TIN LIÊN QUAN | |
Tư lệnh người Kurd cảm ơn Nga giúp tránh khỏi 'tai họa' | |
Nga – Thổ Nhĩ Kỳ đạt thỏa thuận về Syria: Dáng dấp Yalta |
Tổng thống Putin đang "kinh doanh môi giới". (Nguồn: Reuters) |
Thỏa thuận “cả nhà cùng vui”
Thỏa thuận mà hai nhà lãnh đạo duyên nợ Putin - Erdogan đạt được hôm thứ Ba vừa rồi sẽ trao cho Thổ Nhĩ Kỳ quyền kiểm soát trên thực tế phần lãnh thổ mà Ankara đã xâm chiếm ở Syria, bất chấp những tuyên bố trước đây của Nga rằng cuộc xâm lược của Thổ Nhĩ Kỳ vi phạm toàn vẹn lãnh thổ của Syria. Ankara cũng có cơ hội tái định cư một phần trong số hơn 3,5 triệu người tị nạn mà Damascus không mong muốn trở lại lãnh thổ Syria.
Trong khi đó, Tổng thống Syria Bashar Al-Assad, người đã gọi ông Erdogan là “kẻ cắp” khi xâm lược Syria, cũng nhận được lợi ích thiết thực: quân đội của ông sẽ được tuần tra phần còn lại của biên giới Syria - Thổ Nhĩ Kỳ, điều mà người Kurd trước kia đã ra sức ngăn cản.
Người Kurd, tất nhiên, cũng không bị lãng quên. Tuy thỏa thuận yêu cầu lực lượng vũ trang của người Kurd rút lui cách biên giới Thổ Nhĩ Kỳ 30km, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ lại cùng nhau tuần tra chỉ một dải rộng 10km. Chừng nào người Kurd còn cùng tồn tại với chính quyền của Tổng thống Assad, Nga sẽ không giúp ông Assad gây áp lực với họ, người Kurd cũng sẽ an toàn trước các cuộc tấn công tiếp theo của Thổ Nhĩ Kỳ và giữ được phần lớn lãnh thổ mà họ đang kiểm soát.
Về phần mình, Moscow đưa ra những cam kết tối thiểu. Quân cảnh Nga sẽ tham gia vào các cuộc tuần tra với Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng điều này không thể hiện sự thay đổi quá lớn, bởi từ trước đó, các lực lượng này đã có mặt ở Syria để bảo vệ các căn cứ hải quân và không quân Nga, giúp ông Assad duy trì trật tự ở các vùng lãnh thổ đã giành lại được và bảo đảm an ninh cho các hành lang và đoàn xe nhân đạo.
Nếu thỏa thuận Putin - Erdogan thất bại vì bất cứ lý do gì, Nga sẽ không chịu bất kỳ thiệt hại nghiêm trọng nào. Nước Nga của Tổng thống Putin không chi hàng nghìn tỷ USD ở Syria như Mỹ đã làm ở Iraq và Afghanistan. Nga giữ lực lượng tại Syria ở mức tối thiểu và không tìm cách mở rộng sự hiện diện vĩnh viễn ngoài hai căn cứ quân sự đã được thiết lập ở Syria.
Và tất nhiên, vui hay buồn thì chỉ người trong cuộc biết rõ nhất. Nhưng sau thỏa thuận, các bên liên quan trực tiếp lần lượt lên tiếng, bên thì ca ngợi, bên ủng hộ, bên lại biết ơn Nga, thì dù có bằng mặt không bằng lòng đi nữa, với Nga vẫn là “vui cả làng”.
5 nguyên tắc “môi giới chính trị” của ông Putin
Theo BNN Bloomberg, Tổng thống Putin đang "kinh doanh môi giới". Thỏa thuận mà ông vừa mới đạt được với người đồng cấp Erdogan chẳng khác gì một quảng cáo hoàn hảo cho dịch vụ mà nhà lãnh đạo này đang muốn cung cấp tới các chính quyền trên khắp thế giới mà trước hết là ở Trung Đông và châu Phi.
