📞

Thiếu kinh phí, chương trình toàn cầu ứng phó Covid-19 ‘hụt hơi’?

Văn Tuấn 17:26 | 09/02/2022
Trên thực tế, phản ứng toàn cầu về sáng kiến "Tăng tốc tiếp cận các công cụ ứng phó với Covid-19" rất mờ nhạt, tình trạng thiếu vốn khiến cho việc triển khai sáng kiến này đang bị chậm lại.
Phản ứng toàn cầu về sáng kiến “Tăng tốc tiếp cận các công cụ ứng phó với Covid-19 rất mờ nhạt, tình trạng thiếu vốn khiến cho việc triển khai sáng kiến này bị chậm lại. (Nguồn: Reuters)

Ngày 8/2, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và các nhóm viện trợ cho biết, sáng kiến toàn cầu nhằm cung cấp các xét nghiệm, phương pháp điều trị và vaccine Covid-19 cho các quốc gia nghèo hơn đến nay mới chỉ nhận được 5% số tiền quyên góp cho việc thực hiện các mục tiêu trong năm 2022.

Phát biểu tại họp báo, các nhà quản lý của dự án Sáng kiến “Tăng tốc tiếp cận các công cụ ứng phó với Covid-19” (ACT-A: Access to Covid-19 Tools Accelerator) cho biết, tính đến nay, sáng kiến này mới nhận được 814 triệu USD từ WHO và một số tổ chức, gồm Liên minh Đổi mới sáng tạo sẵn sàng cho dịch bệnh (CEPI), Quỹ Toàn cầu và Quỹ Bill & Melinda Gates.

Đại sứ toàn cầu của WHO về tài chính y tế, cựu Thủ tướng Anh Gordon Brown cho biết, đó chỉ là 5% rất nhỏ so với yêu cầu, đồng thời nhấn mạnh: "Đã đến lúc phải đánh thức lương tâm của thế giới".

Về phần mình, quan chức cấp cao của WHO Bruce Aylward, người đóng vai trò là điều phối viên của Sáng kiến, cho biết “phản ứng toàn cầu rất mờ nhạt,” tình trạng thiếu vốn khiến cho việc triển khai sáng kiến này bị chậm lại.

Sáng kiến ACT-A cần 23,4 tỷ USD để triển khai các hành động từ tháng 10/2021 đến tháng 9/2022, trong đó hy vọng nhận được 16,8 tỷ USD từ các nước giàu. Trọng tâm của sáng kiến bao gồm chương trình COVAX - tập trung vào việc tiếp cận công bằng với vaccine, cung cấp các xét nghiệm và phương pháp điều trị cho các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình, trang bị bảo hộ cá nhân (PPE) cho nhân viên y tế.

Tuy nhiên, tình trạng thiếu kinh phí đã bộc lộ rõ ngay từ khi bắt đầu đại dịch, khi cần thêm tới14,5 tỷ USD để triển khai dự án. Phần lớn kinh phí chỉ đủ sử dụng cho chương trình cung cấp vaccine ngừa Covid-19, còn lại các mục tiêu khác như xét nghiệm, phương pháp điều trị và PPE chỉ nhận được khoản tiền ít ỏi.

Trong khi đó, dù được ưu tiên nhiều hơn, chương trình cung cấp vaccine ngừa Covid-19 vẫn chưa đạt được mục tiêu cung cấp 2 tỷ liều trong năm 2021.

Theo số liệu của WHO, đến nay mới có 10% người dân ở các nước thu nhập thấp nhận được tiêm ít nhất một mũi vaccine, so với gần 68% ở các nước giàu hơn.

Một số nhà lãnh đạo thế giới đã công khai ủng hộ việc thúc đẩy thêm tài trợ, kêu gọi tăng cường đầu tư để chấm dứt giai đoạn khẩn cấp của đại dịch Covid-19 trong năm 2022.

Ông Brown kêu gọi các quốc gia tài trợ cho sáng kiến này theo một mô hình chia sẻ công bằng dựa trên quy mô nền kinh tế từng nước, giống như cách thức tài trợ cho Lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc.

(theo TTXVN)