📞

Thổ Nhĩ Kỳ có nhiều động thái mới tại Libya: Định hình cuộc chơi mới

Dịch Dung 15:05 | 27/12/2019
TGVN. Sau Syria, hiện tại Libya đang trở lại trong tầm ngắm của ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ. Nguyên nhân nào khiến Thổ Nhĩ Kỳ gia tăng động thái ở khu vực này? Phân tích của Báo Thế giới & Việt Nam.

Libya trở thành ưu tiên chính trị an ninh và đối ngoại hàng đầu của Thổ Nhĩ Kỳ. Biếm họa của Ensonhaber.com

Về phương diện tác động địa chiến lược đối với khu vực và thế giới, việc Mỹ triệt thoái quân đội ra khỏi Syria là một trong những sự kiện đáng được chú ý đến nhất của năm 2029 sắp đi qua. Tương quan lực lượng chính trị cũng như quân sự và cục diện an ninh và ổn định ở Syria và khu vực Trung Đông, Bắc Phi và Vùng Vịnh vì thế thay đổi rất cơ bản. Hình hài của giải pháp chính trị hoà bình cho Syria đã lộ diện càng thêm rõ nét.

Trong bối cảnh tình hình như thế, những động thái từ phía Thổ Nhĩ Kỳ thời gian gần đây với Libya báo hiệu đang dần định hình một cuộc chơi mới về quyền lực và ảnh hưởng ở bên trong cũng như từ bên ngoài giành vai trò và ảnh hưởng đối với Libya.

Hai lý do của người Thổ

Có hai lý do khiến Thổ Nhĩ Kỳ tăng cường những động thái như vậy trong thời gian vừa qua. Lý do thứ nhất là chiến dịch quân sự của tướng Haftar với Quân đội quốc gia Libya tấn công thẳng vào Thủ đô Tripoli với mục tiêu lật đổ chính phủ được Liên hợp quốc và Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn ở Tripoli.

Phe cánh của ông Haftar được cả Ai Cập và Saudi Arabia cùng một số nước khác trong khu vực và đặc biệt được Nga và Pháp hậu thuẫn. Nếu không được bên ngoài, đặc biệt là Thổ Nhĩ Kỳ trợ giúp mạnh mẽ, thiết thực và gấp rút thì phe chính phủ ở Tripoli không phải là đối thủ quân sự của phe cánh của tướng Haftar. Thổ Nhĩ Kỳ bị đẩy đến trước nguy cơ bị trắng tay ở Libya.

Lý do thứ hai là chuyện lợi ích hiện tại cũng như lâu dài của Thổ Nhĩ Kỳ ở Syria về cơ bản đã được thu xếp ổn thoả đối với Thổ Nhĩ Kỳ mà trong đó Ankara đặc biệt coi trọng vấn đề người Kurd và vấn đề vai trò, ảnh hưởng chính trị khu vực của Thổ Nhĩ Kỳ.

Nói theo cách khác, Thổ Nhĩ Kỳ hiện có thể tạm yên tâm về Syria nên có thời gian và tâm trí, lợi ích và sự cần thiết nhìn nhằm vào nơi khác ở xung quanh mà hiện khả thi nhất, lại còn cấp bách nhất là Libya.

Cho nên chỉ trong thời gian rất ngắn, phía Thổ Nhĩ Kỳ đã cho thấy Libya giờ trở thành ưu tiên chính trị an ninh và đối ngoại hàng đầu của Ankara. Với chính phủ ở Thủ đô Tripoli, Thổ Nhĩ Kỳ nhanh chóng ký hiệp định về phân định biên giới và vùng biển mà trong đấy còn có cả thoả thuận cho phép hải quân Thổ Nhĩ Kỳ hoạt động ở trong phạm vi lãnh hải của Libya.

Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã nhanh chóng thông qua luật mới về hợp tác quân sự với chính phủ Lybia và tạo tiền đề pháp lý cần thiết để Thổ Nhĩ Kỳ bất cứ lúc nào cũng đều có thể đưa quân đội sang Libya. Phía Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu công khai đề cập đến khả năng xây dựng căn cứ quân sự ở Lybia và triển khai quân đội lâu dài ở Libya.

Bạn có thể quan tâm:

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan bất ngờ công du Tunesia trong chiến dịch ngoại giao tranh thủ và tập hợp các nước trong khu vực thành liên quân ủng hộ chính phủ ở Tripoli - mà sự ủng hộ này đồng nghĩa với việc chống đối phe cánh của tướng Haftar ở Libya.

Phía Thổ Nhĩ Kỳ còn phản đối mạnh mẽ việc Israel, Hy Lạp và Cyprus hợp tác khai thác và chu chuyển khí đốt ở vùng Địa Trung Hải.

Cuộc chơi mới ở Libya

Thổ Nhĩ Kỳ đang gây dựng một cuộc chơi mới ở Libya nhưng nhằm những lợi ích vượt ra ngoài Libya.

Mục tiêu thứ nhất của Thổ Nhĩ Kỳ là tạo dựng cục diện chính trị, quân sự và an ninh có lợi nhất cho Thổ Nhĩ Kỳ ở khu vực này.

Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đã được triển khai ở miền Bắc Syria và Iraq, Thổ Nhĩ Kỳ có căn cứ quân sự ở Qatar. Libya nữa sẽ vừa hoàn thiện vừa củng cố thế đứng ấy cho Thổ Nhĩ Kỳ ở khu vực.

Mục tiêu thứ hai của nước này là gây dựng vai trò và ảnh hưởng về chính trị, quân sự và an ninh nổi trội ở khu vực, tăng thế cho Thổ Nhĩ Kỳ trong quan hệ với Mỹ và những thành viên lớn trong EU và NATO, đồng thời giúp Thổ Nhĩ Kỳ có thêm những lợi thế và con chủ bài mới trong cuộc ganh đua trực tiếp với Iran và Ả rập Xê út giành sự công nhận là cường quốc khu vực và lãnh đạo thế giới Hồi giáo.

Thổ Nhĩ Kỳ và Nga đồng hành với nhau ở Syria nhưng ngả về hai phe chống nhau ở Libya. Giữa hai nước này có bất đồng quan điềm và xung khắc lợi ích ở Libya nhưng không cơ bản đến mức như Iran và Saudi Arabia cùng đồng minh ở Yemen.

Ưu tiên chiến lược hàng đầu của Nga ở khu vực này là Syria và nhanh chóng giải quyết ổn thoả, dứt điểm vấn đề Syria cũng như ngăn ngừa mọi rủi ro thất bại trong mọi chuyện khác, ở mọi nơi khác trong khu vực này. Cũng có thể thấy Thổ Nhĩ Kỳ hiện đang thực thi ở Libya đúng chiến lược và chiến thuật mà Nga đã và đang vẫn thực thi ở Syria.

Cuộc chơi mới ở Libya có phần dễ nhưng không chỉ có dễ đối với Thổ Nhĩ Kỳ vì có nhiều đối tác bên ngoài đang can dự và sẽ can dự trực tiếp vào diễn biến tình hình ở Libya và vì phe cánh của ông Haftar rất mạnh về quân sự và có những đối tác bên ngoài hậu thuẫn lắm tiền nhiều của hơn Thổ Nhĩ Kỳ.

Hiện tại, Thổ Nhĩ Kỳ đang định hình cuộc chơi mới ở Libya nhưng chưa thấy có gì đảm bảo là nước này chắc chắn rồi sẽ thắng trong cuộc chơi ấy.