📞

Thiếu tướng Lê Văn Cương: Để Việt Nam tự tin nơi bể lớn

14:15 | 14/08/2018
Thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Bộ Công An, cho rằng đã đến lúc Việt Nam cần đổi mới tư duy để “bứt tốc”, song hành cùng thời đại.

Hội nghị Ngoại giao (HNNG) lần thứ 30 diễn ra trong bối cảnh quốc tế có nhiều điểm khác biệt so với HNNG lần thứ 29.

Một thế giới “khó lường”

Trong lĩnh vực kinh tế, mối tương quan, tương hỗ quốc tế trên toàn cầu hiện tại khác hẳn so với năm trước trên hai phương diện.

Một là, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã triển khai chính sách kinh tế mới, đưa Mỹ dần rút lui khỏi các cơ chế kinh tế đa phương và ưu tiên tham gia các cơ chế kinh tế song phương. Ông cho rằng các định chế đa phương này là không công bằng với Mỹ, làm thiệt hại lợi ích kinh tế của Washington, các nước đang sử dụng cơ chế đa phương và Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) để tìm kiếm lợi ích từ Mỹ.

Thiếu tướng Lê Văn Cương

Tuy nhiên, với hơn 45 năm lăn lộn trên thương trường, ông Trump có nhận thức đúng đắn về mặt kinh tế quốc tế. Đây là điểm khác biệt giữa ông và năm đời Tổng thống trước, những người có xuất thân từ luật sư và có bề dày kinh nghiệm chính trị hơn về kinh tế. Do đó, quyết định của ông Trump đã ít nhiều mang về lợi ích nhất định cho nền kinh tế, dù nó được đánh đổi bằng một phần không nhỏ sức mạnh mềm của Mỹ trên trường quốc tế.

Hai là, khác với HNNG 29, HNNG 30 diễn ra trong bối cảnh xung đột thương mại Mỹ - Trung đang trở nên căng thẳng, bùng phát thành một cuộc chiến tranh thương mại toàn cầu. Sự kiện này bắt đầu ngày 23/3, sau khi Washington công bố kết quả điều tra về thâm hụt thương mại với Trung Quốc. Chiếu theo điều 301 của Luật Đầu tư Thương mại Mỹ năm 1974 quy định, khi phát hiện thấy các đối tác thương mại với Mỹ có các biểu hiện cạnh tranh không lành mạnh, thiệt hại lợi ích Mỹ, Tổng thống có quyền đưa ra các quyết định đối phó, Ngày 6/7, ông Donald Trump tuyên bố đánh thuế 50 tỷ USD giá trị hàng hóa Trung Quốc. Con số này được cho là có thể lên đến 500 tỷ USD thời gian tới.

Song điều này không chỉ áp dụng với Trung Quốc. Căn cứ Đạo luật Thương mại Mỹ năm 1962, ông Trump đã đánh thuế toàn bộ sắt (25%) và nhôm (10%) nhập khẩu vào Mỹ, trong đó có cả đồng minh thân cận như khối các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU), Nhật Bản, Hàn Quốc…

Bối cảnh chính trị và an ninh thế giới trước thềm HNNG 30 cũng có nhiều điểm khác so với HNNG 29, thể hiện chủ yếu trong hai mối quan hệ nước lớn, chi phối cục diện quốc tế là Mỹ - Nga và Mỹ - Trung. Trong quan hệ Mỹ - Trung, ban đầu Tổng thống Trump đã chủ động thiết lập quan hệ cá nhân với Chủ tịch Tập Cận Bình. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, để phục vụ cho thuyết “Nước Mỹ trên hết”, “Khôi phục sự vĩ đại của nước Mỹ”, ông đã từ bỏ mối quan hệ cá nhân này, Bắc Kinh và Washington trở nên căng thẳng hơn cả về kinh tế và chính trị so với một năm trước.

Trong khi đó, quan hệ Mỹ - Nga lại có một bước ngoặt. Ngay từ khi tranh cử, ông Trump đã bày tỏ mong muốn gặp gỡ để “làm hòa” với ông Putin, song đã bị “trói tay” bởi sách luật H.R.3364 của Quốc hội Mỹ ký ngày 2/8/2017, đưa ra giới hạn đỏ trong quan hệ với Nga mà ông Trump không thể vượt qua. Phải tới ngày 16/7, thượng đỉnh giữa ông Donald Trump và người đồng cấp Nga Vladimir Putin mới có thể diễn ra, đưa quan hệ Mỹ - Nga từ “đối đầu, không đối thoại” sang “đối đầu, đối thoại”. Tuy nhiên, triển vọng bình thường hóa quan hệ song phương vẫn còn rất xa vời.

Việt Nam như một con thuyền trên dòng sông cuồn cuộn không ngừng của thế giới, cần nắm bắt được những dòng chủ lưu, có hành động kịp thời thì mới có thể tránh đá ngầm, vận dụng dòng chảy, tăng tốc tối đa về phía trước.

Điểm sáng APEC

Trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều biến động khó lường như vậy, song Việt Nam vẫn tổ chức thành công Năm APEC Việt Nam 2017 với đỉnh cao là Tuần lễ Cấp cao tại Đà Nẵng tháng 11/2017. Tuần lễ Cấp cao APEC là trọng tâm, song không thể kể đến hàng trăm cuộc họp diễn ra từ tháng 3, tháng 4 trước đó, với sự tham dự của nhiều khách nước ngoài. Tại thời điểm đó, tình hình an ninh khu vực có nhiều biến động khó lường, chủ nghĩa khủng bố đang trên đà phát triển. Song, mọi sự kiện trọng tâm cũng như bên lề của APEC, với sự tham dự của nhiều lãnh đạo đến từ các quốc gia hàng đầu thế giới như Mỹ, Nga, Trung Quốc, Nhật Bản… đều được Việt Nam tổ chức thành công, đảm bảo an toàn tuyệt đối.

