Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải) và người đồng cấp Belarus Alexander Lukashenko đã đạt thỏa thuận về đặt vũ khí hạt nhân chiến thuật của Moscow trên lãnh thổ Minsk. (Nguồn: Reuters) |
Tuyên bố bất ngờ
Ngày 25/3, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố nước này sẽ đặt vũ khí hạt nhân chiến thuật tại Belarus. Ông cho rằng nhiều năm qua, Mỹ đã đặt vũ khí hạt nhân chiến thuật tại các nước Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và đã đến lúc Nga làm điều tương tự. Tuy nhiên, ông Putin khẳng định nước này sẽ tiếp tục tuân thủ các cam kết về không phổ biến vũ khí hạt nhân đã ký kết.
Về phần mình, Belarus cho rằng, hơn hai năm rưỡi qua, nước này đã phải đối mặt với “áp lực chính trị, kinh tế và thông tin chưa từng có” từ phương Tây. Do đó, việc Minsk tăng cường năng lực an ninh và quốc phòng nhằm giải quyết những “mối quan tâm và nguy cơ chính đáng trong khuôn khổ an ninh quốc gia”.
Lập tức Ukraine và phương Tây đã phản ứng gay gắt trước động thái này. Ngày 26/3, người phát ngôn NATO Oana Lungescu khẳng định: “Luận điệu hạt nhân của Nga là nguy hiểm và vô trách nhiệm. NATO đang rất cảnh giác và chúng tôi đang theo dõi chặt chẽ tình hình”. Trong khi đó, Điều phối viên chiến lược của Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ John Kirby cho biết nước này “chưa nhìn thấy sự thay đổi trong kho vũ khí chiến thuật hoặc tương tự” sau tuyên bố của Nga.
Ông Oleksiy Danilov, người đứng đầu Hội đồng Quốc phòng và An ninh quốc gia Ukraine, gọi đây là “một bước tiến tới sự bất ổn nội bộ của đất nước”. Viết trên Twitter ngày 26/3, Cao ủy Liên minh châu Âu (EU) về đối ngoại Josep Borrell cho rằng việc Belarus cho phép Nga triển khai vũ khí hạt nhân trên lãnh thổ là “sự leo thang vô trách nhiệm và là mối đe dọa đối với an ninh châu Âu”. Ông khẳng định khối sẵn sàng đáp trả bằng các biện pháp trừng phạt tiếp theo.
Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Trung Quốc kêu gọi các bên “tập trung vào nỗ lực ngoại giao để giải quyết hòa bình khủng hoảng Ukraine” và “nên tránh chiến tranh giữa các quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân và giảm thiểu rủi ro chiến lược”.
Mạo hiểm và tính toán
Động thái trên của Nga và Belarus có một số điểm đáng chú ý như sau.
Thứ nhất, đó là sự khác biệt giữa vũ khí hạt nhân chiến thuật và chiến lược. Vũ khí hạt nhân chiến thuật có tầm bắn ngắn và lượng urani hạn chế. Khác với vũ khí hạt nhân chiến lược lắp đặt trên mặt đất hoặc tàu ngầm, sẵn sàng triển khai, các vũ khí hạt nhân chiến thuật của Nga lại được lưu trữ ở các cơ sở tách biệt, được canh gác nghiêm ngặt. Do đó, việc vận chuyển, trang bị loại vũ khí này để sử dụng sẽ tốn không ít thời gian.
Tính đến nay, Moscow chưa công bố số liệu cụ thể về kho vũ khí hạt nhân chiến thuật của mình song theo ước tính của Washington, xứ bạch dương có khoảng 2.000 vũ khí hạt nhân chiến thuật, bao gồm bom, tên lửa tầm ngắn và đạn pháo.
Thứ hai, Nga đã tính toán để giảm thiểu rủi ro liên quan đến luật pháp quốc tế về vũ khí này. Khác với vũ khí hạt nhân chiến lược, vũ khí hạt nhân chiến thuật không nằm trong danh mục giới hạn bởi thỏa thuận kiểm soát vũ khí giữa Mỹ và Nga.
Đồng thời, Belarus nhấn mạnh sự hiện diện của vũ khí hạt nhân chiến thuật Nga trên lãnh thổ vẫn tuân thủ cam kết không phổ biến vũ khí hạt nhân, bởi chính quyền ông Alexander Lukashenko không điều khiển hay được chuyển giao công nghệ loại vũ khí này. Ngoài ra, Minsk đã hoàn thành trưng cầu ý dân về chấm dứt tình trạng quốc gia phi hạt nhân vào tháng 2/2022. Cuối cùng, Nga cũng khẳng định sẽ tiếp tục tuân thủ các cam kết về không phổ biến vũ khí hạt nhân đã ký kết với kho vũ khí chiến lược, tương tự như những gì Mỹ đã và đang làm ở châu Âu.