Kể từ khi Tổng thống Putin can thiệp vào Syria và hỗ trợ cho phe của Tổng thống Assad năm 2015, ông đã sử dụng cuộc xung đột Syria như một ‘tủ kính bày hàng’ cho vai trò quốc tế mới của Nga.
Dựa trên hành động của Nga ở Syria, vai trò mới này của Moscow thách thức mọi ý niệm về các đồng minh lâu dài hay các mối quan hệ thù địch và chỉ tuân theo 5 nguyên tắc:
- Những người đương nhiệm nên nắm giữ quyền lực. Không thay đổi chế độ từ bên ngoài.
- Mỗi bên với một quyền lợi chính đáng nên nhận được một cái gì đó. Không có Lằn ranh giới đỏ vĩnh viễn.
- Nga sẽ làm việc với bất cứ ai muốn làm việc với Nga.
- Nga sẽ chỉ tham gia khi có thể có được điều gì đó từ vai trò này.
- Nga sẽ không tham gia khi bị đe dọa với lực lượng áp đảo hoặc tổn thất nặng nề.
Trên đà thành công ở Syria cùng các nguyên tắc trên, hôm thứ Tư (23/10), Tổng thống Putin đã mời hàng chục nhà lãnh đạo châu Phi đến dinh thự của ông ở Sochi để tham dự hội nghị thượng đỉnh Nga - châu Phi, một hội nghị chưa từng có mà trên thực tế, có vẻ như là để cung cấp cho họ các dịch vụ tương tự như những gì ông đang cung cấp cho những người đồng cấp Assad, Erdogan, cho Iran và tiến tới là Saudi Arabia.
Theo BNN Bloomberg, có thể, Tổng thống Putin sẽ giúp những người đương nhiệm nắm quyền lực và tìm kiếm sự thỏa hiệp thực dụng trong các cuộc xung đột để đổi lấy sự nhượng bộ về khoáng sản và hợp đồng vũ khí.
Tại Hội nghị này, ông Putin nói rằng, Nga nhận thấy một số quốc gia phương Tây đang phải “dùng đến áp lực, đe dọa và tống tiền” đối với các quốc gia châu Phi có chủ quyền và rằng, “họ đang cố gắng lấy lại ảnh hưởng và sự thống trị đã mất của mình ở các thuộc địa cũ”, đồng thời nhấn mạnh, Nga “mong muốn bảo vệ lợi ích kinh tế chung với các đối tác châu Phi”.
BNN Bloomberg cho rằng, Mỹ và châu Âu có thể làm nhiều hơn cho các quốc gia đang phát triển so với Nga, chỉ là họ không thể hành động trên cùng một nền tảng như ông Putin làm - hoặc đã cố gắng làm nhưng thất bại.
Theo BNN Bloomberg, các nước phương Tây cần một sự thay thế thuyết phục hơn. Mà điều đó chỉ có thể là hỗ trợ quân sự và kinh tế có điều kiện dựa trên các quy tắc rõ ràng, cụ thể.
| Sau thỏa thuận Nga - Thổ, Đức chỉ trích, Quân đội Syria tăng cường hiện diện ở phía Bắc TGVN. Ngày 23/10, sau khi Nga - Thổ đạt được thỏa thuận về Bắc Syria, Đức lên tiếng chỉ trích, trong khi quân đội Syria ... |
| Nga - Thổ Nhĩ Kỳ thống nhất 'vùng an toàn phi khủng bố', Syria hoan nghênh TGVN. Ngày 22/10, Điện Kremlin cho biết, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã điện đàm với người đồng cấp Syria Bashar al-Assad về kết quả cuộc ... |
| Không có 'vùng an toàn' với Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ cùng Nga thiết lập 'vùng an toàn phi khủng bố' TGVN. Ngày 22/10, sau cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan và người đồng cấp Nga Vladimir Putin, một quan ... |