📞

Thoả thuận ly hôn “cắt cổ”

07:00 | 01/04/2017
Hai năm cho các cuộc thương lượng về sự ra đi của nước Anh khỏi mái nhà chung châu Âu đã bắt đầu. Nhưng có vẻ mọi thứ đều vẫn rất mơ hồ. Rõ ràng, bất lợi được chia đều cho cả Anh và EU.

Đúng như kế hoạch, ngày 29/3, Thủ tướng Anh Theresa May đã chính thức kích hoạt Điều 50 Hiệp ước Lisbon, khởi động tiến trình đàm phán các thủ tục được coi là phức tạp và quan trọng nhất trong nhiều thập kỷ qua đối với nước Anh và châu Âu – Brexit. Như vậy đúng 9 tháng sau ngày người dân Anh đưa ra quyết định, người ta cũng đang bắt đầu cảm nhận rõ hơn thế nào là Brexit, và tiến trình đó sẽ được thực hiện ra sao. Tuy vậy, trước một sự kiện không có tiền lệ và rất nhiều biến số, không ai dám chắc điều gì.

Cả Anh và EU sẽ đều phải trả giá đắt cho Brexit. (Nguồn: FT)

“Cuộc chia ly đau đớn”

Giới truyền thông đã gọi Brexit như thế, bởi có vẻ như cả EU và Anh đều đang rất kiên định với lập trường của mình. Cựu Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) José Manuel Barroso cảnh báo, cả hai bên đều đang đi những bước nguy hiểm, bởi giữa họ đang tồn tại quá nhiều khác biệt, và đều muốn một thỏa thuận hoàn toàn có lợi về phía mình. Bên cạnh đó, vấn đề tiền bạc được cho là có khả năng sẽ phá huỷ các cuộc đàm phán ngay từ trước khi chúng bắt đầu, thậm chí “cuộc đấu” này có thể sẽ phải kết thúc ở tòa án.

EU có thể sẽ yêu cầu một “thoả thuận ly hôn cắt cổ” nhằm bù đắp cho những hoá đơn chưa thanh toán của Anh. Và có lẽ EU cũng sẽ không tính đến bất cứ một thoả thuận thương mại nào cho tới khi các vấn đề khác được giải quyết, trong đó có việc Anh chấp thuận thanh toán khoản tiền trên.

Theo quan điểm của Chủ tịch EC Jean-Claude Juncker, đây không phải sự trừng phạt, nhưng Chính phủ và Quốc hội Anh phải tôn trọng cam kết ngân sách của mình. Còn phản hồi sớm từ phía Anh cho thấy quốc gia này không hề có ý định thoả hiệp. Những người ủng hộ Brexit vẫn cho rằng, số tiền mỗi năm nước này nộp vào ngân sách EU là 10 tỷ Bảng (khoảng 12,5 tỷ USD) nhiều hơn, so với những gì mà nước này nhận được từ EU.

Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, có thể cả hai bên đều chỉ đang tung hoả mù. Bởi các nhân vật có suy nghĩ thực tế hơn trong Chính phủ Anh hiểu rõ những nguy hiểm có thể nảy sinh khi hai bên không thể đạt được thoả thuận. Tất nhiên, EU cũng sẽ phải trả giá, không chỉ vậy, mất đi một thành viên quan trọng, tầm ảnh hưởng và uy tín của EU cũng chịu tổn thất không nhỏ.

Nhưng ngay cả khi cuộc thương lượng được tiến hành trên tinh thần thoả hiệp, khả năng về việc đàm phán và phê chuẩn một Hiệp định thương mại EU – Anh mới trong hai năm là bất khả thi. Theo thông lệ, các thỏa thuận thương mại lớn có thể phải mất cả thập kỷ mới đàm phán xong.

Được ăn cả, ngã về không

Về phía nước Anh, Thủ tướng Theresa May đang đứng trước sức ép phải có được một thoả thuận làm hài lòng người dân Anh và chính giới. Nhưng bà dường như cũng muốn dùng quan điểm cứng rắn của mình để tạo vị thế trước châu Âu.

