn đề thị trường nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu nông sản, thủy sản.
Giá xăng RON95-III tăng nhẹ
Với những diễn biến của giá xăng dầu thế giới trong 15 ngày qua, từ 15h00 chiều 27/8, nhà điều hành đã tiến hành giữ nguyên giá xăng E5RON92; tăng 192 đồng giá xăng RON95-III; giảm 240 đồng giá dầu diesel 0.05S; giảm 82 đồng giá dầu hỏa; và cuối cùng là giữ nguyên giá dầu mazut.
Như vậy, giá bán các mặt hàng xăng dầu tiêu dùng phổ biến trên thị trường từ 15h ngày 27/8 là: - Xăng E5RON92: không cao hơn 14.409 đồng/lít - Xăng RON95-III: không cao hơn 15.114 đồng/lít - Dầu diesel 0.05S: không cao hơn 11.961 đồng/lít - Dầu hỏa: không cao hơn 10.125 đồng/lít - Dầu mazut 180CST 3.5S: không cao hơn 11.183 đồng/kg |
Ngoài ra cũng trong lần điều chỉnh này, nhà điều hành thực hiện trích lập Quỹ bình ổn giá (BOG) đối với các loại xăng dầu, cụ thể: không trích lập Quỹ BOG đối với xăng E5RON92 (kỳ trước trích 100 đồng/lít), xăng RON95 trích lập ở mức 100 đồng/lít (kỳ trước trích 200 đồng/lít), dầu diesel ở mức 400 đồng/lít (kỳ trước trích 500 đồng/lít), dầu hỏa ở mức 200 đồng/lít (kỳ trước trích 300 đồng/lít) và dầu mazut trích lập ở mức 100 đồng/kg (kỳ trước trích 300 đồng/lít).
Cùng với đó là chi sử dụng Quỹ BOG xăng dầu: Chi sử dụng Quỹ BOG đối với mặt hàng xăng E5RON92 ở mức 1.295 đồng/lít (kỳ trước chi 932 đồng/lít), xăng RON95 ở mức 670 đồng/lít (kỳ trước là 479 đồng/lít), dầu hỏa ở mức 0 đồng/lít (kỳ trước là 100 đồng/lít), dầu mazut ở mức 453 đồng/kg (kỳ trước 300 đồng/kg); dầu diesel ở mức 0 đồng/lít (như kỳ trước).
Nhập gần 100 nghìn con lợn Thái Lan
Báo cáo mới nhất của Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT), trong 7 tháng đầu năm 2020, 130 doanh nghiệp Việt Nam nhập khẩu hơn 93.248 tấn thịt lợn các loại, tăng 223% so với cùng kỳ năm 2019 và đạt trên 93% kế hoạch Chính phủ giao. Lượng thịt này được nhập chủ yếu từ Canada, Đức, Ba Lan, Brazil, Mỹ, Tây Ban Nha và Nga.
Đặc biệt, để tăng thêm nguồn cung, giúp giá thịt lợn trong nước dần hạ nhiệt, ngày 12/6, Bộ NN-PTNT cho phép Cục Thú y thực hiện kiểm dịch nhập khẩu lợn sống từ Thái Lan vào Việt Nam để giết mổ làm thực phẩm.
Theo đó, từ 12/6-12/8, có 40 lượt doanh nghiệp của Việt Nam đăng ký kiểm dịch nhập khẩu hơn 5 triệu con lợn sống từ Thái Lan vào Việt Nam để nuôi thịt và mổ làm thực phẩm. Lượng lợn sống nhập khẩu từ Thái Lan về Việt Nam để làm thực phẩm đã lên tới 97.338 con.
Lợn sống nhập khẩu từ Thái Lan có giá khoảng 70.000 đồng/kg, về đến Việt Nam xuất bán là 80.000-83.000 đồng/kg.
Cục Chăn nuôi cũng cho biết, theo báo cáo của 63 tỉnh, thành, dù khó khăn về con giống nhưng tốc độ tái đàn nhanh. Tính đến cuối tháng 7 năm nay, tổng đàn lợn của cả nước đạt khoảng 25,18 triệu con, tương đương 81,9% so với tổng đàn lợn trước khi có bệnh dịch tả lợn châu Phi (trên 31 triệu con vào 31/12/2018).
Giá thịt lợn trong nước dần hạ nhiệt
Nhờ kiểm soát được dịch bệnh, tốc độ tái đàn, tăng đàn được đẩy mạnh, cộng với tăng lượng thịt lợn nhập khẩu, nhập khẩu thêm lợn sống về giết mổ làm thực phẩm khiến giá mặt hàng này trong nước dần hạ nhiệt.
Đáng chú ý, một tuần trở lại đây, giá thịt lợn hơi xuất chuồng giảm khoảng 15.000-18.000 đồng/kg so với thời điểm cao nhất (tháng 5 giá thịt lợn vọt tăng lên mức cao nhất lịch sử), xuống mức 77.000-83.000 đồng/kg lợn hơi.
Giá lợn hơi xuất chuồng ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và miền Bắc hiện giảm còn 80.000-83.000 đồng/kg, khu vực Đông Nam Bộ dao động từ 79.000-82.000 đồng/kg; giá lợn hơi tại khu vực miền Trung thấp nhất cả nước, giảm xuống 77.000-79.000 đồng/kg.
8 tháng, hàng hóa thông qua cảng biển tăng 6%
Cục Hàng Hải Việt Nam cho biết, 8 tháng năm 2020, tổng sản lượng hàng hóa thông qua cảng biển ước đạt 458.283.000 tấn, tăng 6% so với cùng kỳ năm 2019.
Tính riêng tháng 8, khối lượng hàng hóa thông qua cảng biển ước đạt gần 57.285.000 tấn, tăng 2%, trong đó, hàng container đạt hơn 1.734.000 TEUs, tăng 7% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, hàng xuất khẩu đạt 112.255.000 tấn, tăng 10% với cùng kỳ năm 2019. Hàng nhập khẩu đạt 149.226.000 tấn, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2019. Hàng nội địa đạt 195.595.000 tấn, tăng 2% so với cùng kỳ năm 2019. Hàng quá cảnh bốc dỡ đạt 1.207.000 tấn.