Trong khuôn khổ dự án Hanoi Rethink, Quỹ Fab City đã tổ chức một chuỗi các hoạt động thúc đẩy sáng tạo như Khóa học Thiết kế phân tán, Thử thách Thiết kế với chủ đề Đời sống Tuần hoàn và sự kiện Make-athon từ tháng 7 tới tháng 9 2022.
Chuỗi hoạt động có tên chung là cuộc thi Thử thách Thiết kế Đời sống Tuần hoàn với mục tiêu tìm kiếm những ý tưởng mới mẻ có khả năng thúc đẩy và phát triển những giá trị, di sản của thành phố Hà Nội trong nền kinh tế văn hóa và sáng tạo.
Ban tổ chức trao giải cho các tác giả đoạt giải. (Nguồn: BTC) |
Cuộc thi đã thu hút nhiều ý tưởng mới có chất liệu sáng tác phong phú, phát huy từ nghề truyền thống, áp dụng công nghệ chế tác kỹ thuật số đến thiết kế mở rộng.
Các ý tưởng tham gia cuộc thi đã thể hiện được những hướng tiếp cận và giải pháp sáng tạo trong các chủ đề: biến rác thải thành giá trị, di sản và chế tác mỹ thuật, mô hình giáo dục mới, ứng dụng thiết kế phân tán..
Giải thưởng cao nhất được trao cho cho 3 dự án với thiết kế bền vững, sáng tạo và có khả năng nhân rộng nhất khắp Hà Nội và Việt Nam: “Mì Tôm xanh” của nhóm tác giả Nguyễn Công Duy Anh, Lê Ngọc Linh và Vũ Thị Thảo; “Âm thanh của gỗ tái chế” của Nguyễn Thị Hảo và “Tô màu chất lượng không khí” (Coloring Air Quality) của Nguyễn Trần Nam Phương.
Ngay sau lễ trao giải, 3 đội sẽ cùng mang sản phẩm của mình tham dự Bali Fab Fest diễn ra tại Bali, Indonesia vào giữa tháng 10 này.
Nguyễn Trần Nam Phương - tác giả sản phẩm “Tô màu chất lượng không khí” (Coloring Air Quality) chia sẻ. “Tham gia cuộc thi và được gặp gỡ các chuyên gia, Ban giám khảo và các bạn thí sinh khác, đặc biệt trong sự kiện Make-athon đã giúp em học hỏi được rất nhiều điều quý báu, nhận được nhiều đóng góp để tiếp tục hoàn thiện ý tưởng của mình. Với chuyến đi tới Bali, em cũng mong sẽ tìm kiếm được nhiều nguồn hỗ trợ về tài chính và chuyên môn để phát triển sản phẩm như mong muốn".
Dự án “Tô màu chất lượng không khí” xây dựng mô hình mô phỏng kiến trúc của Hà Nội tích hợp với hệ thống đèn thể hiện chất lượng không khí thời gian thực thông qua nền tảng thông tin của IQAir.
Ngoài ra, Giải thưởng Ý tưởng triển vọng được trao cho 3 thí sinh có hướng tiếp cận sáng tạo và có nhiều tiềm năng phát triển trong tương lai: “Thiết bị lọc không khí bằng rêu (Moss Air Purifier) của nhóm tác giả Lê Vũ Cường, Hoàng Thị Minh Ngọc, và Vũ Ngọc Phương Anh; “Bưu thiếp di sản văn hóa Hà Nội với công nghệ thực tế ảo tăng cường” của Huỳnh Ngọc Thái Anh và “Hanoi Connect” của nhóm tác giả Nguyễn Khắc Tới, Nguyễn Trung Kiên và Nguyễn Ngọc Linh.
Quang cảnh lễ trao giải vào ngày 13/10. (Nguồn: BTC) |
Cô giáo Vũ Thị Thảo - giáo viên Trường THPT Vinschool cùng học sinh của mình mang tới sản phẩm "Mì tôm Xanh" tái chế vỏ mì tôm thành những sản phẩm hữu ích và thẩm mỹ chia sẻ: “Cô và trò của Mỳ tôm Xanh đã học được rất nhiều qua chương trình đào tạo của cuộc thi, khi được các chuyên gia tư vấn về phát triển dự án cũng như các thiết bị như máy quay vỏ mì tôm.
Các bạn trẻ học được rất nhiều ý nghĩa trong cuộc sống, biết chia sẻ với các hoàn cảnh khó khăn, biết tận dụng rác và tư duy sáng tạo để truyền bá tới mọi người các hành động đẹp, tuyên truyền với cộng đồng để họ chung sức quyên góp vỏ mỳ tôm cho mình.”
Ông Kjell Sundin, Giám đốc dự án của hợp phần UNIDO trong Hanoi Rethink, phát biểu tại lễ trao giải: “Những gì chúng ta thấy ở đây, hôm nay cũng là một hình thái trao quyền khác, đó là khi chúng ta được chứng kiến những bộ óc sáng tạo đang phát triển các ý tưởng tuyệt vời thành dự án cụ thể.
Dự án “Mì Tôm Xanh” của nhóm tác giả Nguyễn Công Duy Anh, Lê Ngọc Linh và Vũ Thị Thảo. (Nguồn: BTC) |
Trong khuôn khổ dự án Hanoi Rethink, UNIDO cùng với Fab Lab Foundation, và hợp tác chặt chẽ với các không gian chế tác hiện có ở Hà Nội, đã thu hút những tài năng sáng tạo của Hà Nội và kết nối họ với các không gian sáng tạo ở thành phố này".
Các ý tưởng tham gia và đoạt giải đã thành công trong việc kết nối giữa di sản của Hà Nội với những cách thức sáng tạo mới, góp phần hiện thực hóa khái niệm “Thành phố Sáng tạo Hà Nội và hướng tới Thủ đô Sáng tạo Hà Nội” do Thành phố Hà Nội khởi xướng xây dựng sau khi trở thành một thành viên của Mạng lưới các Thành phố Sáng tạo của UNESCO năm 2019.