Với “tuổi đời” khá trẻ, chỉ khoảng 20 năm trở lại, nhưng thời gian gần đây, nhiều thương hiệu thời trang của Singapore đã chinh phục được một lượng lớn khách hàng đến từ các nước châu Á. Tại các siêu thị, trung tâm mua sắm lớn của nhiều nước, sẽ không khó để bắt gặp các thương hiệu như Charles & Keth, Beyond the Vines, Pedro, Q Menswear… nằm ở vị trí khá đắc địa.
Một gian hàng trưng bày của thương hiệu Beyond The Vines tại một trung tâm mua sắm lớn của Bangkok (Thái Lan). (Nguồn: The Strait Times) |
Cuộc đổ bộ rầm rộ
Benjamin Barker – nhãn hiệu chuyên về thời trang nam của Singapore dự kiến sẽ mở hai cửa hàng lớn tại chuỗi trung tâm mua sắm Aeon Malls ở thủ đô Phnom Penh (Campuchia) vào năm 2018.
Mới đây, The Mall Group – một trong hai “đại gia” bán lẻ hàng đầu Thái Lan cũng chia sẻ kế hoạch đưa thương hiệu Beyond The Vines - chuyên về thời trang nữ của Singapore vào trung tâm mua sắm đẳng cấp của mình tại các quận trung tâm của Bangkok.
“Để thu hút thêm khách hàng thuộc tầng lớp trung lưu, chúng tôi đã chuyển hướng thay thế các thương hiệu đẳng cấp như Gucci, Chanel, Prada bằng các thương hiệu thời trang bình dân hơn nhưng vẫn hiện đại, thanh lịch và trẻ trung. Và thương hiệu Beyond The Vines của Singapore là lựa chọn hoàn hảo. Chúng tôi hoàn toàn bị chinh phục và ấn tượng với các mẫu thiết kế, chất lượng cũng như giá thành hợp lý của thương hiệu này”, bà Pailin Umphuj, Giám đốc phụ trách bộ phận Phát triển thương hiệu của The Mall Group cho biết.
Theo ông Daniel Chew, đồng sáng lập của Beyond The Vines, việc phát triển thương hiệu tại các thị trường nước ngoài sẽ là một trong những mục tiêu chiến lược của công ty trong thời gian tới. Không chỉ thu hút một lượng lớn các khách hàng đến từ Hàn Quốc và Thái Lan, Beyond The Vines cũng tạo dấu ấn khá tốt tại thị trường Nhật Bản vốn nổi tiếng khó tính. Số lượng đơn hàng từ Nhật Bản đã không ngừng tăng lên sau khi thương hiệu này chính thức ra mắt tại đây.
Làm nên tên tuổi của thời trang Singapore tại thị trường quốc tế không thể không kể đến Charles & Keith do anh em nhà Wong sáng lập. Khởi đầu từ Singapore, đến năm 1998, Charles & Keith đã vượt ra ngoài biên giới đến Indonesia, Philippines, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE)…Hiện nay, thương hiệu này đang sở hữu khoảng 500 cửa hàng trên khắp thế giới và là một trong những cái tên về thời trang tầm trung được giới mộ điệu thời trang châu Á yêu thích.
“Chúng tôi nắm bắt cơ hội được làm việc trực tiếp với các nhà máy nhằm kiểm soát tốt hơn mẫu mã, chất lượng cũng như quy trình sản xuất sản phẩm. Rất nhiều thiết kế được tạo ra nhờ vào phản hồi của khách hàng, điều mà chúng tôi đúc kết được từ sự hiểu biết về mong muốn của họ, từ đó cho ra đời những sản phẩm mới lạ hơn vào mỗi mùa”, Charles Wong – đồng sáng lập của Charles & Keith chia sẻ kinh nghiệm thành công.
Không riêng gì thị trường châu Á, nhiều nhà đầu tư đến từ những kinh đô thời trang của thế giới như Paris (Pháp), Milan (Italy), New York (Mỹ) cũng bắt đầu để mắt tới các thương hiệu thời trang đến từ Singapore. Đại diện của Benjamin Barker tiết lộ, một nhà đầu tư người Pháp đang có kế hoạch bắt tay với thương hiệu này để mở chuỗi cửa hàng Benjamin Barker tại Pháp trong năm tới.
Nắm bắt thị hiếu
Ngoài mẫu mã đa dạng và giá cả hợp lý, việc tìm hiểu và biết nắm bắt thị hiếu riêng của từng nước cũng là yếu tố tạo nên thành công của các thương hiệu thời trang Singapore.
Bài học thành công của Benjamin Barker là một ví dụ điển hình. Nhận thấy các thị trường như Malaysia, Philippines, Indonesia và Thái Lan vẫn thiếu vắng các sản phẩm áo sơ mi chất lượng cao, sau khi mở một chuỗi các cửa hàng tại đây, Benjamin Barker đã tung ra dòng áo sơ mi chất lượng cao Green Label với mức giá khá mềm, chỉ khoảng 69 -90 USD, thấp hơn rất nhiều so với mức giá được bán tại thị trường Singapore. Ngay lập tức, dòng áo sơ mi này đã trở thành một trong những sản phẩm bán chạy nhất của chuỗi cửa hàng Benjamin Barker tại khu vực Đông Nam Á.
“Với thị trường châu Á, phương châm kinh doanh của chúng tôi là gia tăng giá trị cho các mặt hàng thời trang và chúng tôi đã thành công”, ông Nelson Yap, CEO của Benjamin Barker cho hay.
Thương hiệu thời trang tầm trung In Good Company cũng thay đổi mẫu mã để phù hợp với yêu cầu của từng thị trường. Tại các quốc gia mà phần lớn dân số theo đạo Hồi như Indonesia hay UAE, những mẫu trang phục của In Good Company thường có xu hướng khá kín đáo, ít đường cắt cúp.
Giáo sư Amos Tan, giảng viên cao cấp kiêm Trưởng khoa Tiếp thị và bán lẻ thuộc Đại học Quốc gia Singapore nhận định, để thành công, ngoài nắm bắt thị hiếu của thị trường, các thương hiệu thời trang Singapore cũng cần hiểu rõ đối tượng khách hàng mục tiêu và có những chiến lược kinh doanh khôn khéo, đặc biệt là phải biết tận dụng kênh thương mại điện tử.