Giá thịt lợn đang tiếp đà giảm của tuần trước, có địa phương chạm mốc 76.000 đồng/kg. (Nguồn: Vietnambiz) |
Thị trường gạo: Những ngày qua, giá gạo duy trì ở mức ổn định. Cụ thể, giá gạo NL IR 504 dao động ở mức 8.900 - 9.000 đồng/kg; gạo NL OM 5451 ở mức 9.100 đồng/kg; gạo OM 18 ở mức 9.400 đồng/kg; gạo ĐT 8 ở mức 9.500 đồng/kg; gạo TP IR 504 10.550 đồng/kg.
Theo các chuyên gia, giá gạo hiện nay đang có lợi cho người trồng lúa, cho doanh nghiệp xuất khẩu và vẫn có thể duy trì mức giá cao vì nhiều lý do, nhưng phần lớn là do cung-cầu thị trường. Tính đến ngày 15/8, Việt Nam đã xuất khẩu gần 4,3 triệu tấn gạo, thu về gần 2,1 tỷ USD. Dự báo, giá gạo vẫn sẽ neo ở mức cao trong thời gian tới do nhu cầu của thế giới tăng cùng với một số thị trường chính như Trung Quốc đang gánh chịu thiên tai nặng nề.
Gạo Việt Nam xuất khẩu lập kỷ lục trên 1.000 USD/tấn
Với việc Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-Liên minh châu Âu (EVFTA) có hiệu lực từ ngày 1/8 vừa qua, giá gạo ST20 của Việt Nam xuất khẩu sang EU đã có thể ngang ngửa, thậm chí “nhỉnh” hơn một phần so với giá gạo Hom Mali của Thái Lan, lên mức trên 1.000 USD/tấn.
Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An (TP Cần Thơ) đã ký hợp đồng bán 3.000 tấn gạo cho 3 khách hàng của Cộng hòa Liên bang Đức với 2 giống gạo thơm là ST20 và Jasmine.
Đáng chú ý, giá gạo ST20 mà Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An xuất khẩu sang EU đạt trên 1.000 USD/tấn, gạo Jasmine đạt khoảng 600 USD/tấn. Đây đều là mức giá mơ ước, kỷ lục của gạo Việt trong xuất khẩu từ trước đến nay.
Trong đợt giao lô hàng lần đầu tiên, Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An sẽ giao 6 container với khoảng 150 tấn gạo.
Có được kết quả này là nhờ tác động không nhỏ của Hiệp định EVFTA có hiệu lực từ ngày 1/8 vừa qua. EU cho phép hạn ngạch xuất khẩu gạo của Việt Nam sang thị trường này là 80.000 tấn/năm với mức thuế suất 0%.
Trước khi EVFTA có hiệu lực, giá gạo ST20 xuất khẩu sang EU khoảng chỉ khoảng 800 USD/tấn, còn gạo Jasmine 520 USD/tấn. Việc được giảm thuế cộng với thị trường gạo đang sôi động đã đẩy giá gạo tăng cao.
Theo ông Nguyễn Trung Kiên, Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), cập nhật ngày 27/8, tính chung giá gạo ST20 tại cảng (giá FOB) đạt khoảng 850 USD/tấn, loại bao 50kg, nếu tính giá bán lẻ còn cao hơn nhiều. Trong khi đó, giá gạo Hom Mali 92% xuất khẩu của Thái Lan tuần từ 14/8 - 20/8 cũng đạt bình quân 950 - 962 USD/tấn.
Thị trường thịt lợn: Giá thịt lợn đang tiếp đà giảm của tuần trước, có địa phương chạm mốc 76.000 đồng/kg.
Giá lợn hơi tại khu vực miền Bắc đồng loạt giảm về dưới 80.000 đồng/kg. Đáng chú ý, tại Vĩnh Phúc giá lợn hơi giảm 5.000 đồng/kg so với ngày hôm qua, về mức giá 76.000 đồng/kg. Tuyên Quang giảm 2.000 đồng/kg, đưa giá lợn hơi cũng về mức 76.000 đồng/kg. Đây cũng là mức giá thấp nhất trên cả nước. Cao hơn có Phú Thọ với 77.000 đồng/kg sau khi giảm 3.000 đồng/kg.
Tại miền Trung, Tây Nguyên hôm nay giá lợn hơi tiếp tục giảm tại một số địa phương và được thương lái thu mua trong khoảng 77.000 - 82.000 đồng/kg. Cụ thể, cùng thu mua tại mức 80.000 đồng/kg, Thanh Hóa giảm 2.000 đồng/kg, Nghệ An giảm 3.000 đồng/kg trong hôm nay.
Cũng ở dưới mốc 80.000 đồng/kg có Quảng Ngãi có giá 79.000 đồng/kg. Các địa phương còn lại đều có giá từ 80.000 - 82.000 đồng/kg. Trong đó, Lâm Đồng, Khánh Hòa có giá 82.000 đồng/kg cao nhất khu vực.
