📞

Thỏa thuận Iran-Saudi Arabia: Những bước tiến khả quan, 'khát vọng' hòa bình ở Trung Đông trỗi dậy?

Phương Hà 12:50 | 09/04/2023
Iran và Saudi Arabia thể hiện thiện chí trong việc hiện thực hóa thỏa thuận bình thường hóa quan hệ, mở đường cho sự hàn gắn của nhiều cặp quan hệ ở Trung Đông.
Ngoại trưởng Iran (ngoài cùng bên trái) và cùng những người đồng cấp Saudi Arabia (ngoài cùng bên phải) và Trung Quốc trong cuộc gặp ngày 6/4 tại Bắc Kinh. (Nguồn: AP)

Tuần qua, các Ngoại trưởng Iran và Saudi Arabia đã gặp nhau tại Bắc Kinh (Trung Quốc), mở đường cho mối quan hệ được bình thường hóa theo một thỏa thuận bất ngờ do Trung Quốc làm trung gian.

Tháng trước, Tehran và Riyadh đã công bố một thỏa thuận nhằm khôi phục quan hệ đã bị cắt đứt cách đây 7 năm khi những người biểu tình ở Iran tấn công các cơ quan ngoại giao của Saudi Arabia.

Trong một tuyên bố, Bộ Ngoại giao Iran cho biết, Ngoại trưởng nước này Hossein Amir-Abdollahian và người đồng cấp Saudi Arabia - Hoàng tử Faisal bin Farhan đã "đàm phán và trao đổi ý kiến với trọng tâm là chính thức nối lại quan hệ song phương và các bước hành pháp hướng tới việc mở lại các đại sứ quán và lãnh sự quán của hai nước".

Trong khi đó, kênh truyền hình nhà nước Al Ekhbariya của Saudi Arabia đưa tin, hai ngoại trưởng đã tổ chức một cuộc họp ở Bắc Kinh để "thảo luận về việc thực hiện thỏa thuận", đồng thời phát sóng cảnh hai quan chức này bắt tay nhau trước quốc kỳ Saudi Arabia và Iran, sau đó nói chuyện và mỉm cười.

Trong một tuyên bố phát trên Đài truyền hình trung ương Trung Quốc CCTV, Bắc Kinh đã ca ngợi "cuộc gặp chính thức đầu tiên giữa các ngoại trưởng của hai nước trong hơn 7 năm và "sự hòa giải tích cực" trong ngoại giao của quốc gia Đông Bắc Á.

Trong các cuộc điện đàm hồi tháng 3, ngoại trưởng hai nước đã cam kết sẽ gặp nhau trong tháng lễ Ramadan của người Hồi giáo, kết thúc vào cuối tháng 4.

Giới chức Saudi Arabia cho rằng, cuộc họp này là bước tiếp theo trong việc khôi phục quan hệ giữa hai nước.

Theo thỏa thuận vào tháng trước, hai nước sẽ mở lại các đại sứ quán và cơ quan đại diện trong vòng 2 tháng, đồng thời thực hiện các thỏa thuận hợp tác kinh tế và an ninh đã ký hơn 20 năm trước.

Ngày 3/4, Phó Tổng thống thứ nhất Iran Mohammad Mokhber cho biết, các cuộc đàm phán giữa các ngoại trưởng hai nước dự kiến sẽ diễn ra sau chuyến thăm của Tổng thống Iran Ebrahim Raisi tới Riyadh. Tổng thống Iran Raisi đã nhận lời mời từ Quốc vương Salman của Saudi Arabia.

"Rào cản" từ Mỹ

Iran và Saudi Arabia ủng hộ các bên đối địch tại một số khu vực xung đột trong khu vực Trung Đông, bao gồm cả ở Yemen, nơi phiến quân Houthi được Tehran hậu thuẫn trong khi Riyadh dẫn đầu một liên minh quân sự hỗ trợ chính phủ. Hai bên cũng tranh giành tầm ảnh hưởng ở Syria, Lebanon và Iraq.

Washington, đồng minh truyền thống của Riyadh, đã hoan nghênh thỏa thuận bình thường hóa quan hệ giữa Saudi Arabia và Iran, song cho biết vẫn còn phải xem liệu người Iran có "tôn trọng phần của họ trong thỏa thuận hay không".

Thành công của Trung Quốc trong việc đưa Iran và Saudi Arabia xích lại gần nhau đã thách thức vai trò lâu nay của Mỹ với tư cách là nhà "môi giới" quyền lực ở Trung Đông.

Ông Joel Rubin, cựu Phó Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ về các vấn đề lập pháp, nhận định: “Bởi Trung Quốc là nước ủng hộ mạnh mẽ Iran, nên Saudi Arabia nên tin tưởng hơn vào khả năng tuân thủ thỏa thuận của Iran".

Trong khi đó, Giám đốc về Dự án Iran của Nhóm khủng hoảng quốc tế Ali Vaez cho biết, các cuộc đàm phán ngày 6/4 cho thấy tiến trình bình thường hóa quan hệ giữa hai nước đã không đi chệch hướng kể từ thông báo của Bắc Kinh hồi tháng trước.

Tuy nhiên, ông cho rằng vẫn còn sớm để đánh giá liệu đây chỉ là một chiến thuật xoa dịu hay một "trạm dừng" hướng tới việc tái lập quan hệ chiến lược giữa hai nước.

Hâm nóng các mối quan hệ

Các quan chức Iran và Saudi Arabia đã tổ chức một số vòng đối thoại ở Baghdad và Oman trước khi đạt được thỏa thuận ở Bắc Kinh.

Trong phát biểu sau khi thỏa thuận trên được ký kết, người đứng đầu Hội đồng An ninh quốc gia Tối cao Iran Ali Shamkhani và tham gia đàm phán về thỏa thuận, nêu rõ: "Làm rõ sự hiểu lầm và hướng tới tương lai trong quan hệ Tehran-Riyadh chắc chắn sẽ dẫn đến sự phát triển của ổn định và an ninh khu vực".

Ông nói thêm rằng, thỏa thuận này có thể "tăng cường hợp tác giữa các quốc gia ở Vịnh Persia và thế giới Hồi giáo để giải quyết những thách thức hiện có".

Năm 2016, một số quốc gia Vùng Vịnh đã theo gương của Riyadh khi cắt đứt quan hệ ngoại giao với Tehran. Tuy nhiên, chính những nước này đã đi đầu trong việc khôi phục quan hệ ngoại giao với Iran.

Cụ thể, Iran đã chào đón Đại sứ của Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) vào tháng 9/2022, sau 6 năm vắng mặt, và Iran ngày 5/4 đã bổ nhiệm Đại sứ của nước này tại UAE sau gần 8 năm gián đoạn.

Năm ngoái, Iran cho biết Kuwait đã cử đại sứ đầu tiên tới Tehran kể từ năm 2016. Iran cũng hoan nghênh khả năng nối lại quan hệ hữu nghị với Bahrain - một đồng minh thân cận của Saudi Arabia và từng cáo buộc Iran ủng hộ cuộc nổi dậy do người Shiite đứng đầu ở Saudi Arabia. Tehran đã bác bỏ cáo buộc này.

Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Iran Nasser Kanani tháng trước nêu rõ: "Diễn biến tích cực này có thể xảy ra trong mối quan hệ với các quốc gia khác trong khu vực, bao gồm cả Bahrain".

(theo AFP)