Kể từ sau vụ đảo chính bất thành vào tháng 7/2016, Thổ Nhĩ Kỳ đã tiến hành mọi biện pháp để siết chặt an ninh và củng cố bộ máy chính quyền, nhằm ổn định tình hình đất nước.
Phê chuẩn các điều khoản trong dự thảo sửa đổi Hiến pháp
Ngày 19/1, Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ đã phê chuẩn 7 điều khoản đầu tiên ở vòng bỏ phiếu thứ 2 về dự thảo sửa đổi Hiến pháp, theo đó sẽ mở rộng quyền lực cho Tổng thống Recep Tayyip Erdogan. 7 điều khoản này bao gồm tăng số nghị sĩ trong Quốc hội từ 550 lên 600 người; giảm tuổi tối thiểu để trở thành một nghị sĩ từ 25 xuống còn 18 tuổi; và cuộc bầu cử Quốc hội, Tổng thống sẽ được tiến hành 5 năm một lần.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan. (Nguồn: AFP) |
Trước đó, ngày 15/1, Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ đã bỏ phiếu thông qua điều 17 và 18, hai điều khoản cuối cùng trong kế hoạch cải cách Hiến pháp trọn gói, theo đó sẽ mở rộng quyền lực cho Tổng thống Erdogan. Với việc thông qua hai điều khoản cuối cùng này, Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ đã kết thúc vòng bỏ phiếu đầu tiên đối với gói cải cách Hiến pháp sau một tuần bàn thảo và tranh luận căng thẳng.
Điều 17 mở đường cho Tổng thống trở thành thành viên của một đảng phái chính trị và biến chức danh Tổng thống - hiện chỉ là người đứng đầu nhà nước trên danh nghĩa, thành chức vụ sẽ điều hành chính phủ, đề xuất các khoản thu chi ngân sách. Tổng thống sẽ có quyền bổ nhiệm và sa thải các bộ trưởng, trong khi vị trí thủ tướng sẽ lần đầu tiên bị bãi bỏ trong lịch sử hiện đại của Thổ Nhĩ Kỳ.
Do Thổ Nhĩ Kỳ vẫn đang trong tình trạng khẩn cấp kéo dài 6 tháng kể từ khi xảy ra cuộc đảo chính bất thành hôm 15/7/2016, điều 17 cũng sẽ mở rộng phạm vi các điều kiện theo đó Tổng thống có thể ban bố tình trạng khẩn cấp.
Về điều 18, đảng Công lý và Phát triển (AKP) cầm quyền và đảng Dân tộc chủ nghĩa (MHP) cho rằng dự thảo này sẽ đem lại sự lãnh đạo hành pháp mạnh mẽ cần thiết nhằm ngăn chặn sự trở lại của các chính phủ liên minh mong manh trong quá khứ. Trong khi đó, hai đảng đối lập lớn nhất trong Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng, điều 18 có thể cho phép Tổng thống Erdogan nắm quyền đến năm 2029 và sẽ tạo ra chủ nghĩa độc đoán ở quốc gia thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và là ứng cử viên gia nhập Liên minh châu Âu (EU).
Sau khi bỏ phiếu về 18 điều khoản trong dự thảo sửa đổi Hiến pháp, các nghị sĩ sẽ tiến hành bỏ phiếu về toàn bộ dự thảo này. Cuộc bỏ phiếu dự kiến hoàn tất vào tối 20/1. Nếu Quốc hội thông qua dự luật sửa đổi Hiến pháp, kế hoạch cải cách Hiến pháp của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ được đưa ra trưng cầu dân ý, dự kiến vào đầu tháng 4 tới. Trong trường hợp không được Quốc hội thông qua, Thổ Nhĩ Kỳ có thể sẽ phải tổ chức bầu cử.