Sau một tuần lao dốc, giá lợn hơi ở khu vực miền Nam bất ngờ đứng yên trong hôm nay, hầu hết các địa phương đều giao dịch trong khoảng 80.000 - 82.000 đồng/kg, riêng Vĩnh Long, Bạc Liêu có giá 78.000 đồng/kg.
Lợn sống nhập khẩu từ Thái Lan có giá khoảng 70.000 đồng/kg, về đến Việt Nam xuất bán là 80.000-83.000 đồng/kg.
Giá xăng dầu: Chiều ngày 27/8, Liên Bộ Công Thương - Tài chính điều chỉnh giá xăng dầu. Theo đó, sau khi thực hiện việc trích lập và chi sử dụng quỹ Bình ổn giá xăng dầu, giá bán mặt hàng xăng dầu tiêu dùng phổ biến trên thị trường không cao hơn mức giá:
Xăng E5RON92: không cao hơn 14.409 đồng/lít;
Xăng RON95-III: không cao hơn 15.114 đồng/lít;
Dầu diesel 0.05S: không cao hơn 11.961 đồng/lít;
Dầu hỏa: không cao hơn 10.125 đồng/lít;
Dầu mazut 180CST 3.5S: không cao hơn 11.183 đồng/kg.
Thị trường nông sản: Cà phê tăng nhẹ, rau xanh tiếp tục tăng
Giá cà phê nguyên liệu ngày hôm nay 31/8 biến động nhẹ tại các địa phương, cao nhất vẫn ở Đắk Lắk duy trì 38.000 đồng/kg.
Tại tỉnh Đắk Nông, giá cà phê được thu mua ở mức 33.500 đồng/kg (Gia Nghĩa), 33.400 đồng/kg (Đắk R'lấp). Tại tỉnh Gia Lai (Chư Prông), Pleiku và La Grai cùng ở giá 33.400 đồng/kg. Còn giá cà phê tại tỉnh Kon Tum được thu mua với mức 33.300 đồng/kg.
Theo ý kiến của các thành viên Diễn đàn của người làm cà phê Việt Nam, giá cà phê kỳ hạn tiếp nối đà tăng, không chỉ do tồn kho được 2 sàn cấp chứng nhận giảm xuống mức thấp kỷ lục, mà còn do mức giá hiện hành quá thấp, không hấp dẫn nhà kinh doanh đưa cà phê về 2 sàn đăng ký đấu giá, buộc các nhà giao dịch phải tính toán với mức giá hợp lý hơn.
Đối với mặt hàng rau xanh, giá đang tăng mạnh do mưa liên tục trong nhiều ngày khiến lượng hàng nhập vào giảm.
Sản xuất công nghiệp tháng 8 đối mặt nhiều khó khăn
Theo Tổng cục Thống kê, sản xuất công nghiệp tháng 8 đối mặt nhiều khó khăn, nhất là trong tình hình dịch Covid-19 bùng phát trở lại vào cuối tháng 7/2020 tại Đà Nẵng và lây lan sang một số địa phương trên cả nước.
Theo đó, chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 8/2020 chỉ tăng 3,5% so với tháng trước và giảm 0,6% so với cùng kỳ năm trước. trong đó ngành khai khoáng giảm 5,1%; ngành chế biến, chế tạo giảm 0,1%; ngành sản xuất và phân phối điện giảm 0,7%; ngành cung cấp nước và hoạt động quản lý, xử lý rác thải, nước thải tăng 2,2%.
Tính chung 8 tháng, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 2,2%, thấp hơn nhiều so với mức tăng 9,5% của cùng kỳ năm 2019, là mức tăng thấp nhất trong nhiều năm qua.
Tổng cục Thống kê cho biết, dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp trên toàn cầu làm chuỗi cung ứng nguyên liệu đầu vào bị gián đoạn, đồng thời bùng phát trở lại ở một số địa phương trên cả nước từ cuối tháng 7/2020 đã ảnh hưởng đến sự phục hồi của sản xuất công nghiệp.
Trong các ngành công nghiệp cấp II, một số ngành có chỉ số sản xuất 8 tháng giảm sâu hoặc tăng rất thấp so với cùng kỳ năm trước: Hoạt động dịch vụ hỗ trợ khai thác mỏ và quặng giảm 23,3%; sản xuất xe có động cơ giảm 14%; khai thác dầu thô và khí đốt tự nhiên giảm 11,4%; sản xuất mô tô, xe máy giảm 9,5%...
Một số sản phẩm công nghiệp chủ lực trong 8 tháng giảm sâu hoặc tăng thấp so với cùng kỳ năm trước, như: bia giảm 14,8%; dầu thô khai thác giảm 14%; ô tô giảm 12,5%...