📞

Thỏa thuận Mỹ - Trung giai đoạn 2: Đầy tham vọng nhưng khó triển vọng

08:48 | 26/11/2019
TGVN. Theo các quan chức và chuyên gia am hiểu thương mại Mỹ - Trung, một thỏa thuận thương mại giai đoạn 2 đầy tham vọng giữa hai cường quốc này dường như ngày càng kém triển vọng hơn khi mà hai nước đang cố gắng đạt được một thỏa thuận sơ bộ giai đoạn 1.
Giới chức Bắc Kinh cho biết, họ sẽ không ngồi vào bàn đàm phán để thảo luận về thỏa thuận thương mại giai đoạn 2 trước cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ. (Nguồn: FT)

Hồi tháng 10, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã phát biểu tại cuộc họp báo với Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc rằng, ông hy vọng sẽ sớm tiến tới các cuộc đàm phán về giai đoạn 2 khi mà thỏa thuận giai đoạn 1 đã hoàn tất. Giai đoạn 2 sẽ tập trung vào các khiếu nại chủ chốt của Mỹ là Trung Quốc đã đánh cắp sở hữu trí tuệ của Washington bằng cách ép buộc các công ty Mỹ chuyển giao công nghệ cho các đối thủ ở Bắc Kinh.

Manh nha thỏa thuận giai đoạn 2

Theo hãng tin Reuters, cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ tháng 11/2020 đã gây khó khăn cho việc đạt được thỏa thuận giai đoạn 1, kèm theo đó là việc Nhà Trắng do dự hợp tác với các nước khác nhằm gây sức ép với Bắc Kinh đang làm lu mờ mọi hy vọng cho bất kỳ điều gì tham vọng hơn trong tương lai gần.

Cuộc chiến thương mại kéo dài 16 tháng với Trung Quốc đã đẩy doanh nghiệp và nông dân Mỹ vào khủng hoảng, làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu cũng như làm suy giảm các nền kinh tế trên toàn cầu. Việc không thể hóa giải lý do chính khiến thương chiến bùng nổ đã và đang đặt ra câu hỏi liệu những thiệt hại có đáng đối với cuộc chiến thương mại này hay không.

Một nguồn tin khác của trang Reuters ngày 20/11 cho rằng, việc ký kết một thỏa thuận giai đoạn 1 có thể phải đợi đến năm 2020 khi cả hai nước tranh cãi về yêu cầu của Bắc Kinh rút lại các biện pháp thuế quan trên phạm vi rộng lớn hơn.

Giới chức Bắc Kinh nhấn mạnh, họ sẽ không ngồi vào bàn đàm phán để thảo luận về thỏa thuận thương mại giai đoạn 2 trước cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, một phần bởi vì muốn đợi để xem liệu ông Trump có tái đắc cử nhiệm kỳ 2 hay không.

“Chính ông Trump là người muốn ký kết các thỏa thuận này chứ không phải chúng tôi. Chúng tôi có thể chờ đợi”, một quan chức của Trung Quốc nói.

Theo quan chức chính quyền Tổng thống Trump, ưu tiên của ông chủ Nhà Trắng tại thời điểm này là đạt được tuyên bố về một thỏa thuận giai đoạn 1, bảo đảm Trung Quốc sẽ nhập khẩu các mặt hàng nông sản của Mỹ trên quy mô lớn để Tổng thống Trump có thể "khoe khoang" rằng, đây là một chiến lợi phẩm quan trọng trong chiến dịch tái tranh cử của mình. Sau đó, Trung Quốc có thể rút lui ở mức độ nào đó đối với chương trình chính sách của ông Trump khi ông tập trung vào những vấn đề trong nước.

Dù vậy, một quan chức khác giấu tên của chính quyền Trump vẫn khẳng định: "Ngay khi hoàn thành thỏa thuận giai đoạn 1, chúng tôi sẽ khởi động đàm phán thỏa thuận giai đoạn 2".

