Chị Vàng Thị Cầu, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Đồng Văn là điểm tựa vững chắc cho chị em người Mông. (Ảnh: Nguyễn Hồng) |
Học lớp 1 ở tuổi 17
Giữa trưa, ngay lối vào dinh thự Vua Mèo, Sà Phìn, Đồng Văn, Hà Giang là cửa hàng giới thiệu các sản phẩm từ Lanh trắng của Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp nông lâm nghiệp Sà Phìn A (HTX Lanh trắng) vẫn tấp nập khách tham quan và mua sắm.
Trong cửa hàng, chị Vàng Thị Cầu - người sáng lập HTX đang chăm chú hướng dẫn chị em trong cửa hàng cách se lanh, kéo sợi và thêu trang trí sản phẩm. Trò chuyện cùng chị Vàng Thị Cầu, chúng tôi mới biết rằng, để thoát nghèo và trở thành điểm tựa vững chắc cho chị em người Mông của địa phương là nhờ quyết tâm đi học lớp 1 ở tuổi 17 – một điều mà không phải bất kỳ trẻ em gái ở Hà Giang vào thời điểm khi đó làm được.
Xuất thân gia đình làm nông, nhà có 11 anh chị em (mỗi người cách nhau chưa đầy 1 tuổi), ba anh trai chị Cầu cứ được hai tuổi rưỡi thì mất, bởi vậy, chị Cầu trở thành chị cả của 7 đứa em. Đến tuổi 14-15, khi những đứa trẻ dưới xuôi vẫn cắp sách đến trường thì khắp các bản làng ở Hà Giang, những em gái cùng trang lứa thậm chí chưa biết tình yêu là gì nhưng đã “một nách ba con”, cuộc sống lại quẩn quanh với nương rẫy, con cái và đói nghèo. Không nằm ngoài “xu thế chung”, bố mẹ chị Cầu cũng không muốn con gái đến trường, bởi với họ “đi học mà bụng to thì xấu hổ với làng xóm”.
“Ngày đó, ở Hà Giang chỉ có học sinh nam mới được đi học hết cấp 2, còn trẻ em gái thường phải bỏ học giữa chừng để giúp cha mẹ làm việc nhà, nương rẫy hoặc đi lấy chồng”, chị Cầu kể. Thế nhưng, không chấp nhận số phận, ước mơ đến trường để thoát nghèo luôn đeo đuổi cô gái Mông này. Biết khó để thuyết phục bố mẹ cho đi học nên chị Cầu âm thầm nộp đơn xin đi học. Sinh năm 1973, nhưng đến tháng 9/1990, chị Cầu mới chính thức vào học lớp 1. Khi đó chị vừa tròn 17 tuổi.
Chị Cầu nhớ lại ngày nhận giấy gọi nhập học, “Bố đang đi chợ Yên Minh, sợ bố ngăn cản nên tôi trốn nhà lên trường, không kịp mang theo quần áo. Học được 3 tháng thì có người ở cùng thôn ra bảo bố không cấm đi học nữa, cho về nhà lấy quần áo. Năm đó có 8 người đi học nhưng về sau chỉ còn lại mình tôi. Tôi xác định, dù khổ đến mấy cũng sẽ quyết tâm học”.
Vì lớn tuổi nên chị Cầu gặp nhiều khó khăn trong việc học. Để theo kịp, chị Cầu học ngày, học đêm với nỗ lực không mệt mỏi, trong 4 năm (1990-1994) chị hoàn thành chương trình tiểu học và trung học cơ sở. Đầu năm 1995, chị đăng ký theo học hệ sư phạm 9+1 và tháng 8/1996, chị được phân công dạy nhóm trẻ tại Trường Mầm non Đồng Văn.
Tuy nhiên, chị Cầu không muốn dừng việc học ở đó. Với quyết tâm cao, chị thi đỗ vào Khoa Mầm non, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Năm 2013, một tháng sau khi tốt nghiệp đại học, chị lại xa chồng con, khăn gói về TP. Hà Giang theo học đại học văn bằng 2 chuyên ngành Lịch sử Đảng.
Trở về quê, vừa gìn giữ bản sắc dân tộc...
Ra trường với hai tấm bằng đại học, chị trở về quê nhà ở xã Phố Cáo, huyện Đồng Văn làm cô giáo mầm non, được học trò và phụ huynh tin tưởng, yêu mến. Với sự nỗ lực phấn đấu bền bỉ, chị Vàng Thị Cầu không những đóng góp cho sự phát triển của quê hương mà còn trở thành tấm gương sáng để thế hệ trẻ ở Đồng Văn học tập, noi theo nhất là những em gái.
