Các nhà nghiên cứu cho rằng thiếu hụt vitamin D dẫn đến suy giảm chức năng thần kinh. (Nguồn: Medical News Today) |
Tác giả của nghiên cứu - ông Joshua Miller (Đại học Rutger, New Brunswick, Mỹ) cho biết, hiện chưa rõ vitamin D có vai trò gì trong việc này nhưng có bằng chứng rõ ràng cho thấy, vitamin D đi vào tất cả các tế bào của cơ thể, kể cả não bộ. Vì vậy, có thể loại vitamin này bảo vệ não bộ khỏi sự phát triển của các mảng bám và các rối loạn liên quan đến bệnh Alzheimer. Ông Miller cũng cảnh báo, hiện chưa có bằng chứng về việc bổ sung vitamin D có thể tác động tích cực đến việc suy giảm chức năng thần kinh.
Nhóm nghiên cứu cũng xác định có 4 mức độ vitamin D trong máu: mức thiếu nghiêm trọng nếu ít hơn 12 nanogram trên mỗi ml (ng/mL), mức chưa đủ từ 12-20 ng/mL, mức chấp nhận được từ 20-50 ng/mL và mức cao là 50 ng/mL hoặc nhiều hơn.
Theo Viện Sức khỏe quốc gia Mỹ, liều lượng dung nạp vitamin D đối với người trưởng thành là 600-800 IU. Vitamin D, còn gọi là vitamin Mặt Trời - vì có rất nhiều trong ánh nắng Mặt Trời, cũng được tìm thấy nhiều trong các loại thức ăn như sữa, nước cam, ngũ cốc, sữa chua, cá, lòng đỏ trứng và gan.
Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng hầu hết những người tham gia thử nghiệm nghiên cứu có nồng độ Vitamin D quá thấp, 26% bị thiếu hụt nghiêm trọng và 35% chưa đủ. Người da đen và người gốc Tây Ban Nha có mức vitamin D thấp hơn so với người da trắng.
Tiến sĩ Sam Gandy, Giám đốc Trung tâm Nhận thức sức khỏe (Bệnh viện Mount Sinai, New York), cho biết, "những người ở độ tuổi 55 trở lên cần thiết phải kiểm tra vitamin D ít nhất một lần để đánh giá về mức độ suy giảm thần kinh".
Thu Nhi (theo WebMD)