Nhà ngoại giao kỳ cựu Sakir Ozkan Torunlar vừa được bổ nhiệm Đại sứ Thổ Nhĩ Kỳ tại Israel. (Nguồn: Haberturk) |
Năm 2018, Thổ Nhĩ Kỳ và Israel trục xuất đại sứ của nhau sau khi Israel trấn áp các cuộc biểu tình của người Palestine khiến 60 người thiệt mạng. Tuy nhiên, quan hệ Tel Aviv-Ankara đã đổ vỡ từ lâu.
Tháng 10/2010, quân đội Israel tấn công tàu của Thổ Nhĩ Kỳ chở hàng viện trợ tới Dải Gaza thuộc Palestine đang bị phong tỏa, khiến 10 người Thổ Nhĩ Kỳ thiệt mạng. Ankara phản ứng quyết liệt, tiến hành xét xử vắng mặt bốn sĩ quan quân đội cấp cao Israel liên quan vụ tấn công trên.
Căng thẳng cứ thế leo thang, hai bên liên tục tung ra những lời chỉ trích nhằm vào nhau. Trong khi Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan gọi Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu là kẻ chuyên quyền và giết hại trẻ em, thì ông Netanyahu thì cáo buộc nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ là kẻ độc tài vì tội diệt chủng người Kurd.
Tuy nhiên, thời thế đang có nhiều đổi thay. Kinh tế thế giới có nguy cơ suy thoái, lạm phát tăng cao, Tel Aviv và Ankara đều đứng trước yêu cầu cải thiện quan hệ để thúc đẩy hợp tác kinh tế, giải quyết khó khăn trong nước. Đặc biệt, Ankara rất muốn hồi sinh ý tưởng về tuyến đường ống dẫn khí đốt chạy từ Israel qua Thổ Nhĩ Kỳ sang châu Âu, dự án từng được thảo luận từ cách đây hơn 20 năm.
Trong khu vực, xu thế cải thiện quan hệ giữa các nước từng có vướng mắc đang diễn ra mạnh mẽ, cả Israel và Thổ Nhĩ Kỳ đều không muốn đứng ngoài. Thêm vào đó, việc này có thể giúp thúc đẩy tiến trình hòa bình giữa Israel và Palestine bởi Ankara được coi là có ảnh hưởng với phong trào Hamas ở Palestine.
Sau hơn một thập kỷ, Israel và Thổ Nhĩ Kỳ mới chìa cành ô liu cho nhau. Dù có phần muộn màng nhưng động thái đó đang tạo nhiều hy vọng.