Sự hiện diện của vũ khí hạt nhân chiến thuật của Nga tại Belarus gửi lời cảnh cáo tới lực lượng của Mỹ đồn trú tại căn cứ Kosciuszko, Ba Lan. Trong ảnh, binh sĩ Mỹ chào cờ tại căn cứ Kosciuszko, Ba Lan ngày 21/3/2023. (Nguồn: AFP) |
Thứ ba, đó là sự mạo hiểm có tính toán của Nga và Belarus. Cả hai chắc chắn sẽ phải đối mặt với sức ép lớn hơn từ Mỹ, phương Tây và cả các nước có quan điểm gay gắt về vũ khí hạt nhân. Vậy đâu là lý do để Moscow và Minsk mạo hiểm?
Có thể thấy động thái này góp phần củng cố mối quan hệ “Nhà nước liên minh” Nga-Belarus, tiến tới xây dựng mặt trận đối đầu với sức ép của phương Tây. Quan trọng hơn, động thái này góp phần củng cố vị thế của Tổng thống Alexander Lukashenko, với tư cách là lãnh đạo nước chứa vũ khí hạt nhân chiến thuật Nga.
Ngoài ra, sự hiện diện của vũ khí hạt nhân chiến thuật Nga trên đất Belarus là cách Moscow đáp trả thế trận tăng cường của Washington tại châu Âu, cũng như động thái của các nước phương Tây. Chính ông Putin khẳng định đây là động thái đáp trả việc Anh cấp đạn urani nghèo cho Ukraine. Tuy nhiên, vũ khí hạt nhân chiến thuật ở Belarus sẽ khiến Ba Lan phải cân nhắc hơn trong việc tham gia chương trình “chia sẻ hạt nhân” với Mỹ trong khuôn khổ NATO, đồng thời gửi lời cảnh báo tới 10.000 quân Mỹ vừa chính thức đồn trú tại căn cứ Kosciuszko.
Cuối cùng, sự xuất hiện của vũ khí hạt nhân chiến thuật Nga tại quốc gia có hơn 1.000 km đường biên giới với Ukraine không chỉ tạo áp lực trực tiếp tới Kiev, mà còn củng cố sức ép của Moscow với phần còn lại của châu Âu. Cùng nhiên liệu, nguyên liệu và lương thực, vũ khí hạt nhân chiến thuật tại Belarus được cho sẽ là “lá bài” mới được Tổng thống Nga Vladimir Putin sử dụng để “đọ sức” với phương Tây.
Tuy nhiên, Mỹ và phương Tây sẽ không khoanh tay đứng nhìn. Ván bài “dài hơi” tại châu Âu, với khoản cược không ai mong muốn, sẽ còn xa mới ngã ngũ.
| Belarus tập trận chung với Nga, khẳng định 'đang duy trì sự kiềm chế và kiên nhẫn' với Ukraine Ngày 16/1, Nga và Belarus đã bắt đầu cuộc tập trận không quân chung, kéo dài đến ngày 1/2. |
| Trung Quốc nêu lập trường về Hiệp ước New START sau quyết định của Nga, 'đá bóng' về phía Mỹ Ngày 22/2, Trung Quốc và Anh đã đưa ra phản ứng sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố tạm dừng tham gia Hiệp ... |
| Thua kiện, Thổ Nhĩ Kỳ có thể cần thêm dầu từ Nga và Iran sau quyết định mới nhất của Iraq Ngày 25/3, Iraq đã quyết định ngừng xuất khẩu dầu thô từ Khu vực bán tự trị người Kurd và các mỏ ở Bắc Kirkuk, ... |
| Một quốc gia đang 'chiếm chỗ' của Nga tại thị trường dầu mỏ châu Âu Ngày 28/3, hãng tin CNN dẫn số liệu của Cơ quan thống kê châu Âu (Eurostat) cho biết, trong tháng 12 năm ngoái, 18% dầu ... |
| Ngoại trưởng Iran thăm Nga: Phản ứng về ý tưởng của Trung Quốc giải quyết xung đột ở Ukraine, khẳng định lập trường với Mỹ Ngày 29/3, Ngoại trưởng Iran Hossein Amir-Abdollahian và người đồng cấp Nga Sergei Lavrov đã có một cuộc họp báo chung sau hội đàm nhân ... |