TIN LIÊN QUAN | |
Gout thời trang của Đệ nhất tiểu thư Ivanka Trump | |
Thời trang Singapore chinh phục châu Á |
Hãy hình dung nếu như trong lĩnh vực ẩm thực, chúng ta có khái niệm “fast food” để chỉ những món đồ ăn nhanh, phù hợp túi tiền của nhiều người thì trong thời trang cũng vậy.
Thảm họa thời trang “ăn liền”
Đánh trúng tâm lý của số đông vốn yêu thích thời trang hợp mốt nhưng giá cả lại “mềm mại”, các hãng thời trang bình dân liên tục cung cấp các “món mới”, phù hợp với xu thế chung của thế giới. Và thuật ngữ “fast fashion” (thời trang ăn liền) ra đời để ám chỉ dòng quần áo bình dân mà các hãng bán lẻ thường sản xuất hàng loạt với giá tầm trung.
Bộ sưu tập sinh thái Pre-Fall 2017 của thương hiệu Edun. (Nguồn: herworldvietnam) |
Đi tiên phong trong cuộc cách mạng này phải kể đến “đế chế thời trang” Zara và theo sau đó là một loạt các hãng thời trang bình dân nổi tiếng thế giới như Gap, Top Shop, H&M…
Tuy nhiên, theo tạp chí Fortune, sự phổ biến của dòng thời trang này trên thực tế mang lại nhiều mặt trái khi người tiêu dùng xem quần áo giá rẻ gần như là hàng dùng một lần rồi bỏ. Việc các nhà sản xuất liên tục tung ra sản phẩm mới với số lượng lớn, giá rẻ đã gián tiếp dẫn đến ô nhiễm môi trường thông qua các loại vải hay sợi tổng hợp rẻ tiền và thuốc nhuộm hóa học. Việc quần áo bị vứt bỏ quá sớm cũng gây lãng phí lượng lớn tài nguyên như điện, nước và hóa chất được dùng để sản xuất ra chúng.
Báo cáo của trang web môi trường Ecowatch năm 2015 cho thấy, thời trang là ngành công nghiệp gây ô nhiễm thứ hai thế giới, chỉ sau dầu khí. Còn theo Cơ quan Bảo vệ môi trường Mỹ (EPA), có đến 84% quần áo bỏ đi tại nước này thường trở thành rác thải và bị chôn lấp như những chất thải thực phẩm. Giống như nhiều loại rác thải khác, quần áo cũ cũng góp phần tạo ra khí metan gây tình trạng khí nhà kính khi chúng phân hủy.
“Các sợi tự nhiên sẽ được nhuộm, sấy và trải qua nhiều quá trình phi tự nhiên khác trước khi trở thành những bộ quần áo chúng ta mặc hàng ngày. Khi "thời trang ăn liền" ngày càng phổ biến, việc mua quần áo giá rẻ ngày càng dễ dàng thì số lượng quần áo bị vứt bỏ sẽ càng tăng lên”, Jason Kibbey – Giám đốc Liên minh thời trang bền vững quan ngại.
Vừa mặc đẹp, vừa thân thiện môi trường
Đứng trước nguy cơ ô nhiễm môi trường nghiêm trọng do những hệ lụy mà ngành thời trang, đặc biệt là thời trang “ăn liền” mang lại, nhiều hãng thời trang đã bắt đầu kết hợp với các nhà nghiên cứu, các khoa học gia cho ra đời các sản phẩm thời trang thân thiện với môi trường, làm từ vật liệu sinh học.
Công ty Orange Fiber (Italy) mới đây đã giới thiệu ra thị trường một loại vải đặc biệt được làm từ vỏ cam. Theo đó, công nghệ của Orange Fiber sẽ tách phần cellulose có trong vỏ cam, tạo ra vật liệu kiểu polymer có thể dệt thành sợi và làm thành vải. Nhà sản xuất cũng cam kết sợi vải 100% làm từ vỏ cam “là chất liệu thuần khiết nhất, siêu nhẹ, tạo cảm giác mềm mại và mượt khi cầm trên tay”.
Để thay thế cho da động vật, Modern Meadow - công ty sinh học của Mỹ cũng đã tạo ra một loại vật liệu có độ dày và mềm mại không khác gì da thật từ collagen. Công ty này khẳng định, vật liệu mới hoàn toàn an toàn, không có độc chất hay tồn dư vôi (vốn dùng để tẩm da trước khi thuộc) như các sản phẩm từ da động vật thông thường.
Đáng chú ý, không chỉ các công ty chuyên về chế phẩm sinh học, nhiều hãng thời trang lớn trên thế giới cũng bắt đầu cho ra mắt các dòng sản phẩm thời trang gần gũi với thiên nhiên, thân thiện với môi trường.
Năm ngoái, “ông lớn” trong ngành thời trang thể thao Adidas đã hợp tác với tổ chức bảo tồn đại dương Parley for the Oceans thực hiện dự án sản xuất giày hoàn toàn từ rác thải đại dương hay thương hiệu quần áo bình dân H&M cũng giới thiệu bộ sưu tập “Conscious Exclusive” được làm bằng sợi polyester tái chế từ những chai nhựa bỏ đi ngoài bờ biển.
Các chuyên gia trong ngành thời trang nhận định, với việc ngày càng nhiều thương hiệu thời trang hoạt động theo mô hình kinh doanh phát triển bền vững trong thời gian gần đây, rất có thể xu hướng “thời trang bền vững”, “thời trang sinh thái” hay “thời trang thân thiện với môi trường” sẽ trở thành tương lai của ngành công nghiệp thời trang thế giới.
Giám đốc điều hành kiêm đồng sáng lập của hãng thời trang Zady - Maxine Bedat cho rằng, người tiêu dùng đang đóng vai trò quan trọng trong việc thực hiện mục tiêu chung của tiến trình phát triển bền vững.
“Lựa chọn quần áo, trang phục hàng ngày, tưởng chừng là công việc hết sức đơn giản với mỗi chúng ta nhưng lại có tác động rất lớn tới vận mệnh của Trái đất. Áo quần chúng ta mặc, hoặc sẽ tiếp tục là nguyên nhân của vấn đề lớn nhất mà hành tinh này đang phải đối mặt, hoặc sẽ giúp mọi thứ một lần nữa trở về quỹ đạo như nó vốn có. Lựa chọn hoàn toàn nằm ở chúng ta”, bà Maxine Bedat phân tích.
Những “thiên đường mua sắm” nổi tiếng nhất thế giới Lấy ý kiến từ những tín đồ “sành sỏi”, CNTraveler đã đưa ra một danh sách những thành phố mua sắm tuyệt vời nhất thế ... |
Louis Vuitton bất ngờ ra mắt đồng hồ thông minh Ít ai ngờ rằng thương hiệu thời trang nổi tiếng thế giới này cũng tham gia vào thị trường công nghệ. |
Những chiếc túi siêu đắt đỏ trên thế giới Túi da cá sấu của Marc Jacobs, túi Gadino của Hilde Palladino, túi LV Tribute Patchwork,... là những chiếc túi có mức giá đắt đỏ ... |