📞

Thổ Nhĩ Kỳ phê chuẩn việc kết nạp Phần Lan vào NATO

Minh Quân 06:31 | 31/03/2023
Ngày 30/3, Thổ Nhĩ Kỳ trở thành nước cuối cùng của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây dương (NATO) phê chuẩn việc kết nạp Phần Lan vào khối.
Nỗ lực gia nhập NATO của Phần Lan đã được Thổ Nhĩ Kỳ đền đáp - Ảnh: Tổng thống Phần Lan Sauli Niinisto (trái) và người đồng cấp nước chủ nhà Tayyip Recep Erdogan trong chuyến thăm Ankara ngày 17/3. (Nguồn: Reuters)

Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ nhất trí ủng hộ Phần Lan gia nhập NATO 2 tuần sau khi Tổng thống Recep Tayyip Erdogan công khai ủng hộ nỗ lực nhiều tháng qua của quốc gia Bắc Âu. Ông khẳng định Helsinki đã “có bước tiến thực chất” trong đối phó với các nhóm mà Ankara coi là “khủng bố” và thay đổi xuất khẩu quốc phòng.

Như vậy, Thổ Nhĩ Kỳ là nước cuối cùng của liên minh quân sự gồm 30 thành viên phê chuẩn nghị định thư, sau khi Hungary làm điều tương tự vào tuần trước.

Tuyên bố ngay sau khi Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ bỏ phiếu phê chuẩn, chính phủ Phần Lan khẳng định: “Tư cách thành viên NATO sẽ củng cố an ninh của Phần Lan, tăng cường sự ổn định và an ninh tại biển Baltic và Bắc Âu”.

Chia sẻ trên Twitter, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg “hoan nghênh cuộc bỏ phiếu tại cơ quan lập pháp Thổ Nhĩ Kỳ nhằm hoàn tất nghị định thư phê chuẩn tiến trình gia nhập NATO của Phần Lan” và nhấn mạnh, “bước đi này sẽ làm cho toàn bộ gia đình NATO trở nên mạnh mẽ hơn và an toàn hơn”.

Còn theo Bộ Ngoại giao Mỹ, “Phần Lan và Thụy Điển là hai đối tác mạnh mẽ, có năng lực, chia sẻ các giá trị của NATO. Họ sẽ củng cố sức mạnh của liên minh và đóng góp vào an ninh của châu Âu”.

Như vậy, Phần Lan, quốc gia có đường biên giới dài 1.300 km với Nga, chỉ còn phải trải qua vài bước kỹ thuật trước khi là thành viên thứ 31 của NATO. Helsinki hy vọng tiến trình này sẽ được hoàn tất vào đầu tuần tới.

Tuy nhiên, Thụy Điển, nước đăng ký gia nhập NATO cùng lúc với Phần Lan, vẫn chưa được Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ, cho dù ba bên đã ký thỏa thuận về vấn đề gia nhập khối hồi năm ngoái.

Theo Ankara, Stockholm hành động chưa đủ mạnh đối với nhóm người Kurd bị coi là khủng bố. Trong khi đó, Thủ tướng Phần Lan Sanna Marin cho biết nước này “sát cánh ủng hộ Thụy Điển, hiện tại và tương lai”.

(theo Reuters)