Thêm vào đó, APEC 29 diễn ra trong một bối cảnh khó khăn hơn rất nhiều so với những APEC lần trước. Mỹ rút khỏi các định chế đa phương về kinh tế, ưu tiên các cơ chế song phương, triển khai bảo hộ mậu dịch, trong khi bản thân của APEC là một diễn đàn kinh tế đa phương. Song, Việt Nam đã khôn khéo đưa được nội dung, ý tưởng của Hội nghị lần này vào Tuyên bố Đà Nẵng, nhận được sự đồng thuận của 20 nước thành viên còn lại. Thành công này đến từ sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, song không thể không kể đến vai trò của Bộ Ngoại giao trong vai trò tham mưu, đưa ra ý tưởng, lịch trình, nội dung những vấn đề thảo luận để xoa dịu mâu thuẫn, không làm gay gắt thêm khác biệt giữa các quốc gia.

Cuối cùng, thành công của APEC lần thứ 29 còn nằm ở việc quảng bá nền văn hóa đa dạng, giàu bản sắc, hình ảnh của con người Việt Nam thân thiện trong mắt bạn bè quốc tế. Điều này làm cho cộng đồng quốc tế đánh giá cao Việt Nam hơn, coi đây là một địa điểm đáng để du lịch, khám phá, cũng như đầu tư, làm ăn và sinh sống.

Tối đa hóa lợi ích quốc gia

Tuy nhiên, Việt Nam không được “ngủ quên trên chiến thắng” mà cần tiếp nối thành công của APEC 29, nắm bắt rõ biến động của kinh tế thế giới và quan hệ nước lớn, qua đó đẩy mạnh đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ quốc tế, tối đa hóa lợi ích quốc gia. Quan hệ Mỹ - Trung căng thẳng khiến không gian ngoại giao của Việt Nam bị thu hẹp. Washington rất chú ý đến mọi hoạt động kinh tế và an ninh giữa Việt Nam và Trung Quốc. Ngược lại, mọi bước tiến trong quan hệ Việt – Mỹ cũng luôn được phía Bắc Kinh dõi theo. Tương tự, Nga cũng rất chú ý tới thay đổi trong quan hệ Việt - Mỹ, đặc biệt là về mặt quốc phòng an ninh. Do đó, khi ông Trump và ông Putin đối thoại, Việt Nam sẽ có một khoảng không gian ngoại giao rộng hơn. Thêm vào đó, khi Washington và Bắc Kinh căng thẳng, Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc sẽ tìm đến Việt Nam. Điều này sẽ mang đến những cơ hội hợp tác về kinh tế, ngoại giao, quốc phòng an ninh mới mà Việt Nam có thể tận dụng.

Song để tối đa hóa lợi ích quốc gia dân tộc trong bối cảnh một thế giới biến động nhanh và khó lường, Việt Nam cần đổi mới tư duy về đối ngoại, tiến cùng thời đại, nhìn rõ những chuyển biến, vận động của thế giới trên các trục lớn. Việt Nam như một con thuyền trên dòng sông cuồn cuộn không ngừng của thế giới, cần nắm bắt được những dòng chủ lưu, có hành động kịp thời thì mới có thể tránh đá ngầm, vận dụng dòng chảy, tăng tốc tối đa về phía trước. Để thực hiện được điều này, Bộ Ngoại giao cần tiếp tục đóng một vai trò quan trọng, tích cực hơn trong việc tham mưu, tư vấn chính sách cho Chính phủ.

Thêm vào đó, Việt Nam cần hiểu rõ và áp dụng triệt để hai quan điểm trong mọi tình huống. Một, lợi ích quốc gia là tối thượng. Hai, không có kẻ thù vĩnh viễn, không có bạn bè vĩnh viễn, chỉ có lợi ích vĩnh viễn. Việt Nam phải hiểu rõ được lợi ích quốc gia nằm ở đâu, qua đó đưa ra quyết định chính xác trước những biến chuyển nhanh và linh hoạt của các tập hợp lực lượng, thầm nhuần “tính cơ hội và thực dụng” trong quan hệ quốc tế.

Ngoài ra, Việt Nam phải duy trì quan hệ với Trung Quốc, mở rộng hợp tác với Mỹ và châu Âu, giữ thế cân bằng trong khu vực, thắt chặt, củng cố mối quan hệ chiến lược, lâu dài với Nhật Bản, Ấn Độ. Đồng thời, Việt Nam cần tiếp tục đảm bảo và mở rộng hợp tác với các nước có quan hệ đặc biệt (Lào và Campuchia), đóng vai trò tích cực và có trách nhiệm trong Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN).

Quan trọng hơn, muốn Việt Nam mạnh thì Đảng phải mạnh. Ban chấp hành Trung ương cần chỉ đạo sát sao, thực hiện Nghị quyết TW 4, TW 6 khóa XII, tạo nên sức mạnh của Đảng, chuyển hóa thành sức mạnh của Nhà nước và cả dân tộc. Chỉ khi dân tin Đảng, ý Đảng lòng dân là một thì Việt Nam mới có thể vững bước về phía trước, trở thành lực lượng mạnh mẽ không gì khuất phục được. 

(ghi)