Một thỏa thuận thương mại sẽ làm dịu đi ảnh hưởng của Brexit. Trong ảnh: Lá cờ Anh-EU trên bàn hội nghị trong cuộc họp thượng đỉnh EU cuối cùng của Anh tại Nghị viện châu Âu ở Strasbourg, Pháp, tháng 10/2019. (Nguồn: EPA-EFE) |
Tránh cái kết hỗn loạn
Anh chính thức rời EU hôm 31/1 nhưng ở trong giai đoạn chuyển tiếp nguyên trạng kể từ đó. Thỏa thuận đạt được vào ngày 24/12 giúp hai bên tránh được cái kết đầy hỗn loạn về kinh tế vào đêm chuyển sang Năm mới mà sau đó EU sẽ coi Vương quốc Anh là “nước thứ ba”. Trong các cuộc đàm phán, Anh đã quả quyết rằng họ được coi là một quốc gia có chủ quyền ngang bằng với EU và sự độc lập của họ cần được tôn trọng. Điều này đặc biệt quan trọng khi nói đến quyền khai thác thủy sản- một trong những vấn đề cuối cùng cần được giải quyết.
Lập luận này làm nảy sinh hai vấn đề. Thứ nhất, theo giải thích của Ngoại trưởng Tây Ban Nha- một nhà đàm phán thương mại kỳ cựu, một hiệp định thương mại được ký kết nhằm tạo ra mối quan hệ phụ thuộc lẫn nhau chứ không phải để khẳng định sự độc lập của mỗi bên. Thứ hai, EU đơn giản là một “gã khổng lồ” kinh tế vượt trội hơn hẳn Vương quốc Anh. Điều này có nghĩa là Brussels tự tin rằng họ có thể vượt qua sự gián đoạn của một cuộc chia cắt không có thỏa thuận tốt hơn Anh. Bằng cách từ chối kéo dài thời gian chuyển tiếp bất chấp đại dịch, Thủ tướng Boris Johnson đảm bảo cả hai bên đều phải đối mặt với áp lực thời gian như nhau. Tuy nhiên, họ không phải đối mặt với mức độ rủi ro như nhau nếu không đạt được thỏa thuận. Do đó, người quyết định thực sự thỏa thuận Brexit là “thời gian”, chứ không phải Johnson hay Angela Merkel.
Giảm gián đoạn về thương mại
Anh sẽ rời khỏi thị trường chung EU và liên minh thuế quan, vì vậy các quy tắc và quy định về giao thương mọi hàng hóa, từ các phụ tùng xe hơi đến pho mát camembert sẽ đều thay đổi. Thương mại song phương hiện ở mức khoảng 1 nghìn tỷ USD một năm. Thỏa thuận thương mại hai bên có quy mô hẹp và chỉ bao gồm hàng hóa. Ngay cả khi có được một thỏa thuận, vẫn có những gián đoạn ở biên giới bởi các thủ tục hải quan và thủ tục giấy tờ mới. Tuy nhiên, nếu không có thỏa thuận đạt được thì sự gián đoạn- và nỗi tức giận của hai bên- có lẽ còn lớn hơn nhiều.
Các quy định về thương mại, đi lại và kinh doanh đã bị đóng băng trong giai đoạn chuyển tiếp sau khi Anh chính thức rời khỏi EU hôm 31/1/2020. Tuy nhiên, kể từ ngày 31/1/2021, Anh sẽ đứng ngoài thị trường chung và liên minh thuế quan EU.
Vì vậy, mặc dù giao dịch hàng hóa- chiếm một nửa trong số 900 tỷ USD kim ngạch thương mại hàng năm của EU-Anh- sẽ được hưởng thuế quan 0% nhưng nó không có nghĩa là chúng không phải đối mặt với hàng rào nào. Các quy tắc hải quan, tiêu chuẩn quy định và kiểm tra biên giới mà EU đặt ra với các nước thứ ba sẽ áp dụng cho Anh, khiến giao dịch chậm hơn và chi phí cao hơn.