Kể từ khi làm công tác xã hội, chị Vàng Thị Cầu có điều kiện gặp gỡ, tiếp xúc nhiều phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn, thiếu việc làm. Sau mỗi lần trở về từ những cuộc gặp gỡ đó, chị Cầu lại trăn trở làm sao để giúp những người phụ nữ đó bớt khó khăn.
Đặc biệt, sau trường hợp của chị Hầu Thị Vá thường xuyên bị chồng đánh đập, thậm chí bị đánh đến nỗi gãy chân không đi lại được, thấy hoàn cảnh đáng thương, chị Cầu đưa chị Vá 500.000 đồng để mua phân và giống lanh về trồng. Vài tháng sau, chị Vá mang lanh tới nhờ chị Cầu bán. Bán giúp được vài lần, chị Cầu thấy không ổn liền nghĩ “thay bằng bán hộ, nên chăng tạo việc làm mới cho chị em?”.
Thế nhưng, việc đào tạo nghề mới không phải đơn giản, chi bằng hướng vào những việc làm mà chị em đã biết làm, không cần phải học nhiều. “Ý tưởng thành lập HTX sản xuất lanh của tôi xuất hiện từ đó”, chị Cầu chia sẻ. Với chị Cầu, đây là thành công của Hội LHPN huyện Đồng Văn nói chung và cá nhân chị nói riêng.
Là người con mảnh đất Sà Phìn, từ nhỏ, chị Vàng Thị Cầu đã được mẹ truyền dạy cách làm ra những chiếc váy trắng, áo trắng của người Mông bằng sợi lanh. Chị thành thạo tới 40 công đoạn như trồng, chăm sóc cây lanh, tước vỏ, se lanh, kéo sợi, dệt vải, hấp, nhuộm, vẽ hoa văn, thêu, may thành váy, áo của phụ nữ Mông.
Nhớ lại những ngày mới thành lập (tháng 11/2017), HTX Lanh trắng Sà Phìn với 20 thành viên nòng cốt. Đến đầu năm 2020, HTX do chị sáng lập đã có 95 thành viên làm việc cho HTX và các tổ sản xuất, chủ yếu là các chị em người Mông.
Ngày đầu hợp tác xã thành lập, chị Cầu phải xuống từng nhà, từng thôn bản vận động từng người tham gia. “Khi ấy chị em còn chưa mạnh dạn, cứ nghĩ là những đồ thổ cẩm này làm ra thì ai mua, tại vì bây giờ nhập từ Trung Quốc rất nhiều. Sau khi được phân tích rõ ràng, các chị em hiểu ra, tìm đến học và làm nghề ngày càng nhiều”.
Cũng khoảng thời gian đó, HTX gặp không ít trở ngại do thiếu vốn, thiếu đất trồng cây lanh làm nguyên liệu, các thành viên HTX chưa quen với việc sản xuất hàng hóa, nhưng bằng sự quyết tâm, nỗ lực của mình, chị và các thành viên đã từng bước tháo gỡ khó khăn, đưa HTX ngày một phát triển.
Những người phụ nữ làm việc tại HTX Lanh trắng. (Ảnh: Nguyễn Hồng) |
… vừa giúp phụ nữ Mông thoát nghèo
Khác với nhiều cơ sở sản xuất ở địa phương, HTX Lanh Trắng tập hợp những chị em thuộc hộ nghèo, đặc biệt khó khăn, nhiều mảnh đời bất hạnh. Trong đó, 2 chị từng là nạn nhân bị lừa bán sang Trung Quốc, 2 chị là người khuyết tật, 10 chị từng là nạn nhân của bạo lực gia đình, 1 người (nam giới) đã từng là tác nhân gây ra bạo lực gia đình nay đã thay đổi nhận thức và đang là thành viên lao động tích cực của HTX…
Theo chị Cầu, trước đây, do khó khăn trong canh tác nông nghiệp, chăn nuôi nên nhiều người Mông từ Sà Phìn đã vượt biên trái phép sang Trung Quốc để kiếm kế sinh nhai. Tiền làm thuê ít, rủi ro lại cao nên nhiều người phải bỏ trốn, trở về quê. Cái khó, cái nghèo cứ bám dai dẳng theo họ. Nhiều người đàn ông bất lực trước số phận đã trút giận lên đầu vợ con. Tình trạng bạo hành gia đình có lúc tăng đột biến.
“Riêng việc đi vận động để họ vào làm việc ở HTX đã là thành công lớn”, chị Cầu nhấn mạnh.
