Không những thế, quyết định của Washington còn gây tổn hại cho các nỗ lực của các đồng minh thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) nhằm tăng cường trao đổi thương mại.
Bộ trưởng Thương mại Thổ Nhĩ Kỳ Ruhsar Pekcan. (Nguồn: Pakistan Point) |
Bình luận trên mạng xã hội Twitter, bà Pekcan cho biết Thổ Nhĩ Kỳ dự định tăng cường nỗ lực nhằm đạt mục tiêu trên “mà không mất đi bất cứ động lực nào”. Theo bà Pekcan, quyết định trên có thể gây phương hại cho các doanh nghiệp và nhà sản xuất có quy mô vừa và nhỏ của Mỹ.
Trước đó, ngày 4/3, Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) tuyên bố Washington dự kiến chấm dứt cơ chế ưu đãi đối với Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ, những nước đang phát triển được hưởng lợi theo chương trình Hệ thống Ưu đãi phổ cập (GSP). Hệ thống này miễn thuế cho “một số sản phẩm nhất định” nhập khẩu vào Mỹ nếu đáp ứng tiêu chí phù hợp, trong đó có việc “cho phép Mỹ tiếp cận thị trường công bằng và thỏa đáng”.
USTR cho rằng Ấn Độ đã triển khai nhiều rào cản thương mại “gây ra những tác động tiêu cực và nghiêm trọng” đối với hoạt động thương mại của Mỹ. Ngoài Ấn Độ, Mỹ xem xét chấm dứt cơ chế ưu đãi đối với Thổ Nhĩ Kỳ, với lý do nước này “đã phát triển đầy đủ về mặt kinh tế”.
Phản ứng sau tuyên bố trên, Thứ trưởng Bộ Thương mại Ấn Độ Anup Wadhawan cho rằng việc Mỹ chấm dứt GSP đối với hàng hóa Ấn Độ sẽ không gây tác động đáng kể đối với xuất khẩu của Ấn Độ sang Mỹ. Theo ông, hai nước đang cố gắng thống nhất một gói thương mại để giải quyết quan ngại của mỗi bên.
Cũng theo ông Wadhawan, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng năm của Ấn Độ sang Mỹ đạt gần 80 tỷ USD, song trị giá lượng hàng hóa được hưởng ưu đãi không bị đánh thuế theo GSP chỉ khoảng 5,6 tỷ USD.
Nếu Mỹ chấm dứt cơ chế GSP đối với Ấn Độ, đây sẽ là biện pháp mạnh tay nhất đối với nước này kể từ khi Tổng thống Trump nhậm chức hồi năm 2017. Ông Trump cam kết giảm tình trạng thâm hụt thương mại của Mỹ và nhiều lần chỉ trích Ấn Độ áp thuế nhập khẩu cao. Theo USTR, thâm hụt thương mại hàng hóa và dịch vụ của Mỹ với Ấn Độ năm 2017 ở mức 27,3 tỷ USD.