Thủ tướng Anh muốn đàm phán xóa bỏ hoàn toàn các ràng buộc với EU, và đồng thời đàm phán một thỏa thuận tự do thương mại mới với khối này. Thậm chí, bà May từng tuyên bố, Chính phủ Anh thà ra về mà không đạt được một thoả thuận thương mại nào, còn hơn chấp nhận ký thoả thuận tồi cho nước Anh.

Vì quan điểm đó, Thủ tướng May đã bị cho rằng chính bà cũng không hề chắc chắn về những hệ quả từ quyết định của mình. Bà đặt các yêu cầu cứng rắn của phe ủng hộ Brexit lên trên các lợi ích kinh tế của đất nước. Một bài phân tích trên tờ Project Syndicate cho rằng, Brexit mà không đạt được một thoả thuận rời EU hay hiệp định thương mại nào là kết quả tồi tệ nhất đối với nước Anh. Tờ này dùng hình ảnh, các công ty ô tô, các thể chế tài chính khổng lồ và hàng loạt doanh nghiệp xuất khẩu sang EU ở Anh… nên chuẩn bị đâm vào “vách đá”, nếu điều đó xảy ra.

Doanh nghiệp nước Anh như đang “ngồi trên đống lửa”, nước này sẽ mất đi một lượng lớn việc làm trong ngành sản xuất, bởi lĩnh vực xuất khẩu sẽ phải đối mặt với thuế quan tại châu Âu; chuỗi cung ứng cũng sẽ bị gián đoạn tại hải quan; nguồn thu từ thuế giảm mạnh; tình trạng thiếu hụt lao động trầm trọng bởi quyền tự do đi lại không còn… và rất nhiều khó khăn khác nữa đang chờ họ.

Trên thực tế, nội dung kế hoạch đàm phán của Thủ tướng May đã được trình lên Hạ viện trong một tài liệu gọi là Sách Trắng - đề cập đến những vấn đề đáng quan tâm nhất trong mối quan hệ Anh và EU hậu chia tay. Tuy nhiên, chỉ ít phút sau khi văn kiện được công bố, các quan điểm đối lập đều cho rằng nó quá mơ hồ và thiếu thông tin. Nhưng rồi, trước ngày Brexit chính thức được kích hoạt Sách Trắng cũng đã qua được cửa hai viện Quốc hội mà không phải sửa đổi gì.

Tuy nhiên, sau đó không ít câu hỏi đã được các nghị sỹ, cũng như dư luận đặt ra, liệu một văn bản không nhiều chi tiết như Sách Trắng có đủ để tạo vị thế tốt nhất cho nước Anh khi đàm phán?

Thủ tướng May vẫn tin tưởng rằng, Brexit sẽ cho phép Anh đạt được nhiều thoả thuận thương mại tốt hơn với các nước ngoài EU. Trong đó, bà đang đặt hy vọng vào thoả thuận nhanh với nước Mỹ dưới thời Tổng thống Trump. Nhưng khi Anh không còn là một phần của EU, liệu ước mơ của bà May có thành hiện thực, khi ông Trump vốn vẫn ghét những khoản thâm hụt thương mại “bất công”.

“Gót chân” EU 

Đối với EU, Brexit quả là “món quà sinh nhật” tuổi 60 không dễ chịu chút nào. Không rõ có phải vì thế mà Chủ tịch Juncker mới đây đã đòi Anh phải trả 50 tỷ Bảng (khoảng 62,4 tỷ USD) cho “hóa đơn Brexit”.

Còn giới nghiên cứu cho rằng, Brexit chính là kết quả kịch tính của làn sóng chống EU, bởi những thiếu sót mà khối này đã lộ rõ trên con đường phát triển của mình. Mấu chốt để EU có thể tồn tại thêm 60 năm nữa chính là sự linh hoạt, một mái nhà chung đa cấp, với nhiều quốc gia châu Âu tham gia hoạch định chính sách cho EU ở những mức độ khác nhau.

Một ngày nào đó, rất có thể lại thêm một quốc gia khác “dứt áo ra đi”. Nếu không thể chấp nhận khác biệt, EU sẽ phải đối mặt với nguy cơ tan rã.