Rắc rối bủa vây
Thổ Nhĩ Kỳ đang phải đối mặt với mối đe dọa an ninh nghiêm trọng sau khi liên tiếp xảy ra các vụ tấn công khủng bố kinh hoàng khiến dư luận hết sức lo ngại và phẫn nộ. Các vụ tấn công khủng bố xảy ra trong bối cảnh quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đẩy mạnh chiến dịch quân sự nhằm vào các mục tiêu của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng và Lực lượng vũ trang người Kurd (PKK) tại các tỉnh biên giới của Syria giáp Thổ Nhĩ Kỳ. Trong năm 2016, thành phố Istanbul, thủ đô Ankara và nhiều thành phố khác của Thổ Nhĩ Kỳ đã phải hứng chịu nhiều cuộc tấn công do các tay súng thánh chiến và các nhóm vũ trang người Kurd thực hiện, làm hàng trăm binh sĩ và dân thường thiệt mạng.
Cảnh sát phong tỏa hiện trường vụ tấn công hộp đêm trong đêm giao thừa 2017. (Nguồn: AFP) |
Để ngăn chặn các mối đe dọa này, kể từ sau vụ đảo chính quân sự bất thành hồi tháng 7/2015, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan đã tăng cường trấn áp lực lượng bị cáo buộc đứng sau âm mưu đảo chính ở nước này. Chính quyền và giới chức Thổ Nhĩ Kỳ đã tiến hành điều tra gần 102.000 người, giam giữ 41.000 người chờ xét xử và đình chỉ công tác hoặc sa thải hơn 100.000 người làm việc trong các ngành quân đội, tòa án, dân chính hoặc các ngành khác. Đa số những người này đều bị tình nghi liên quan đến mạng lưới ủng hộ Giáo sĩ Hồi giáo Fethullah Gulen đang sống lưu vong tại Mỹ và bị cáo buộc đứng sau cuộc đảo chính quân sự bất thành.
Hồi đầu tháng Một vừa qua, Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ đã bỏ phiếu thông qua đề xuất của chính phủ kéo dài thêm ba tháng tình trạng khẩn cấp. Đây là lần thứ hai Ankara gia hạn tình trạng khẩn cấp vốn được áp đặt từ sau vụ đảo chính quân sự. Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ cho đây là bước đi cần thiết nhằm kéo dài cuộc thanh trừng những người ủng hộ Giáo sĩ Gulen.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan đã và đang tích cực thúc đẩy việc cải cách Hiến pháp, đồng thời khẳng định những cải cách này sẽ giúp Thổ Nhĩ Kỳ thịnh vượng hơn và giảm bớt các vấn đề bất ổn an ninh. Tổng thống Erdogan cũng cam kết tiêu diệt đến cùng chủ nghĩa khủng bố và thực hiện mọi biện pháp, từ quân sự, kinh tế, chính trị đến xã hội nhằm chống lại các tổ chức khủng bố và các quốc gia hỗ trợ khủng bố, để bảo đảm an ninh cho người dân và góp phần giữ gìn hòa bình trong khu vực.
Ngoài những bất ổn về an ninh, Thổ Nhĩ Kỳ cũng đối mặt với khó khăn về kinh tế. Tăng trưởng kinh tế của Thổ Nhĩ Kỳ đã giảm 3% trong năm 2015 và dự kiến sẽ tiếp tục giảm 4% trong năm 2016. Ngành du lịch, vốn được coi là mũi nhọn trong phát triển kinh tế, cũng đang chịu thiệt hại nặng nề do tình trạng bất ổn. Các nhà phân tích cảnh báo, các chỉ số vẫn có khả năng đi theo chiều hướng tiêu cực bởi Thổ Nhĩ Kỳ đang tồn tại quá nhiều vấn đề cần giải quyết. Thêm vào đó, Thổ Nhĩ Kỳ còn gặp bế tắc trong xử lý cuộc khủng hoảng di cư cùng với mối quan hệ không còn "mặn nồng" với Mỹ và EU sau cuộc đảo chính bất thành.
Với hàng loạt rắc rối bủa vây, việc Thổ Nhĩ Kỳ tiến hành sửa đổi Hiến pháp đã cho thấy nỗ lực của chính quyền Ankara trong việc giải quyết khủng hoảng.