Chính phủ Anh ước tính số lần kiểm tra ở biên giới sẽ tăng gấp 5 lần. Trong trường hợp xấu nhất, 40-70% xe tải đi đến EU có thể chưa sẵn sàng cho các đợt kiểm soát mới vào ngày 1/1/2021, có thể dẫn tới 7.000 lượt phương tiện xếp hàng chờ đợi và chậm trễ vận chuyển hàng tới hai ngày. Điều này sẽ có tác động lớn đến nguồn cung thực phẩm của Anh, khoảng 1/4 trong số đó đến từ EU. Các nhà bán lẻ đã cảnh báo rằng các sản phẩm tươi sống như trái cây, rau và một số loại thịt trên kệ siêu thị sẽ bị thiếu hụt.
Né “đòn giáng” kinh tế
Sau khi đại dịch Covid-19 phá hủy toàn bộ lĩnh vực trên khắp phương Tây, cả Anh và 27 thành viên EU còn lại đều không mong muốn một “đòn giáng” khác nào tới nền kinh tế của họ. Một thỏa thuận thương mại sẽ làm dịu đi ảnh hưởng của Brexit, mặc dù các nhà kinh tế cảnh báo rằng việc rời khỏi quỹ đạo EU vẫn sẽ ảnh hưởng đến nền kinh tế lớn thứ 6 thế giới.
Nhà kinh tế John van Reenen viết trên blog của Trường Kinh tế London: “Sự ra đi không thỏa thuận sẽ rất đau đớn vì nó ập đến như một cơn sóng thần. Một Thỏa thuận Brexit cứng mang đến tác động lặng lẽ hơn, gây tổn hại tới nền kinh tế trong nước trong nhiều thập kỷ tới”. Các nền kinh tế EU cũng sẽ bị ảnh hưởng, song ở mức độ thấp hơn- dù một số, chẳng hạn như Ireland và Bỉ, gặp tổn hại hơn nhiều nước khác.
Năm ngoái, Hylke Vandenbussche, Giáo sư tại Đại học Leuven của Bỉ, dự báo rằng một Brexit với thỏa thuận thương mại tự do sẽ đồng nghĩa với việc nền kinh tế kết hợp của 27 quốc gia EU giảm 0,38% và mất khoảng 280.000 việc làm.
Sự phân tách Brexit
Một phép thử quan trọng đối với cả hai bên trong thỏa thuận là nó sẽ cho phép Anh tách mình khỏi EU đến mức nào- vốn được coi là bản chất của Brexit. Về cơ bản, có hai cách giải thích trái ngược về Brexit: Đối với những người ủng hộ EU, Brexit là một hành động kinh tế điên rồ gây chia rẽ phương Tây, trong khi đối với những người ủng hộ Brexit thì đó là một cơ hội để hành động tự do và cạnh tranh.
Thủ tướng Boris Johnson miêu tả Brexit là cơ hội để xây dựng nước Anh thành một nền kinh tế độc lập hoàn toàn và “nhanh nhẹn” hơn nhiều so với các đối thủ cạnh tranh và vì vậy họ không muốn gắn liền với quỹ đạo của EU và các quy tắc của nó trong nhiều năm tới. Các cường quốc EU lo sợ rằng London muốn có tất cả- ưu đãi tiếp cận các thị trường EU cùng lợi thế thiết lập quy tắc riêng của mình. Họ nói rằng điều này sẽ làm suy yếu một dự án nhằm ràng buộc các quốc gia châu Âu, vốn bị tàn phá bởi Chiến tranh thế giới thứ hai, trở thành một siêu cường thương mại toàn cầu.
Không chỉ là thương mại
"Thỏa thuận" ở đây thực sự là một khái niệm bao trùm, về cốt lõi nó là một thỏa thuận thương mại nhưng cũng bao gồm các thỏa thuận về đánh bắt cá, thực thi pháp luật, vận tải, các vấn đề pháp lý và dữ liệu.
Ví dụ, việc thực thi pháp luật là rất quan trọng vì hai bên đang chia sẻ thông tin tội phạm, nghi phạm và hộ chiếu. Việc chia sẽ dữ liệu cũng có ý nghĩa quan trọng đối với các công ty lưu trữ dữ liệu của công dân.