Khó khăn chồng chất

Nhà Trắng ban đầu đặt ra kế hoạch đầy tham vọng để tái cấu trúc mối quan hệ với Trung Quốc. Chính quyền Tổng thống Trump cho rằng, những thực tiễn thương mại của Trung Quốc là "không công bằng, không hợp lý và làm méo mó thị trường".

Bên cạnh đó, Tổng thống Trump cũng đang nỗ lực buộc Trung Quốc chịu trách nhiệm cho hoạt động do thám kinh tế, tấn công mạng, ép buộc chuyển giao công nghệ và bán phá giá với trợ cấp của chính phủ kéo dài hàng năm qua. Tuy nhiên, phần lớn quan ngại kể trên sẽ không thể được xử lý trong thỏa thuận giai đoạn 1.

Hiện tại, thỏa thuận giai đoạn 1 đang gặp phải khó khăn khi đội ngũ cố vấn kinh tế của Tổng thống Trump đang bị chia rẽ: Một số đang thúc đẩy ông Trump nhất trí với thỏa thuận giai đoạn 1 nhằm xoa dịu thị trường và giới lãnh đạo kinh doanh, trong khi đó, một số khác lại muốn ông tiến tới một thỏa thuận toàn diện hơn.

Về phía Trung Quốc, giới chức Bắc Kinh lại đang do dự thực hiện những thay đổi mang tính cấu trúc ở quy mô rộng lớn hơn để quản lý nền kinh tế, xoay xở tìm cách để Bắc Kinh không tỏ ra "khúm núm" trước những lợi ích của phía Mỹ.

Cựu quan chức Mỹ đồng thời là chuyên gia thương mại tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế Matthew Goodman cho rằng, cả Trung Quốc và Mỹ đều thể hiện mối quan tâm rõ nét trong việc hoàn tất thỏa thuận giai đoạn 1 một cách tương đối nhanh chóng để xoa dịu thị trường cũng như quan ngại về chính sách trong nước.

Ông Goodman nhấn mạnh, có một cơ hội tốt để cả hai bên thực hiện thỏa thuận giai đoạn 1, song không tin tưởng rằng, hai bên có thể đạt được một thỏa thuận ở phạm vi lớn hơn trước kỳ bầu cử Tổng thống Mỹ.

Theo ông Goodman, vấn đề chính là Mỹ vẫn thiếu một chiến lược tổng thể và gắn kết để đối phó với Trung Quốc. Phát biểu trước Quốc hội Mỹ, ông Goodman nói: "Thỏa thuận giai đoạn 1 có thể sẽ xảy ra vì cả hai lãnh đạo đều mong chờ. Tuy nhiên, Bắc Kinh sẽ không mặn mà khi thực hiện thỏa thuận này".

Cựu quan chức thuộc văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ và hiện là Phó Chủ tịch Hội đồng Công nghiệp Công nghệ Thông tin Mỹ Josh Kallmer nhận định rằng, khó có thể hình dung Mỹ và Trung Quốc có thể đàm phán về thỏa thuận giai đoạn 2 vào năm 2020.

Theo chuyên gia thương mại và cựu giới chức Mỹ, Washington cần phối hợp tốt hơn với các đồng minh để gây áp lực buộc Trung Quốc phải tiến hành khẩn cấp những cải cách cấu trúc cần thiết, trong đó đảm bảo chấm dứt vấn đề ép buộc chuyển giao công nghệ và cần bảo vệ sở hữu trí tuệ tốt hơn.

Châu Âu và các đồng minh của Mỹ đã do dự trong việc "chung tay" với Washington để thực hiện chiến dịch gây sức ép đối với Bắc Kinh, một phần là do bất bình trước việc chính quyền Tổng thống Trump chú trọng vào hành động đơn phương và một phần là do sự phụ thuộc của họ vào đầu tư của Trung Quốc. Kellie Meiman Hock, đối tác quản lý của Tập đoàn tư vấn thương mại tại Washington McLarty Associates cho rằng, cần có một liên minh quốc tế mới có thể thành công trong việc tạo ra thỏa thuận giai đoạn 2.

(theo Reuters)