📞

Thói quen uống cà phê gây mắc bệnh mãn tính

06:53 | 07/12/2024
Nếu bạn dùng đồ uống này khi chưa ăn dễ làm thay đổi độ pH, khiến lượng axit dạ dày tăng lên gây ra các triệu chứng ợ nóng và khó tiêu.

Theo Express, người dân Anh dùng khoảng 95 triệu tách cà phê mỗi ngày nhưng một số người thường xuyên uống khi chưa ăn sáng.

Mới đây, Tiến sĩ, Bác sĩ Alexandre Olmos cảnh báo những người có thói quen như trên về các tác động tiêu cực có thể xảy ra. Bác sĩ Olmos cho biết uống cà phê khi bụng đói có khả năng kích hoạt gene liên quan đến tình trạng viêm và bất ổn tiêu hóa.

Vị chuyên gia giải thích rằng, cà phê có tính axit tự nhiên. Nếu bạn dùng đồ uống này khi chưa ăn dễ làm thay đổi độ pH của dạ dày. Khi đó, lượng axit dạ dày tăng lên gây ra các triệu chứng ợ nóng và khó tiêu.

Theo thời gian, nếu giữ thói quen này thường xuyên có thể gây viêm đường tiêu hóa, ảnh hưởng đến hệ vi sinh đường ruột - yếu tố quan trọng đối với sức khỏe tổng thể của chúng ta.

Không chỉ dẫn tới các vấn đề về tiêu hóa như viêm dạ dày hoặc hội chứng ruột kích thích, người uống cà phê khi đói còn tăng nguy cơ mắc bệnh mạn tính bao gồm bệnh tim, tiểu đường loại 2 và rối loạn tự miễn dịch.

Trong video trên Instagram, bác sĩ Olmos khẳng định: "Nhiều người dùng cà phê để việc nhịn ăn gián đoạn trở nên dễ dàng hơn. Nhưng uống cà phê khi bụng đói có thể khiến cơ thể bạn phản ứng theo những cách mà bạn không ngờ tới”.

Tuy nhiên, theo Medical News Today, nếu sử dụng đúng cách, cà phê đem tới những tác dụng tốt cho hệ vi sinh vật đường ruột. Một nhóm nhà khoa học đã phân tích chế độ ăn uống và dữ liệu y tế của hơn 22.800 cá nhân tại Mỹ và Anh.

Những người tham gia được chia thành 3 nhóm:

- Hiếm khi tiêu thụ cà phê (dưới 3 cốc/tháng)

- Tiêu thụ vừa phải (21-599g cà phê mỗi ngày)

- Tiêu thụ nhiều (600g cà phê trở lên hoặc hơn 3 cốc mỗi ngày).

Kết quả cho thấy mối liên hệ chặt chẽ giữa tiêu thụ cà phê và gia tăng các loài vi khuẩn đường ruột, đặc biệt là L. asaccharolyticus.

Sự phong phú của L. asaccharolyticus được chứng minh là lớn hơn đáng kể ở nhóm tiêu thụ nhiều cà phê, dao động từ 4,5 đến 8 lần so với nhóm không bao giờ uống. Chỉ số tương tự ở nhóm tiêu thụ vừa phải là 3,4 đến 6,4 lần. Điều này cho thấy, bạn không cần phải uống nhiều cà phê mới có được sự thay đổi trong hệ vi sinh vật đường ruột của mình.

Phân tích các chất chuyển hóa trong máu cho thấy axit quinic và trigonelline đặc biệt phổ biến ở những người uống cà phê, tương quan với mức L. asaccharolyticus cao hơn.

(theo Vietnamnet)