Là một trong những hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn ở xã Sà Phìn, nhưng nay cuộc sống ổn định nhờ được dạy nghề dệt lanh trắng, chị Sùng Thị Si – một trong những thành viên sáng lập HTX, Giám đốc HTX Lanh trắng kể, gia đình chị rất nghèo, không có tiền cho con đi học, ăn uống thiếu thốn. Để có tiền, chồng chị sang Trung Quốc làm thêm nhưng bị lừa và phải trở về quê. Bức bối và bất lực trước nghèo khó, chồng chị Si tìm đến rượu để giải sầu và thường xuyên đánh đập vợ thậm tệ.
“Nhiều lúc, tôi muốn bỏ nhà đi nhưng vì thương các con còn nhỏ nên cam lòng ở lại”, chị Si kể.
Đúng lúc đó, chị Cầu vận động chị Si tham gia HTX, chị đồng ý, đến nay “tôi đã có thu nhập ổn định, gia đình ngày càng hòa thuận. Không những vậy, chồng tôi hiện giờ còn là thành viên tích cực của HTX”, chị Si khoe.
Không chỉ chị Si, phần lớn thành viên trong HTX đều là nạn nhân của bạo lực gia đình. Được chị Cầu vận động và chính quyền giúp đỡ, họ đã đến với HTX Lanh Trắng và gắn bó với nhau như chị em trong gia đình.
Cho đến nay, sau 3 năm thành lập, HTX Lanh trắng có bước phát triển nhanh chóng, hình thành chuỗi khép kín, tự cung cấp nguyên vật liệu, sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, tạo việc làm cho 95 hội viên ở xã Sà Phìn và bà con ở nhiều xã trong huyện Đồng Văn.
Các thành viên HTX Lanh trắng Sà Phìn đã làm được 45 dòng sản phẩm thổ cẩm thủ công với nhiều mẫu mã, kích thước khác nhau mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc Mông, qua đó tạo việc làm, thu nhập ổn định, bình quân hằng tháng đạt từ 3 - 6,5 triệu đồng/người.
Khoản thu nhập này giúp chị em từng bước vượt lên đói nghèo, làm chủ cuộc sống và dần hòa nhập với cộng đồng. Ngoài ra, HTX Lanh trắng cùng với Hội LHPN huyện Đồng Văn đang nuôi dạy 50 cháu có hoàn cảnh đặc biệt (bố hoặc mẹ mất, hoặc đi làm ăn xa, bơ vơ không nơi nương tựa).
Sản phẩm làm ra được bày bán ngay tại chỗ, phục vụ nhu cầu mua đồ lưu niệm của du khách, nhất là khách nước ngoài. Chị Cầu cho biết, thời gian qua, HTX còn nhận được các đơn đặt hàng từ nước ngoài như Hà Lan, Đức, Mỹ, Nhật Bản… Các nhà thời trang trong nước và nước ngoài cũng nhập sản phẩm lanh của HTX.
Niềm vui lớn nhất của chị Cầu và HTX là đã phát huy, gìn giữ được nghề truyền thống, tạo việc làm ổn định với mức thu nhập khá cho nhiều lao động địa phương, trong đó có những mảnh đời bất hạnh mà với họ cuộc sống như được hồi sinh.
Theo ông Dinh Chí Thành, Phó Chủ tịch UBND huyện Đồng Văn, HTX Lanh Trắng ra đời góp phần giải quyết đáng kể việc làm, tăng thu nhập cho người dân, luôn là điểm tựa vững chắc cho phụ nữ Mông ở xã Sà Phìn.
Tham gia hoạt động của HTX Lanh trắng, phụ nữ địa phương phát huy được năng lực và có nguồn thu nhập ổn định, qua đó bình đẳng giới cũng được phát huy, bạo lực gia đình cũng giảm bớt, người phụ nữ có vai trò, vị trí trong gia đình và xã hội.
Trong thời gian tới, với phương châm “xã hội muốn tiến lên thì phụ nữ phải có việc làm”, huyện sẽ tiếp tục tạo điều kiện, hỗ trợ để mô hình này tiếp tục phát triển và nhân rộng.
Với tinh thần trách nhiệm của Đảng viên, chị Cầu luôn nỗ lực tạo việc làm cho chị em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, giúp họ có cuộc sống tốt đẹp hơn, góp phần giảm bạo lực gia đình tại địa phương.
Những đóng góp trên của chị Vàng Thị Cầu được UBND tỉnh Hà Giang ghi nhận và trao tặng bằng khen về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh năm 2018 và năm 2019 chị lại được nhận bằng khen của UBND tỉnh Hà Giang về thực hiện 8 lời Bác Hồ căn dặn Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Hà Giang.