📞
Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Ngân hàng Phạm Xuân Hòe:

Thời điểm vàng để TP. Hồ Chí Minh tiên phong trở thành Trung tâm tài chính quốc tế

Nhóm PV- TGVN (Từ Tp. HCM) 16:58 | 18/10/2019
TGVN. TP. Hồ Chí Minh có những tiềm năng nhất định để có thể cân nhắc việc phát triển thành một Trung tâm tài chính lớn mạnh có tầm cỡ quốc tế và khu vực.
ThS. Phạm Xuân Hòe Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Ngân hàng.

Phát biểu tại phiên Khai mạc Diễn đàn Kinh tế TP. Hồ Chí Minh 2019 về định hướng chính sách quốc gia và vai trò của chính quyền Thành phố để xây dựng TP. Hồ Chí Minh thành Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế, ThS Phạm Xuân Hòe, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Ngân hàng khẳng định, nếu như New York có nền tảng là một thành phố công nghiệp thương mại phát triển; Thượng Hải có một cơ sở sản xuất mạnh mẽ ở sau lưng là Khu vực Đồng bằng sông Trường Giang (Dương Tử), Thâm Quyến có sự trợ lực từ một trong những trung tâm công nghiệp chế tạo định hướng xuất khẩu lớn nhất thế giới ở Quảng Đông; thì TP. Hồ Chí Minh với vị trí là cửa ngõ phát triển của vùng kinh tế phía Nam cũng có tiềm năng để trở thành trung tâm đầu mối dịch vụ và thương mại tầm cỡ khu vực và quốc tế.

Lợi thế của TP. Hồ Chí Minh

Việt Nam có vị trí địa lý khá chiến lược và thuận lợi trong việc phát triển các hoạt động thương mại, dịch vụ và vận tải ở khu vực Đông Nam Á. Trong đó, TP. Hồ Chí Minh là một trong các thành phố có nhiều lợi thế “địa kinh tế”.

Cụ thể, với vị trí trung tâm của khu vực Đông Nam Á, TP. Hồ Chí Minh là nơi kết nối giao thông thuận lợi cả về đường bộ, đường sông, đường biển và hàng không giữa các tỉnh, trong nội tỉnh, trong vùng, giữa 2 miền Đông và Tây Nam bộ với khu vực Đông Nam Á, liên thông vào mạng lưới chung về giao thông với châu Á và thế giới. Với vị trí này, TP. Hồ Chí Minh có điều kiện thuận lợi để hội nhập và giao lưu phát triển kinh tế, văn hoá với khu vực và thế giới, trở thành cửa ngõ giao lưu giữa Việt Nam với quốc tế.

Tiếp theo, ông Phạm Xuân Hòe cho rằng, nằm ở vị trí trung tâm của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, TP. Hồ Chí Minh đóng vai trò như cửa ngõ phát triển, liên kết kinh tế giữa miền Đông Nam bộ, miền Tây Nam bộ và Tây nguyên. Đây là một vùng kinh tế quan trọng với vùng nguyên liệu nông nghiệp, cây công nghiệp tập trung quy mô lớn nhất cả nước; nguồn tài nguyên có giá trị kinh tế cao, đặc biệt là dầu khí, tạo điều kiện cho vùng có khả năng phát triển chuyên môn hoá cao, đồng bộ, có sức cạnh tranh trong điều kiện hội nhập.

Bên cạnh vị trí địa lý thuận lợi, kinh tế Thành phố duy trì tốc độ tăng trưởng ổn định, hợp lý, giữ vững vai trò là đầu tàu thúc đẩy phát triển kinh tế trọng điểm phía nam và cả nước. Đây cũng là một yếu tố rất quan trọng.

Hơn 800 đại biểu tham dự Diễn đàn Kinh tế TP. Hồ Chí Minh 2019. (Ảnh: Q.T)

Với những lợi thế về vị trí địa lý và thành tựu trong phát triển kinh tế xã hội hiện tại, ThS. Phạm Xuân Hòe đánh giá, TP. Hồ Chí Minh vẫn còn nhiều tiềm năng để phát triển lên phía trước với tư cách là đầu tàu phát triển kinh tế của đất nước, tiếp tục là một địa điểm hấp dẫn để các công ty trong và ngoài nước đặt trụ sở, mở chi nhánh.

"Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam xứng đáng được tập trung đầu tư cao để trở thành một trong những vùng kinh tế phát triển năng động nhất, có tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh vượt trước, chuyển dịch cơ cấu nhanh so với các vùng khác trong cả nước, đi đầu trong một số lĩnh vực quan trọng, góp phần nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế", Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Ngân hàng nhấn mạnh.

Những yếu tố để trở thành Trung tâm tài chính quốc tế

ThS. Phạm Xuân Hòe đánh giá, mặc dù chưa có tiêu chí chấm điểm rõ ràng để so sánh với quốc tế, nhưng với thực trạng hiện nay có thể khẳng định, để phát triển TP. Hồ Chí Minh lên xứng tầm với các trung tâm tài chính khác trên thế giới, vẫn còn rất nhiều việc phải làm để có một môi trường kinh doanh, hệ thống tài chính và cả nguồn nhân lực có chất lượng cao. Trong đó, phải kể đến những vấn đề lớn như sau:

Thứ nhất, một thể chế thông thoáng, mở cửa và áp dụng theo các tiêu chuẩn quốc tế là đòi hỏi đặt ra ở tất cả các trung tâm tài chính quốc tế và cũng là nền tảng để kéo theo một loạt những thay đổi về sau. Tuy nhiên, việc thay đổi thể chế ở tầm vĩ mô không phải là vấn đề đơn giản, đặc biệt là với nền kinh tế nhỏ và mở cửa như Việt Nam.

Các đại biểu trao đổi bên lề Diễn đàn Kinh tế TP. Hồ Chí Minh 2019. (Ảnh: Thanh Tùng)

Bên cạnh đó, việc mở của nền kinh tế nói chung và khu vực tài chính ngân hàng nói riêng sẽ đặt ra nhiều quan ngại cho công tác điều hành chính sách vĩ mô, thực hiện nhiệm vụ ổn định tiền tệ, tài chính và tạo lập cơ sở hạ tầng tài chính đồng bộ của cơ quan quản lý nhà nước. Với việc gia nhập WTO và mở rộng các hiệp định FTA song phương và đa phương, môi trường hoạt động kinh tế của Việt Nam đã ngày càng trở nên đa dạng và phức tạp.

Thứ hai, cơ sở hạ tầng giao thông, thông tin và tài chính hiện đại là những yếu tố không thể thiếu trong việc hình thành một trung tâm tài chính. Mặc dù TP. Hồ Chí Minh là một trong những thành phố hiện đại nhất trong cả nước và đang triển khai các dự án về cơ sở hạ tầng đường bộ, đường biển, đường sông, cũng như quy hoạch các khu dân cư và nhà ở, nhưng việc kiến trúc và xây dựng thành phố cần phải được cân nhắc tính toán kỹ lưỡng khi hiện tại thành phố đang phải đối diện với nhiều vấn đề của một đô thị lớn, có dân số tăng quá nhanh.

Ngoài ra, yêu cầu kết nối hệ thống tài chính ngân hàng khi trở thành trung tâm tài chính sẽ đòi hỏi TP. Hồ Chí Minh phải phát triển cơ sở hạ tầng tài chính theo tiêu chuẩn khu vực và quốc tế.

Thứ ba, nếu thiếu nhân tố con người thì trung tâm tài chính không thể hình thành và phát triển. Mặc dù TP. Hồ Chí Minh là một trong những cơ sở đào tạo lớn của cả nước và chú trọng triển khai chương trình nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nhưng chất lượng giáo dục - đào tạo nguồn nhân lực chưa thể tương xứng với yêu cầu phát triển và hội nhập quốc tế, đặc biệt là nguồn nhân lực có trình độ kỹ thuật cao.

ThS. Phạm Xuân Hòe khẳng định, để trở thành một trung tâm tài chính có tầm quốc tế, TP. Hồ Chí Minh cần đào tạo và thu hút được những nhân lực có kỹ năng và trình độ chuyên sâu trong các lĩnh vực tài chính ngân hàng, công nghệ... Đối với điều kiện của TP. Hồ Chí Minh hiện nay, bước đầu có thể lựa chọn mục tiêu xây dựng Trung tâm tài chính với ý nghĩa là một Trung tâm tài chính quốc gia, thu hút vốn cho sự phát triển kinh tế của địa phương.