📞

Thổ Nhĩ Kỳ vẫn nóng sau đảo chính

19:00 | 29/07/2016
Những rối loạn do cuộc đảo chính bất thành gây ra đang khiến Thổ Nhĩ Kỳ và cả khu vực Trung Đông đứng trước những kịch bản nguy hiểm.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan, người từng đối mặt với nguy cơ sống còn khi các binh sĩ tiến hành đảo chính, đã đánh bại kẻ thù và nhanh chóng củng cố quyền lực của mình. Tuy nhiên, theo nhận định của nhiều chuyên gia, những bất ổn sau cuộc đảo chính tối 15/7 sẽ còn lâu mới kết thúc.

Chệch hướng cuộc chiến chống IS

Khi các tướng lĩnh nổi loạn huy động lực lượng để lật đổ ông Erdogan, họ đã đóng cửa căn cứ không quân Incirlik ở miền Nam trong vài giờ đồng hồ. Dù vậy, quãng thời gian này đã đủ chứng minh sự rối loạn của Thổ Nhĩ Kỳ có thể gây ra hậu quả lớn ở Trung Đông.

Trong lúc cuộc binh biến diễn ra, các chiến đấu cơ của liên quân quốc tế chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) triển khai ở Incirlik buộc phải ngừng hoạt động, và IS đã tận dụng thời cơ để phát động một loạt vụ đánh bom tự sát nhắm vào dân quân người Kurd ở Syria. 

Thổ Nhĩ Kỳ là một cường quốc ở Trung Đông, và các đồng minh của nước này lo ngại tình trạng bất ổn nội bộ và sự dịch chuyển trọng tâm chính sách vào xử lý các vấn đề trong nước của Ankara sẽ gây ra những hậu quả khôn lường đối với khu vực. Trong cuộc chiến chống IS, Thổ Nhĩ Kỳ không chỉ mở cửa căn cứ không quân Incirlik cho các đối tác phương Tây mà còn ủng hộ tiền bạc, vũ khí cho các nhóm nổi dậy Syria.

Đến nay, chính quyền Ankara đã bắt giữ, điều tra 6.000 sĩ quan, binh sĩ và gần 9.000 nhân viên Bộ Nội vụ, trong đó có chỉ huy căn cứ không quân Incirlik và người đứng đầu sư đoàn phụ trách Syria, Iraq. Không ít chuyên gia dự báo chiến dịch thanh lọc mà Tổng thống Erdogan đang triển khai sẽ châm ngòi cho làn sóng biểu tình trong những ngày tới. Đặc biệt, giới phân tích cũng cảnh báo việc trấn áp sẽ làm suy yếu khả năng của quân đội - vốn được xem là nền tảng duy trì ổn định của Thổ Nhĩ Kỳ trước sự tấn công của IS.

Căng thẳng với đồng minh

Ông Aaron Stein, chuyên gia phân tích tại Hội đồng Đại Tây Dương (Mỹ), cho rằng sự bất ổn trong bộ máy quân sự Thổ Nhĩ Kỳ trong đợt thanh trừng có thể gây ra những rắc rối lớn về khả năng phối hợp với các đồng minh NATO.

Trước tốc độ và quy mô của cuộc trấn áp cùng những đề xuất khôi phục án tử hình đối với những kẻ chủ mưu đảo chính, các đồng minh phương Tây của Thổ Nhĩ Kỳ kêu gọi Ankara phải tôn trọng luật pháp với tư cách là một quốc gia thành viên NATO, đồng thời là thành viên Hồi giáo hùng mạnh nhất của Washington trong NATO. Tuy nhiên, trong bối cảnh cuộc đảo chính đe dọa tới sự tồn vong của chính quyền đương nhiệm, dường như Thổ Nhĩ Kỳ không mấy lưu tâm tới những lời kêu gọi này.

Hiện nay, Ankara và Washington đang lâm vào một cuộc khẩu chiến, khi ông Erdogan khăng khăng đòi Mỹ phải dẫn độ giáo sĩ Fethullah Gulen về nước để xét xử tội xúi giục đảo chính. Trong khi đó, Mỹ khẳng định việc dẫn độ ông Gulen phải tuân thủ quy trình pháp lý và phải có bằng chứng xác thực chống lại ông này. Cuối tuần trước, Tổng thống Barack Obama nhấn mạnh phía Mỹ không biết và không liên quan tới âm mưu đảo chính này, qua đó thể hiện mối quan hệ căng thẳng giữa Ankara-Washington.

Chuyên gia Soner Cagaptay tại Viện Chính sách Cận Đông (Mỹ), cho rằng cách xử lý trường hợp của giáo sĩ Gulen có thể tác động lớn đến quan hệ Mỹ-Thổ Nhĩ Kỳ. “Nếu Erdogan không cho rằng chính phủ Mỹ đang xử lý vấn đề này một cách nghiêm túc, ông ta có thể ngả theo phe Nga”, ông Cagaptay nhận định.

Mây đen bao phủ nền kinh tế

Cuộc đảo chính bất thành vừa qua cũng gây lo ngại cho giới đầu tư về tính bền vững của nền kinh tế và hệ thống tài chính của Thổ Nhĩ Kỳ. Sau những thiệt hại do căng thẳng với Nga, tình hình tại Thổ Nhĩ Kỳ có thể khiến các nhà đầu tư nước ngoài cảm thấy lo sợ, đặc biệt là những nhà đầu tư đến từ EU. Ước tính năm 2016, nguồn tiền rót vào Thổ Nhĩ Kỳ có thể giảm từ 10-15%.

Vụ đảo chính xảy ra đúng vào mùa du lịch cũng khiến ngành công nghiệp không khói, vốn đóng góp tới 6,6% GDP cho Thổ Nhĩ Kỳ, điêu đứng và khó có khả năng phục hồi trong năm nay. Hiện tại, số lượng khách du lịch tới Thổ Nhĩ Kỳ đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 1999.

Là một cường quốc nằm ở vị trí chiến lược ở Trung Đông song hiện nay, Thổ Nhĩ Kỳ đang vướng vào cuộc tranh giành quyền lực, làm lung lay các thể chế dân chủ và dấy lên câu hỏi về định hướng tương lai. Trước những nguy cơ đó, câu hỏi lớn đặt ra là Tổng thống Erdogan sẽ vượt qua khó khăn như thế nào để nhanh chóng ổn định tình hình? Bên cạnh chiến dịch thanh lọc phản loạn, ông Erdogan có lẽ cần chèo lái đất nước hướng tới đoàn kết nội bộ và đi theo một lộ trình phát triển hòa bình hơn.