8 tháng năm 2020, tổng trị giá xuất khẩu rau quả đạt gần 2,26 tỷ USD, giảm 11,3% so với cùng kỳ năm 2019. (Nguồn: Baodautu) |
Giá gạo xuất khẩu Việt Nam tăng lên mức cao nhất kể từ cuối năm 2011
Giá gạo NL IR 504 ở mức 8.950 đồng/kg; gạo NL OM 5451 ở mức 9.000 đồng/kg; gạo OM 18 ở mức 9.350 đồng/kg; gạo ĐT 8 ở mức 9.450 đồng/kg; gạo TP IR 504 10.500 đồng/kg.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, tính chung giá lúa gạo trong tháng 8 tăng so với tháng 7. Tổng khối lượng và giá trị xuất khẩu gạo 8 tháng năm 2020 đạt 4,5 triệu tấn với 2,2 tỷ USD, giảm 1,7% về khối lượng nhưng tăng 10,4% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019. Giá gạo xuất khẩu bình quân 7 tháng đạt 487,2 USD/tấn, tăng 12,5% so với cùng kỳ năm 2019.
Thu hoạch vụ Hè Thu cơ bản đã gần hoàn tất, nguồn cung hạn chế khiến cho giá lúa tăng trung bình từ 200-300 đồng/kg. Riêng tại Cần Thơ, giá lúa được ghi nhận ở mức cao so với cùng kỳ 5 năm trở lại đây. Từ đầu tháng 8 đến nay, giá lúa tại Cần Thơ liên tục tăng, trung bình 500 đồng/kg.
Giá gạo xuất khẩu Việt Nam tăng lên mức cao nhất kể từ cuối năm 2011 do tác động từ yếu tố mùa vụ, hiện vụ thu hoạch Hè Thu đã gần kết thúc nên nguồn cung bị thu hẹp hơn; ngoài ra, dịch Covid-19 tái bùng phát khiến nhiều tác nhân trong chuỗi tăng cường dự trữ. Dự báo giá sẽ tiếp tục tăng trong vài tháng tới cho đến khi vụ thu hoạch mới vào khoảng tháng 10.
Theo Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương), giá gạo 5% tấm của Việt Nam tuần này tăng lên 490 USD/tấn, so với 480-490 USD/tấn của tuần trước, do nguồn cung khan hiếm. Tuy nhiên, các thương gia cho rằng, nhu cầu yếu có thể cản trở giá tăng thêm nữa trong thời gian tới. Nguồn cung trên thị trường Việt Nam sẽ không tăng cho tới vụ thu hoạch mới.
Thị trường thịt lợn: Giá lợn hơi hôm nay 5/9 ổn định ở mức thấp và duy trì trong khoảng từ 74.000 - 80.000 đồng/kg tại các tỉnh, thành trên cả nước.
Thị trường lợn hơi miền Bắc, phần lớn các địa phương trong vùng đang thu mua quanh mức 74.000-77.000 đồng/kg. Tại Nam Định và Thái Nguyên hiện cùng giao dịch với giá 77.000 đồng/kg. Còn tại Bắc Giang, Yên Bái, Hưng Yên, Thái Bình, Hà Nam… giá thu mua dao động trong khoảng 75.000 - 76.000 đồng/kg. Riêng Phú Thọ duy trì ở mức 74.000 đồng/kg. Đây cũng là tỉnh có giá giao dịch thấp nhất tại các tỉnh phía Bắc.
Tại miền Trung, Tây Nguyên vẫn giữ nguyên mức giá giao dịch của ngày hôm qua và được thương lái thu mua trong khoảng 75.000 - 80.000 đồng/kg. Một loạt các tỉnh trong vùng thu mua quanh mức 78.000 đồng/kg như Quảng Bình, Bình Định, Khánh Hòa, Đắk Lắk, Ninh Thuận, Bình Thuận. Quảng Nam và Lâm Đồng duy trì mức giá cao ở ngưỡng 80.000 đồng/kg, dẫn đầu về giá thu mua trên phạm vi cả nước.
Tại khu vực phía Nam không có thay đổi mới so với ngày hôm qua và được giao dịch trong khoảng 75.000 - 80.000 đồng/kg. Tại Cà Mau, Hậu Giang, Kiên Giang, Cần Thơ… giá thu mua đồng loạt giữ nguyên tại mức 78.000 đồng/kg. Bình Phước và Trà Vinh hiện đang dẫn đầu khu vực với mức 80.000 đồng/kg, trong khi đó, giá tại Bạc Liêu dừng lại ở mốc 75.000 đồng/kg.
Lợn sống nhập khẩu từ Thái Lan có giá khoảng 70.000 đồng/kg, về đến Việt Nam xuất bán trong khoảng từ 80.000-83.000 đồng/kg.
Xuất khẩu rau quả giảm 11,3%
Tính đến ngày 15/8, giá trị xuất khẩu rau quả của cả nước ước đạt 2,1 tỷ USD, giảm 11,8% so với cùng kỳ năm 2019. Giá trị xuất khẩu rau quả tháng 8/2020 ước đạt 280 triệu USD, đưa giá trị xuất khẩu rau quả 8 tháng của năm nay đạt gần 2,26 tỷ USD, giảm 11,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Nguyên nhân chính là do ảnh hưởng của dịch Covid-19 diễn biến phức tạp khiến việc xuất khẩu và tiêu thụ không thuận lợi.
Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn) cho biết, xuất khẩu trái cây sang Mỹ có nhiều tín hiệu khả quan sau những nỗ lực đàm phán của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam với Bộ Nông nghiệp Mỹ. Cơ quan Kiểm dịch động thực vật Mỹ (APHIS) đã tiếp tục cử chuyên gia thực hiện giám sát xử lý hoa quả tươi xuất khẩu sang thị trường này, sau những gián đoạn do tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19.
Ngoài thị trường Trung Quốc, xuất khẩu trái cây có nhiều tín hiệu khả quan khi nhiều chủng loại quả của Việt Nam được thúc đẩy xuất khẩu sang các thị trường có yêu cầu cao về chất lượng sản phẩm như: 20 tấn thanh long ruột đỏ của tỉnh Sơn La được xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản; 7 tấn sầu riêng đông lạnh được xuất khẩu vào Australia, 10 tấn thanh long ruột đỏ được xuất khẩu sang Nga.
Đức tăng nhập khẩu hạt tiêu từ Việt Nam
Theo số liệu thống kê của Ủy ban Thương mại quốc tế (ITC), nhập khẩu hạt tiêu của Đức trong 5 tháng đầu năm 2020 đạt 12,5 nghìn tấn, trị giá 35,93 triệu USD, giảm 4,3% về lượng và giảm 20% về trị giá so với cùng kỳ năm 2019. 5 tháng đầu năm 2020, giá nhập khẩu bình quân hạt tiêu của Đức đạt 2.873 USD/tấn, giảm 16,3% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, giá nhập khẩu bình quân hạt tiêu của Đức từ Việt Nam giảm 16,3%, xuống còn 2.750 USD/tấn.
5 tháng đầu năm 2020, Đức giảm nhập khẩu hạt tiêu từ Brazil nhưng tăng mạnh từ Việt Nam. Cụ thể, theo ITC, nhập khẩu hạt tiêu của Đức từ Brazil trong 5 tháng đầu năm 2020 giảm 13,8% về lượng và giảm 23% về trị giá so với cùng kỳ năm 2019, đạt 5.373 tấn, trị giá 11,88 triệu USD. Thị phần hạt tiêu của Brazil trong tổng lượng nhập khẩu của Đức chiếm 43% trong 6 tháng đầu năm 2020, thấp hơn so với 47,7% trong 5 tháng đầu năm 2019.
Ngược lại, nhập khẩu hạt tiêu của Đức từ Việt Nam tăng 19,7% về lượng và tăng 0,1% về trị giá so với cùng kỳ năm 2019, đạt 4.907 tấn, trị giá 13,49 triệu USD. Thị phần hạt tiêu của Việt Nam trong tổng lượng nhập khẩu của Đức tăng từ 31,4% trong 5 tháng đầu năm 2019, lên 39,2% trong 5 tháng đầu năm 2020.
Về số liệu xuất khẩu hạt tiêu của Việt Nam, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) ước tính, xuất khẩu hạt tiêu tháng 8/2020 đạt 18 nghìn tấn, trị giá 45 triệu USD, giảm 0,1% về lượng nhưng tăng 0,3% về trị giá so với tháng 7/2020; giảm 4,6% về lượng và giảm 3% về trị giá so với tháng 8/2019.
Tính chung, trong 8 tháng đầu năm 2020, xuất khẩu hạt tiêu đạt 203 nghìn tấn, trị giá 445 triệu USD, giảm 7,4% về lượng và giảm 19,9% về trị giá so với cùng kỳ năm 2019.